Giáo dục

Những khóa học hè thượng lưu của giới nhà giàu Trung Quốc

Với việc thu nhập của phụ huynh ngày càng tăng trong khi cuộc chiến giành được một suất trong các trường Ivy League ngày càng khốc liệt, thì vài tháng nghỉ hè đang trở thành một mặt trận trong cuộc chạy đua giáo dục của nhiều phụ huynh Trung Quốc.

Lin Yongyue – thứ hai từ trái sang – đang cố gắng kiểm soát ngựa của mình khi cậu và các bạn cùng câu lạc bộ rời sân tập


Vào một buổi sáng mùa hè mù sương của tháng 7, một dáng người loắt choắt leo lên chiếc thang để trèo lên chú ngựa bạch tên là Wendy.

Người cưỡi ngựa là một cậu bé má đỏ có tên tiếng Anh là Harry, 8 tuổi.

Harry giữ dây cương bằng cả hai tay và ra lệnh cho Wendy phi nước kiệu. Sau đó, với sự giúp đỡ của 6 chuyên gia tới từ Argentina, cậu bé thực hành những kỹ thuật khó hơn.

Bạn làm gì trong mùa hè này? Khi Harry và bạn bè ở câu lạc bộ Polo thành phố Thiên Tân được hỏi câu đó khi quay trở lại trường, chắc hẳn chúng sẽ có khá nhiều chuyện đế nói hoặc để viết.

Những đứa trẻ này dành kỳ nghỉ hè của mình để nâng cao kỹ năng cưỡi ngựa, ôn lại các nghi thức chơi polo. Hai nhiếp ảnh gia toàn thời gian – những paparazzi của trại hè – làm nhiệm vụ chụp lại từng khoảnh khắc để các bậc phụ huynh, ông bà bọn trẻ nhìn thấy những gì mà mình có được khi bỏ ra 10.000 nhân dân tệ (1.500 đô la) mỗi tuần.

Cách đây không lâu, hầu hết trẻ con đều dành kỳ nghỉ hè để vui chơi ngoài trời, giúp đỡ cha mẹ. Với việc thu nhập của phụ huynh ngày càng tăng trong khi sự cạnh tranh trong học thuật ngày càng lớn, thì vài tháng nghỉ hè đang trở thành một mặt trận trong cuộc chạy đua giáo dục của nhiều phụ huynh Trung Quốc.

Qua vài thập kỷ chuyển đổi kinh tế, Trung Quốc đang có nhiều người giàu hơn bao giờ hết, nhưng khoảng cách giàu nghèo cũng lớn hơn. Một khảo sát mới đây của ĐH Bắc Kinh ước tính, 1% những người giàu nhất nước này kiểm soát 1/3 tài sản quốc gia. 25% nghèo nhất chỉ có khoảng 1% tài sản quốc gia.


Đối với những cậu bé học cưỡi ngựa như Harry, những kỹ năng này sẽ giúp ích các em rất nhiều trong cuộc chạy đua vào các trường đại học như Oxford, Cambridge hay các trường khác trong khối Ivy.

Đối với phần lớn tầng lớp trung lưu, các lớp học hè thường phổ biến hơn các trại hè đắt đỏ. Thậm chí ngay cả những gia đình không mấy dư dả cũng cảm thấy áp lực trong việc phải bắt kịp xu thế này. Thường thì họ phải gom góp tiền tiết kiệm của cả nhà để trả cho bất cứ khóa học thêm nào mà họ đủ khả năng chi trả.

“Lĩnh vực này đang bùng nổ” – Luo Moming, phó chủ tịch công ty giáo dục tư nhân New Oriental đã được niêm yết trên sàn chứng khoán New York khẳng định.

Thời ông Luo còn nhỏ, trại hè – ít nhất là như người Mỹ hình dung – là một khái niệm trừu tượng. Sinh năm 1975, kỳ nghỉ hè của ông là chạy khắp các con phố của Vũ Hán – một thành phố miền trung Trung Quốc, trong khi bố mẹ ông bận đi làm.

Khái niệm đó đã nhanh chóng thay đổi. Do chính sách một con của nước này, các bậc phụ huynh dồn hết tâm sức của mình vào đứa con duy nhất. Họ đưa những “ông vua con” tới các lớp học tiếng Anh, các trại hè toán học.

Mặc dù ngày càng nhiều cha mẹ quan tâm tới các môn ngoại khóa như hội họa, thể thao, nhưng các chương trình phổ biến nhất vẫn hướng tới học hành, thi cử. Một khóa học được rất nhiều phụ huynh ưa chuộng là chương trình học trước sách giáo khoa gói gọn trong các bài giảng với tổng thời gian 20 tiếng.

Các phụ huynh tầng lớp trung lưu không thích trại hè cho lắm, nhưng họ thích những khóa học chuyên sâu và học trước chương trình, ông Luo chia sẻ. Bằng cách đó, con cái họ có thể thi được vào những trường tốt, dẫn đầu trong lớp, sau đó là bước chân vào các trường đại học.

Câu lạc bộ polo ở Thiên Tân, Trung Quốc


Mặc dù các khóa học tiếng Anh luôn phổ biến, nhưng trại hè là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của các bậc phụ huynh hiện đại.

Một số phụ huynh than phiền rằng trẻ con ngày nay đang quá được nuông chiều và họ gửi con em mình tới các trại hè quân đội hoặc trại hè giảm cân. Ngoài ra, còn có trại hè thiên nhiên – nơi trẻ được tiếp xúc với cuộc sống nông trại, hay những trại hè dành cho cả bố mẹ và con cái nhằm cải thiện giao tiếp, phát triển kỹ năng sống… với giá 1.000 đô la/ tuần.

Bà Cao Kaixin – người quản lý chương trình này cho hay, ngày càng nhiều phụ huynh tầng lớp trung lưu muốn con cái mình trở thành những đứa trẻ hạnh phúc và đa dạng. Tuy nhiên, hầu hết phụ huynh đều chọn những chương trình hè hữu ích cho con đường học tập sau này của trẻ. Họ không để con em mình vui chơi một cách tự do chỉ vì đó là kỳ nghỉ hè hay vì đứa trẻ vẫn còn nhỏ.

Thậm chí với cả những gia đình siêu giàu – những người không có ý định cho con tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học gaokao mà sẽ thi SAT thì chương trình nghỉ hè vẫn là sự tập trung cho tương lai đứa trẻ.

Tại trại hè polo ở Thiên Tân, giữa những bài tập polo, ăn bánh ngọt giữa giờ, các lớp nấu ăn, học nghi lễ, bọn trẻ vẫn được học về việc cần phải làm gì để đến được một ngôi trường có tên tuổi ở một nền giáo dục đẳng cấp thế giới.

“Này, cô đã học trường nào vậy?” – cô bé Chloe, 12 tuổi hỏi tôi trong giờ ăn trưa trong khi vẫn đi đôi giày cưỡi ngựa.

“Cháu sẽ tới Harvard” – cô bé khẳng định chắc như đinh đóng cột.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok