Một năm học mới lại bắt đầu, học sinh trên cả nước lại nô nức trở lại trường lớp để tiếp tục học tập. Thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có may mắn tham gia buổi tựu trường, giữa niềm hân hoan của ngày đầu năm học mới, lòng tôi bất chợt xao xuyến khi nhớ về giấc mơ con chữ đầy gian nan của những đứa trẻ miền sông nước.
Cô Phan Thị Bảy là giáo viên của trường THCS Mỹ Trung (Cái Bè, Tiền Giang), có hơn chục năm gắn bó với công việc giảng dạy hơn ai hết cô Bảy hiểu rõ hoàn cảnh của từng học trò. Hễ có thời gian, cô lại một mình băng qua những con đường bùn đất để vào thăm nhà học trò. Thương lắm, nhưng sức cô cũng có hạn, chẳng giúp được bao nhiêu. Hôm trò chuyện với tôi, cô cười chua chát: "Phải mà cô giàu có thì sẽ giúp được nhiều thứ hơn cho tụi nhỏ".
Hành trình con chữ của những đứa trẻ ở miền sông nước thật sự gian nan hơn những gì tôi từng tưởng tượng. |
Đôi tay của em
Thằng Dành lóng ngóng một hồi lâu vẫn không nói lý do vì sao chưa thuộc bài. Cô Bảy giận lắm, biểu nó xòe tay ra để cô đánh đòn, đặng chừa cái tật ham chơi. Thế nhưng khi thằng Dành xoè tay ra, lòng cô Bảy chợt thắt lại.
Đôi bàn tay nhỏ xíu của thằng nhỏ gần như nát tươm vì những vết kẹp của cua. Hổm rày nước lớn, anh em thằng Dành tranh thủ ra kinh bắt cua đi bán phụ giúp ba má. Để bắt được cua, tụi nhỏ phải ngâm mình dưới nước, đưa tay vào hang cho cua kẹp vào bàn tay rồi mới lôi ra ngoài. Bất kể ở trong hang có thể là rắn hoặc một con vật nào đó, tụi nhỏ cũng chẳng chút e dè, thiệt ra chúng đã quen với công việc này rồi. Bàn tay nó cũng vì thế mà chi chít những vết thương.
Cô Bảy lặng người một lúc rồi bảo nó quay về chỗ ngồi. Ai ở vị trí của cô cũng chẳng nỡ đánh vào đôi tay đã quá nhiều vết đau của thằng bé. Hôm đó, cô đến nhà thằng Dành để tìm hiểu nhiều hơn về hoàn cảnh gia đình. Ba má thằng Dành không có nổi một miếng đất cắm sào. Họ đưa đàn con nhỏ đi khắp nơi, tới chỗ nào có người thuê làm thì dựng tạm cái chòi lá để ở rồi đi làm kiếm sống. Nhà đông con, tiền làm ra chẳng được bao nhiêu. Thương ba mẹ, tụi thằng Dành tranh thủ ra đồng bắt cua, bắt ốc đi bán.
Nhà trường đã miễn toàn bộ học phí cho thằng Dành, nhưng hành trình với con chữ của nó vẫn còn vô vàn gian nan. Cô Bảy nói: "Ăn còn không no thì tâm trí đâu mà học chữ", thấy mà rầu. Mấy hôm trước nghe đâu ba thằng Dành khóc, ổng nói: "Tụi nhỏ đòi nghỉ học để đi làm phụ ba má trả nợ". Trên cái rẻo đất nghèo nàn này, nói thương nhau nghe sao mặn đắng.
Thương ba má vất vả sớm hôm, tụi nhỏ tranh thủ đi làm để phụ giúp gia đình. |
Cái bánh bao
Nhà thằng Kiệt ở mé sông trước trường. Ba má nó chẳng đủ tiền mua miếng đất cất nhà, bà con xung quanh thấy thương nên cho ở tạm. Ấy vậy mà thằng Kiệt học giỏi lắm, cô Bảy tự hào về nó lắm. Năm ngoái, thằng nhỏ đạt thành tích cao nên được thưởng một chiếc xe đạp, cô Bảy dẫn nó với mấy đứa nữa lên Cái Bè nhận phần thưởng.
Tới chiều về tụi nhỏ đói bụng, cô Bảy ghé tiệm mua bánh bao cho cả tụi ăn. Thằng Kiệt mừng rơn, nó ăn ngấu nghiến ăn luôn cả miếng giấy lót bên dưới cái bánh. Mấy đứa bạn thấy vậy liền can: "Ê! Cái này là giấy lót bánh không ăn được đâu". Thằng Kiệt vẫn vô tư: "Ăn được mà, ngon lắm tụi bây". Đó là lần đầu tiên trong đời thằng Kiệt được ăn bánh bao.
Con đường đến trường dẫu gian nan nhưng bọn trẻ chưa bao giờ thôi cố gắng. |
Môn thi cuối cùng
Hậu có lẽ là đứa học trò mà cô Bảy nhớ nhất trong tất cả những đứa trẻ mà cô từng giảng dạy. Thằng nhỏ lóc chóc nhưng rất hiếu học. Nhà nghèo, ba má đi làm mướn cả ngày, ngoài giờ đến lớp, Hậu ở nhà lo cơm nước để anh trai đi bán vé số về có cái mà ăn.
Hôm đó là buổi thi môn Văn, trong khi các bạn đã vào phòng thi thì thằng Hậu vẫn chưa thấy đâu. Cô Bảy bồn chồn ngó xuôi ngó ngược tìm thằng nhỏ, nhưng 10 phút, 20 phút rồi hết buổi thi vẫn không thấy thằng Hậu đến.
Buổi thi kết thúc, cô Bảy về nhà thì hay tin thằng Hậu đã chết hồi chiều này, nó bị điện giật khi chuẩn bị lên trường thi môn cuối. Vội vàng chạy qua nhà học trò, cô Bảy điếng người, lặng nhìn người ta đặt thằng Hậu vào một chiếc quan tài bé xíu do hội từ thiện đem tới. Cho đến khi rời khỏi thế giới này, Hậu cũng không có một bộ đồ đàng hoàng để bận, người ta lấy bông gòn nhét vào hòm cho nó ấm.
"Tuần trước lúc sửa bài cho thằng nhỏ, nó hứa sẽ hát cho tôi nghe khi kết thúc năm học" - giọng cô Bảy nghẹn lại, rồi cô khóc. Năm đó thằng Hậu mới 12 tuổi. Nghe đâu sau khi lo hậu sự cho thằng Hậu, ba má nó cũng chuyển đi Vũng Tàu để làm mướn. Sau này mỗi lần có dịp đi ngang qua nhà học trò, nhìn ngôi mộ đất nằm lẻ loi, lạnh lẽo, lòng cô Bảy lại nhói từng cơn.
Dưới những mái lá nghèo trên mảnh đất phù sa này là biết bao phận người gian khó. |
Ở vùng sông nước này, bước xuống sông là có cá, ngó lên trời là thấy chim, cứ ngỡ là cuộc sống thoải mái, đủ đầy lắm. Thế nhưng vẫn còn biết bao nhiêu con người hàng ngày hàng giờ đối mặt với cái đói. Sự nghèo nó như cái vòng luẩn quẩn, con người ta càng chạy càng không thấy lối ra. Khi cái đói còn đang rình rập mỗi ngày thì cái chữ còn xa vời lắm. Và tụi nhỏ chỉ biết theo chân bố mẹ lang bạt hết vùng đất này, tới con sông nọ, chẳng biết nơi đâu là bến đỗ cuối cùng.
Chỉ thầm tụi nhỏ sẽ đủ mạnh mẽ để vượt lên những gian khó và tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn. |
Ảnh: NGUYỄN TÀII
Tác giả: FUTO NGUYEN
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ