Trên tàu cá Quyết Tiến của ngư dân Quảng Nam, phần lớn là ngư dân có thâm niên đi đánh bắt xa bờ. Ở mỗi người hiện ra một chân dung hiên ngang trước biển khơi.
Ngư dân 'lì đòn'
Theo các ngư dân, mưu sinh ở Macclesfield xa xôi, muốn tồn tại thì phải có gan, chấp nhận cỡ gió cấp 8 - 9, khi gió ngớt thì rất nhiều cá. Nếu cứ nghe gió mà chạy hơn 300 hải lý vô đất liền thì mất 1.000 lít dầu và lỡ phiên biển. Đây là những điều kiện khắc nghiệt mà các tàu cá vào “cuộc chơi” phải chấp nhận. Nếu không thì lùi vào quần đảo Hoàng Sa, đánh bắt kiểu “canh chừng”.
Tàu Quyết Tiến là một trong những chiếc tàu vỏ thép 67 đẹp nhất mà tôi từng đặt chân đến. Con tàu sơn màu trắng đục, tầng sinh hoạt của ngư dân lên ca bin bằng một chiếc thang gỗ bóng loáng.
Tàu cá Quyết Tiến đang kéo buồm cho căng lưới kéo cá |
Những đêm giao tay lái cho các ngư dân trực thay, thuyền trưởng vẫn luôn ngủ ở vị trí bên cạnh. Dù ngủ sâu giấc, nhưng khi con tàu chao lắc hơi khác thường thì ông Tiến bật dậy như lò xo và nhìn ngay vào định vị. Ngoài tuổi 40 và sau hơn 20 năm đi biển, ông Tiến đã hình thành được phản xạ tự nhiên được coi như sống còn.
Ông Tiến cũng là ngư dân rất gan. Vào tháng 6/2016, chiếc tàu của ông Tiến áp sát vào đảo Hoàng Sa đánh cá thì bị 3 tàu tuần tra Trung Quốc ra đuổi sát 2 bên và sau lái. Các ngư dân thấy tình thế bị bắt tới nơi, nên thốt lên: “Răng mi cứ theo tau miết rứa hỉ!”.
Ông Tiến thì bình thản, để nguyên 2 lá cờ Tổ quốc, chạy tàu theo kiểu rề rà mặc cả. Bên tàu Trung Quốc ra hiệu tàu Việt Nam phải chạy theo hướng la bàn 120, ông Tiến thò đầu ra và chỉ tay lên trời khua tròn, ra hiệu là thời tiết xấu, bão sắp tới, không đi 120. Suốt 4 tiếng đồng hồ đeo bám như đỉa cho đến khi trời nổi giông gió thì 3 chiếc tàu Trung Quốc mới bỏ chạy vào đảo.
Trong phiên biển trước đó, đoàn tàu của cả làng Kỳ Hà hối hả rời Macclesfield khi nghe đài báo áp thấp nhiệt đới. Ông Tiến cùng 2 tàu khác quyết định trụ lại ở bãi ngầm. Gió đổ xào xào và liên tục đảo hướng. Thuyền trưởng Tiến cho tàu xoay đảo theo hướng gió để neo tàu, trụ bám. Đột nhiên, áp thấp mạnh lên và chuyển thành bão. Đây là tình huống không thể lường trước và cực kỳ nguy hiểm. Con tàu chạy hết ga hướng vào Hoàng Sa để thoát tâm bão.
Nhưng sau một đêm, con tàu chở 20 tấn cá đi với tốc độ “âm hải lý” (đứng nguyên một chỗ vì nước đẩy). Các ngư dân năn nỉ thuyền trưởng trút bớt cá để lỡ chìm tàu. Nhưng ông Tiến vít chặt nắp hầm và bung neo dù cho tàu “sống chung với bão”. Có ngư dân sau này thú nhận đã đái trong quần vì sợ.
'Kỹ sư' nghề cá
Lúc gần 12 giờ đêm, một bóng người từ ca bin tàu lần ra lan can ngồi lẳng lặng và rít thuốc. Đó là ông Lê Quang Suông (SN 1965), nhân viên hướng dẫn sử dụng máy dò quét Furuno, quê ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông Suông rít điếu thuốc và kể về những chuyến đi xuôi ngược hàng ngàn hải lý trên biển, đặc điểm đánh bắt của từng làng chài, những món ăn được chế biến từ cá mà người trong đất liền không bao giờ được ăn.
Cũng tại lan can tàu vào đêm hôm trước, khi tàu băng qua quần đảo Hoàng Sa, ông Sương cũng rít hơi thuốc và nhắc lại kỷ niệm những ngày cùng ngư dân áp sát vào các đảo Hoàng Sa để đánh lưới, xúm nhau câu mực và hò dô vui sướng khi nghe tiếng cá và mực nhảy phát ra âm thanh bộp… bộp khắp sàn tàu. Khi các ngư dân hì hục kéo lưới trong đêm, ông Suông trực tiếp cầm lái điều khiển con tàu. Đánh bắt ở vùng biển này, người lái tàu phải luôn quan sát, nếu có ánh đèn đỏ di chuyển từ đảo ra là tàu chiến tắt điện đi mò bắt tàu cá của ngư dân.
Sau mỗi câu chuyện, ông Suông thường nhắc về kỷ niệm suốt đời không quên: “Năm 1996 có một cơn bão lịch sử đổ vào phía nam. Tàu chìm, ngư dân chết la liệt. Anh và ngư dân tính toán rằng, tàu nào vô Côn Sơn cũng chết, chi bằng mình chạy ngược ra khơi. Nhờ quyết định đó mà còn sống tới giờ”.
Cá được kéo lên tàu vào lúc mờ sáng |
Sau thời gian giải nghệ nghề biển, ông Suông quay lại nghề hướng dẫn sử dụng máy Furuno và có mặt ở tất cả các làng biển ở khắp mọi miền đất nước. Ông Suông đã học thêm được rất nhiều “chiến thuật” bủa lưới đánh bắt. Khi ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa để hướng dân ngư dân sử dụng máy dò, phát hiện các thuyền trưởng chỉ quen với tàu gần bờ, giờ đi lưới vây xa bờ nên rất yếu kém. Ông Suông bất đắc dĩ trở thành “kỹ sư” và hướng dẫn: “Nước chảy hướng đó thì không nên đánh lưới, gió cấp 4 thì cá rộng lưới không bị chết, cứ múc lên từ từ, biển mà êm quá là cá chết cả tấn, túi cá vài chục tấn thì đôn canh nhựa đã thổi hơi, nếu không khéo là lật cả tàu…”.
Trên tàu còn có “kỹ sư” khác với cả kho kinh nghiệm truyền thống, đó là lão ngư Nguyễn Đông, 68 tuổi, từng là thuyền trưởng tàu cá Tam Kỳ 2 đánh lưới chuồn ở quần đảo Hoàng Sa. Kinh nghiệm đi biển được ông Đông “ghi” vào những bản hò vè để dễ nhớ: “Ơ… ra khỏi cửa gác mũi về đông, ngắm sao Rạng Lạch, lướt sông ra chà… Ơ… tài rồi lại phân ba, chạy thêm đoạn nữa thì là…”.
Trong đêm, khi các ngư dân rút lưới lên tàu thì gió nổi lên và đẩy vòng lưới dồn dần về phía tàu và chui qua tàu. Ông “kỹ sư” già đã xử lý rất thú vị, đó là biến tấm bạt thành buồm. Cánh buồm căng no gió trên tàu đã kéo chiếc tàu xoay ngang và làm cho vòng cung lưới đã đánh trên mặt biển căng dài như một chiếc ao để các ngư dân kéo vào gần tàu xúc cá.
Chèo thúng ngắm trăng
Lúc 3 giờ sáng, 15 ngư dân trên tàu bật dậy khi nghe thuyền trưởng hô to “trăng lên rồi”. Ngư dân đánh cá thường lựa lúc tối trời, vì trăng lên, biển ngập tràn ánh sáng thì cá sẽ tản ra khắp mặt nước. Chiếc tàu lao vun vút và cua hình vòng tròn, trong khi lưới trên boong tàu cứ lần lượt trượt xuống biển. Có 2 kình ngư giỏi sóng gió nhất thì luôn chèo trên 2 chiếc thúng để chở đèn và giữ dây cốc để khép vòng lưới, đó là ngư dân Nguyễn Tấn Đại và Trần Tương.
Ngư dân Nguyễn Tấn Đại (bên trái) đang chèo thúng dưới vòng lưới vây |
Theo các ngư dân, vào mùa biển êm, ở Macclesfield tràn ngập ánh đèn pha và cờ tổ quốc của tàu cá ngư dân các tỉnh Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Đà Nẵng. Các ngư dân gọi vào đất liền thường reo lên “ngoài này đang như thành phố biển”.
Ông Đại là ngư dân câu mực Trường Sa lâu năm và mới chuyển sang nghề lưới. Năm 1981, cha con ông Đại đi biển gặp lốc ở Hoàng Sa, người cha không trở về, còn ông Đại trên chiếc thuyền nhỏ trôi 29 ngày tới đảo Hải Nam. Còn ngư dân Trần Tương có thâm niên nhiều năm đi câu mực Trường Sa, hiện nay là thuyền trưởng một tàu cá nhỏ làm nghề câu gần bờ.
Khi tàu chạy vòng tròn để quây lưới thì tắt phụt đèn, lúc đó chiếc thúng của ông Tương chở một giàn đèn khác để dẫn dụ cá. Trong tiếng gió thổi vù vù, thuyền trưởng và ông Suông nhìn vào màn hình máy dò cá và liên tục hò hét “cá theo thúng rồi Tương ơi, 2 cục cá!”.
Đêm đầu tiên, tàu Quyết Tiến đánh được khoảng 2 tấn cá nục, đến đêm thứ 2 thì ngư dân hò reo ầm ầm giữa biển Đông, vì mẻ lưới quây được 7 tấn cá. Thông tin về tàu Quyết Tiến trúng đậm đã “kích thích” đoàn tàu vỏ gỗ trong cửa biển Kỳ Hà tỉnh Quảng Nam tấp nập lao ra biển và hướng về bãi ngầm. Đêm thứ 5, cả vùng biển Macclesfield rực sáng.
Tác giả: LÊ VĂN CHƯƠNG
Nguồn tin: nongnghiep.vn