Nhà văn hóa và sân chơi thể thao của bản Piềng Mòn, xã Tén Tằn (Mường Lát) được xây dựng khang trang. |
Chúng tôi có mặt đúng ngày Đại tá Thiều Ngọc Vy, nguyên Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (KT- QP5), thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nhận quyết định nghỉ chế độ. Trời chiều vùng biên, những tia nắng mùa đông hanh hao có chút đượm buồn, hương rượu ngô như muốn níu giữ bước chân Đại tá Vy.
Trong ngày chia tay đồng đội với biết bao câu chuyện, biết bao kỷ niệm, nhưng Đại tá Vy không quên kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ thuở Đoàn KT- QP5 đặt những viên gạch đầu tiên trên mảnh đất của đoàn quân Tây Tiến. Nhờ các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất của Đoàn KT-QP5, đời sống của đồng bào các dân tộc ở 5 xã Tam Chung, Tén Tằn, Quang Chiểu, Pù Nhi, Mường Chanh (vùng dự án của Đoàn KT-QP5) đã đổi thay. Trong câu chuyện của mình, Đại tá Vy cứ nhắc đến và xoay quanh Dự án “Di dân khu vực biên giới”. Hỏi mọi người xung quanh, chúng tôi mới biết, Đại tá Vy vốn được lãnh đạo Đoàn KT- QP5 giao trách nhiệm đi khảo sát, lựa chọn địa điểm để thành lập các bản giáp biên trên địa bàn 5 xã vùng dự án của huyện Mường Lát. Sau 13 năm thực hiện Dự án “Di dân khu vực biên giới”, Đoàn KT-QP5 đã thực hiện di dân và thành lập được 12 cụm bản giáp biên. Trong đó, có 6 bản đồng bào dân tộc Mông là Ón, Poom Khuông (xã Tam Chung), Pù Nứa (xã Quang Chiểu), Cơm, Cá Tớp, Pha Đen (xã Pù Nhi), 1 bản của người Khơ Mú (xã Tén Tằn) và 5 bản người Thái ở các xã Quang Chiểu, Tén Tằn, Tam Chung...
Đại tá Thiều Ngọc Vy khẳng định: “Việc hình thành các cụm dân cư ở khu vực giáp biên không chỉ nhằm mục đích xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân khu vực biên giới, mà còn hạn chế, tiến tới xóa bỏ tập quán du canh, du cư của đồng bào Mông, di dời người dân khỏi những nơi không an toàn đến những nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn”. Trước lời giới thiệu, gợi mở đầy hấp dẫn về những “đứa con đẻ” của Dự án “Di dân khu vực biên giới”, chúng tôi hành trình ngược về phía Cửa khẩu Tén Tằn để đến thăm bản Piềng Mòn. Sau gần nửa tiếng chạy xe, bản Piềng Mòn hiện ra đẹp như một bức tranh.
Giữa trùng điệp núi rừng, bản nằm trên một ngọn đồi thoai thoải. Dòng suối Xim trong vắt quanh năm không bao giờ cạn uốn lượn như bao bọc, ôm lấy bản, tưới tắm cho đồng ruộng. Trong sắc chiều tang tảng và màu xanh của đại ngàn, những ngôi nhà sàn mọc san sát, những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngát, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây... đã gợi về một cuộc sống trù phú, yên bình. Thật may, chúng tôi đến đúng dịp dân bản đang vui niềm vui “cưới” bản nông thôn mới (NTM). Hai bên đường rợp sắc đỏ của cờ Tổ quốc, giao thông nội thôn được chỉnh trang gọn gàng. “Sau nhiều ngày khảo sát, nhận thấy vị trí ở khu vực suối Xim thuộc xã Tén Tằn tương đối bằng phẳng, nằm trên cung đường tuần tra biên giới lại gần cửa khẩu và trung tâm xã Tén Tằn, thuận lợi để người dân “an cư, lạc nghiệp”, bảo đảm được an ninh biên giới nên đoàn đã trình cấp trên chọn địa điểm này để lập bản” - Đại tá Vy kể lại.
Trong tiếng Thái, piềng có nghĩa là bằng, mòn là chỉ một lối đi nhỏ, đường đất ven rừng. Đúng như tên gọi, bản Piềng Mòn nằm trên một quả đồi thấp, trên cung đường tuần tra biên giới, địa hình thoai thoải rộng, đủ điều kiện để san gạt tạo nền nhà, tạo ruộng bậc thang chia cho các hộ dân. Bằng sự hồ hởi, anh Lương Văn Chợi, bí thư chi bộ bản Piềng Mòn đưa chúng tôi đi thăm bản. Anh chia sẻ: “Người dân ở Piềng Mòn được gom từ những hộ nghèo, thiếu đất sản xuất của 6 bản nằm trong những vùng có nguy cơ sạt lở của huyện Mường Lát.
Từ ngày đầu về bản, mỗi hộ được dự án hỗ trợ 15 triệu đồng để ổn định cuộc sống, song mỗi gia đình chúng tôi tự nguyện trích ra 2 triệu đồng, cộng với sự hỗ trợ của Đoàn KT-QP5 để làm đường giao thông nội bản. Ban đầu, chỉ là con đường cấp phối rộng hơn 2m đến nay đã được bê tông hóa rộng hơn 3m, khang trang. Mọi công trình từ trường mầm non, nhà văn hóa, điện, nước sinh hoạt của bản đều là thành quả của ý Đảng, lòng dân. Với sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-PQ5, cuối năm 2017, Piềng Mòn đã đạt chuẩn NTM. Đồng bào Thái ở Piềng Mòn biết ơn Đảng, bộ đội Đoàn KT-QP5 nhiều lắm!”.
Toàn bản có 61 hộ dân, với 276 nhân khẩu, 100% là đồng bào Thái đã biết trồng lúa nương 2 vụ, trồng ngô lai năng suất cao và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với 5,6 ha đất canh tác, năng suất lúa khoảng 55 tạ/ha nên ngoài trồng trọt, chăn nuôi, người dân trong bản còn có nguồn thu nhập từ nghề phụ, như: Phụ nữ dệt thổ cẩm, nam giới làm thợ nề, thợ mộc. Piềng Mòn đã bước sang tuổi thứ 13, cuộc sống bà con đã ổn định, diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày. Thu nhập bình quân của bản tính đến cuối năm 2017 đạt 13 triệu đồng/người/năm.
Anh Chợi cho biết thêm: Nghề dệt thổ cẩm của người Thái có từ lâu đời rồi, còn nghề nề, nghề mộc có được như một cái “duyên” trời định. Khi xây dựng bản, được sự hướng dẫn của chiến sĩ Đoàn KT-QP5, bà con tự dựng nhà, làm chuồng trại. Từ đó ai cũng biết nghề, thạo nghề, qua ngày tháng tôi luyện, giờ đây nhiều nam giới của bản Piềng Mòn đã tỏa đi khắp nơi kiếm sống bằng nghề thợ nề, thợ mộc... Bà Hà Thị Pít, người dân bản Piềng Mòn, chia sẻ: “Trước kia, gia đình tôi sống trên núi cao, lúc nào cũng sợ lũ, sợ sạt lở. Sau khi chuyển về đây, được bộ đội hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi, cuộc sống gia đình tôi đã ổn định. Piềng Mòn đã trở thành quê hương mới của dân bản chúng tôi”.
Từ chỗ sống rải rác, ven những ngọn núi, bờ suối, giờ đây, người dân ở 5 xã vùng dự án của huyện Mường Lát đã được quy tụ, quây quần hình thành những cụm bản mới. Khi tên làng, tên bản được định danh, cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Mỗi người dân không chỉ là nhân tố phát triển kinh tế - xã hội của vùng biên mà còn là hạt nhân để xây dựng khu vực phòng thủ nơi tuyến đầu của tỉnh. Thành quả của một dự án được kết tinh trong niềm vui đón nhận bản NTM của người dân Piềng Mòn. Sự thay da đổi thịt của những cụm bản vùng biên đã góp phần tạo nên sức sống mới cho vùng biên Mường Lát hôm nay.
Tác giả: Lê Hòa
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử