Trong nước

Những lão nông “ép” mai nở giữa trời Hà Tĩnh

Với niềm đam mê, sự cần cù, kiên trì, nhiều nông dân ở xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn tạo ra được những vườn mai đẹp để đưa ra thị trường dịp tết, dù Hà Tĩnh không phải là nơi thật sự thích hợp cho cây hoa này.

Mai là loại cây thích hợp với khí hậu ấm áp còn ở những nơi nhiệt độ thấp hoặc quá cao mai sinh trưởng kém. Thế nên khi nói ở tỉnh Hà Tĩnh vẫn có những vườn mai đẹp khiến nhiều người khó tin. Vậy nhưng, suốt gần 20 năm qua xã Kỳ Nam của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), lại là một trong những đầu mối cung cấp mai tết cho thị trường Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận.


Anh Xuân đang tỉ mỉ chăm sóc cho những đứa con tinh thần của mình

Ở xã Kỳ Nam hiện nay có 30 hộ dân đang gắn bó với nghề trồng mai. Vào những ngày cuối năm không khí tại đây đang rất khẩn trương. Các hộ dân đang làm những công đoạn cuối cùng, “tân trang” cho những đứa con tinh thần của mình trở nên lộng lẫy nhất vào ngày tết.

Anh Nguyễn Viết Xuân (SN 1972, ở thôn Minh Thành, xã Kỳ Nam là một trong những người trồng mai nổi tiếng trong vùng với 21 năm làm nghề.

Anh Xuân cho biết, trước đây trên mảnh đất gia đình anh đang sinh sống là một rừng mai. Sau khi di chuyển đến ở, anh đã chặt bỏ đi để trồng rau, duy chỉ trừ lại một gốc để trang trí tại vườn.

Anh Xuân cho biết, thời tiết năm nay khá thất thường nên việc chăm sóc cây mai gặp rất nhiều khó khăn. Song nhìn những cây mai dày đặc nụ hoa, anh Xuân cũng được an ủi

Đến năm 1995, khi nhu cầu sử dụng hoa mai trong dịp tết tăng mạnh, anh đã nhân giống từ gốc Mai còn lại đó. Đến năm nay vườn mai nhà anh đã có gần 600 gốc lớn, bé.

Trong những ngày cuối năm, anh Xuân đang dồn hết công việc, tập trung chăm sóc vườn mai của gia đình mình, để cho hoa nở đúng dịp tết.

Anh Xuân cho biết: “Mai là cây hoa kiểng dễ sống, sống mạnh và được coi là giống cây dễ trồng nhất. Nó không quá kén đất trồng. Tuy nhiên, mai là loại cây thích hợp với khí hậu ấm, từ 25oC – 30oC, có thể chịu được nhiệt độ cao trong nhiều ngày, nhiều tháng. Nhưng ở những nơi nhiệt độ thấp (dưới 10oC), mai sinh trưởng kém. Nó thường hợp với khí hậu các tỉnh phía Nam hơn”.

“Khí hậu ở Hà Tĩnh thì không hề thích hợp, mùa nắng thì rất nóng, còn mùa đông thì lại lạnh buốt. Để trồng mai đòi hỏi phải rất chịu khó, tỉ mỉ trong khâu chăm sóc, đặc biệt là phải “điều chỉnh” thời tiết, chẳng hạn như lạnh quá thì có thể thắp bóng điện để sưởi. Ngoài ra, tôi cũng như người dân nơi đây phải thường xuyên vào các tỉnh miền Nam để hỏi hỏi thêm kinh nghiệm”, anh Xuân cho biết thêm.

Chính vì bằng tình yêu, sự kiên trì, mà vườn mai của gia đình anh Xuân đến nay đã có gần 600 gốc, phát triển tốt.

“Khí hậu năm nay nắng nóng kéo dài nên cũng ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của cây mai. Từ giờ đến tết, nếu trời lạnh thì hoa sẽ nở đúng dịp và rất đẹp. Trung bình mỗi năm vườn mai cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng”, anh Xuân cho biết.



Ông Cửu bên vườn mai của mình

Còn gia đình ông Trần Văn Cửu, trú tại thôn Minh Xuân, xã Kỳ Nam cũng đã có 10 năm trong nghề trồng mai. Năm nay gia đình ông bà có gần 100 gốc mai để cung ứng cho thị trường dịp tết.

Ông Cửu cho biết, trồng mai để cho hoa nở đúng dịp rất khó, bởi thời tiết ở miền Trung rất khắc nghiệt, thay đổi thường xuyên. Hơn nữa, trồng mai mất rất nhiều thời gian và công sức, nếu mà không yêu nghề, không có tính kiên trì thì không theo được nghề. Bình thường mỗi gốc mai phải có tuổi đời từ 3 năm trở lên mới cho thu nhập.

Vì vậy mà nhiều hộ dân đã không còn mặn mà với nghề trồng mai nữa.

Ông Cửu nói: “Trước đây, hầu như nhà nào cũng trồng mai và xem đó là nghề mang lại thu nhập chính. Nhưng giờ, nhiều hộ họ chuyển sang nghề khác. Chúng tôi vì niềm đam mê nên đang cố giữ lại cái nghề này”.



Dù đã được điều chỉnh, song nhiều cây mai vẫn bung hoa sớm

Ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết, Kỳ Nam là địa phương duy nhất phát triển mạnh nghề trồng hoa mai của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều năm nay, người dân lại không còn mặn mà với nghề, bởi còn tồn tại nhiều khó khăn.

“Nhiều năm nay, người dân địa phương cũng giảm quy mô trồng mai xuống. Như gia đình tôi ngày trước lên đến cả gần 1.000 gốc, nhưng năm nay chỉ còn 500 gốc nữa”.

“Cây mai rất dễ bị nhiễm bệnh, nên người trồng mai phải thường xuyên theo dõi, chăm chút kỹ lưỡng từng gốc mai để xử lý phân bón, thuốc trừ sâu kịp thời và điều lo lắng chung với người trồng mai đó là thời tiết”.

“Hiện toàn xã có 30 hộ trồng mai và cho thu nhập khá đều đặn. Trong thời gian tới chúng tôi cũng đang có kế hoạch khôi phục lại nghề trồng mai”, ông Vin cho biết thêm.

Tác giả bài viết: Xuân Sinh - Long Trần

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok