Chủ tịch tập đoàn Lã Vọng Lê Văn Vọng (đứng giữa) và em trai Lê Văn Vân (thứ hai từ phải sang) |
Thủ tướng chỉ đạo thanh tra
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về việc thanh tra các dự án của CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn TP.Hà Nội.
Trước đó UBND TP.Hà Nội đã gửi báo cáo kết quả kiểm tra phản ánh của báo chí về việc CTCP Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên (gọi tắt là tập đoàn Lã Vọng) được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" tại Hà Nội để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT, trong đó có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và ý kiến của các cơ quan liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành có sự tham gia của bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Xây dựng thanh tra toàn diện các dự án nêu tại văn bản số 62/BC-UBND ngày 5/3/2018 của UBND TP.Hà Nội. Đoàn thanh tra có kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan về các vấn đề liên quan và kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2018.
Những dự án tai tiếng
Tập đoàn Lã Vọng sở hữu chuỗi nhà hàng nổi tiếng Thủ đô |
Tập đoàn Lã Vọng được thành lập từ năm 2003 do hai anh em đại gia Lê Văn Vọng – Lê Văn Vân sáng lập, vốn là một thương hiệu nổi tiếng tại Hà Nội với chuỗi nhà hàng, quán ăn được dựng lên tại các địa điểm có vị trí đắc địa, view đẹp như nhà hàng Lã Vọng tại khu Trung Hoà - Nhân Chính (quận Cầu Giấy), nhà hàng Sashimi BBQ Garden (số 2B Nguyễn Thị Thập), nhà hàng Thế Giới Beer Lã Vọng (số 169 Hoàng Ngân), nhà hàng Hải sản Lã Vọng (số 2A Nguyễn Thị Thập), nhà hàng Hầm Beer Lã Vọng (số 2C Nguyễn Thị Thập)….
Tuy vậy, nhiều lần báo chí đã phản ánh về các khu “đất vàng” mà Lã Vọng tọa lạc, như nhà hàng tại Trung Hòa – Nhân Chính vốn được quy hoạch làm bãi đỗ xe, cây xanh, vườn hoa. Một công trình khác tại bán đảo hồ Đống Đa, mặt đường Hoàng Cầu từng là chốn ăn nhậu sang chảnh bậc nhất đất Hà thành cũng từng bị đình chỉ mọi hoạt động vì khu đất sử dụng không đúng mục đích.
Không chỉ xây dựng thương hiệu từ lĩnh vực kinh doanh ăn uống, theo giới thiệu trên website của tập đoàn Lã Vọng, doanh nghiệp này còn lấn sân sang các lĩnh vực: Thương mại dịch vụ; đầu tư tài chính; bất động sản; xây dựng; giáo dục và nông nghiệp.
Sau hàng thập kỷ hai anh em Lê Văn Vân – Lê Văn Vọng dày công xây dựng thương hiệu Lã Vọng nổi tiếng, thì chính những dự án mới này lại khiến cho thương hiệu này trở nên tai tiếng.
Đầu tiên phải kể đến dự án New House City có quy mô 27,5 ha với 258 lô biệt thự, được chia làm 4 khu, nằm gần trung tâm huyện Quốc Oai và được phê duyệt từ tháng 3/2008 với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Khu đô thị 2.000 tỷ đồng của tập đoàn Lã Vọng từng bị bộ Tài chính đề nghị thanh tra |
“Nằm tại vị trí trung tâm hành chính huyện Quốc Oai, Hà Nội tại Km17 trên trục Đại lộ Thăng Long, cách trung tâm Hội nghị Quốc gia và siêu thị BigC 15km, Ngôi nhà mới là không gian đô thị kiểu mẫu cho khu vực đang phát triển của TP.Hà Nội” – trích lời giới thiệu có cánh về dự án trên website của tập đoàn Lã Vọng.
Tuy nhiên, trên thực tế sau gần 10 năm, New House City vẫn “giậm chân tại chỗ”. Năm 2017, dự án của tập đoàn Lã Vọng cũng đã “vinh dự” nằm trong danh sách mà bộ Tài chính đề nghị Thanh tra Chính phủ, đề nghị rà soát dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá trị thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Một dự án khác cũng đình đám không kém đó là dự án BT cải tạo quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai có mặt cắt ngang từ 4-6 làn xe, có suất đầu tư khoảng 130 tỷ đồng/km.
Tháng 7/2017, UBND TP. Hà Nội đã có kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư triển khai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức BT. Nhà đầu tư được chỉ định thầu là công ty Cổ phần đầu tư Louis Group (Louis Group).
UBND TP.Hà Nội giải thích việc đề xuất chỉ định nhà đầu tư là do tính cấp thiết của dự án và kế thừa việc lựa chọn nhà đầu tư từ 7-8 năm trước. Cụ thể, ngày 17/12/2009, UBND TP.Hà Nội đã chấp thuận cho tổng công ty Sông Đà nghiên cứu lập, hoàn chỉnh đề xuất dự án.
Ngày 27/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao UBND TP.Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo thực hiện dự án Ba La - Xuân Mai; khi thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 88/TB-VPCP phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật để bảo đảm hiệu quả Dự án, không làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án Ba La - Xuân Mai có tổng mức đầu tư được duyệt khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng dự án khoảng 2.615 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 4.349 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 1.063 tỷ đồng, lãi vay 647 tỷ đồng, còn lại là các chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác.
Được biết, gần 90% vốn tại Louis Group gần 90% nằm trong tay CTCP Thương mại Ngôi nhà mới và CTCP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An – đều là 2 doanh nghiệp do hai anh em ông Lê Văn Vọng và Lê Văn Vân kiểm soát.
Tác giả: Hoa Liên
Nguồn tin: Báo Người đưa tin