Mấy ngày nay mạng xã hội xôn xao hình ảnh Đỗ Thị Hà về trường ĐH Kinh tế Quốc dân sau hơn nửa tháng đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam 2020. Đáng chú ý, hình ảnh bị đem ra bàn tán, thậm chí "ném đá" việc nàng hậu được đặt ghế ngồi ngang hàng với thầy hiệu trưởng.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm một góc nhìn về đạo đức xã hội, Hoa hậu làm đảo lộn giá trị tôn sư trọng đạo khi về thăm trường. Rất nhiều người cho rằng hình ảnh này là phản cảm vì Hoa hậu đang là sinh viên hạng thường nhưng về trường lại rình rang.
Những hình ảnh gây tranh cãi 2 ngày nay |
|
"Nhà trường làm cái ghế to to ngang hàng với các lãnh đạo cao cấp của trường cho hoa hậu ngồi. Thầy hiệu trưởng thường ngày hét ra lửa, nay đứng phát biểu thì 2 tay chắp vào nhau, co ro cúm rúm. Rồi hoa hậu ngồi giữa trịnh trọng, tả hữu là lãnh đạo và khách mời quan trọng nhất tới trường.
Lại nhớ tới cảnh hoa hậu về quê tiền hô hậu ủng, có cả dãy xe biển xanh biển đỏ biển trắng nối đuôi nhau, người người xếp hàng nô nức lắm. Nhìn thấy địa vị hoa hậu xứ ta là oách. Kiểu đón rước này kỳ quá, nó giống như đón quý phu nhân hay lãnh đạo cấp về thăm trường thì đúng hơn.
Rốt cuộc hoa hậu là ai? Địa vị hoa hậu thế nào? Sinh mệnh chính trị hoa hậu ra sao? Hoa hậu mang lại giá trị gì cho người dân Việt Nam, cho ngôi trường hoa hậu theo học và cho tỉnh nhà Thanh Hóa?", ý kiến dư luận về hình ảnh của Đỗ Thị Hà.
Trước đó, khi "vinh quy bái tổ", Đỗ Thị Hà được tiếp đón rầm rộ tại quê nhà |
|
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng một tấm ảnh không nói lên điều gì và nhiều người - dù không có mặt ở đó - đang dùng giọng bề trên để nói về tân Hoa hậu.
"Tôi thấy rất đơn giản là tân Hoa hậu trở về trường tri ân thầy cô, việc đáng làm. Các thầy cô dù là phó giáo sư, tiến sĩ, hiệu trưởng, bảo vệ... đều tự hào, vui vẻ chúc mừng cô sinh viên trường nhà. Nó đơn giản như việc trong họ nhà bạn có đứa cháu xuất sắc, mổ gà mổ vịt, cho nó ngồi trên cao tý chả sao cả. Đó là sự hãnh diện. Chứ phải nhà tôi, bảo ngay các cụ lớn tuổi, mỗi cụ cõng 1 vòng quanh làng ấy chứ.
Nói "tri thức khúm núm trước cái đẹp", tôi thấy chưa đúng. Các bác lớn tuổi khi nói chuyện, tay ai chả thế, thậm chí còn ho hắng cho nó khí thế. Đây là thói quen thôi, chả có gì đáng bàn. Đứng nói chuyện với đứa cháu 2 tuổi mà quen tay rồi thì tay cũng thế cả thôi.
Đỗ Thị Hà cùng giám hiệu nhà trường |
Trên thực tế, em Hoa hậu vừa đẹp vừa học Kinh tế Quốc dân, chả vừa trí thức vừa đẹp còn gì. Hoa hậu Việt Nam cơ bản sẽ đại diện Việt Nam thi quốc tế, sánh với các cường quốc, chả mừng hay sao. Về cơ bản, nhà bạn, họ hàng bạn có 1 đứa giỏi giang, đỗ đạt cao xem cảm xúc thế nào!", một ý kiến tranh cãi của dư luận.
Bàn về cách đón rước một nhân vật nổi tiếng hiện nay, các nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, việc tôn vinh một danh hiệu nào đó là nên làm. Vì việc này có thể truyền cảm hứng, trở thành tấm gương cho những người khác, từ đó có tác dụng giáo dục đạo đức, nhân cách cho con người.
Tuy nhiên, cách tôn vinh cũng cần phải thể hiện sao cho thực chất, tránh việc hào nhoáng, hình thức thái quá. Trong trường hợp này nên để Hoa hậu được trực tiếp tâm sự về những nỗ lực, trải nghiệm mà họ đạt được để có danh hiệu đến với bạn bè, những người mà họ có thể trở thành tấm gương tốt. Các tổ chức, đoàn thể, địa phương chỉ nên là những người đứng ra tổ chức sự kiện thật tốt, để những thông điệp của Hoa hậu có thể đến một cách hiệu quả nhất với những người tham dự. Đó mới là cách làm hiệu quả và tránh được những hệ luỵ khác ăn theo danh hiệu Hoa hậu.
Đỗ Thị Hà chia sẻ hình ảnh quay lại trường sau hơn nửa tháng đăng quang |
Trước đó, chia sẻ với Báo Gia đình & Xã hội về việc áp lực khi một Hoa hậu sẽ đối diện là những ánh nhìn, sự khắt khe từ công chúng cho mỗi hành động, lời nói, Đỗ Thị Hà cho biết cô cũng xác định trước điều đó. Tuy nhiên, cô không quá lo lắng chuyện người khác soi mói khắt khe với mình vì bản thân không làm điều gì trái với chuẩn mực xã hội.
"Tôi vẫn còn là một cô gái trẻ nên dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng bản thân cũng phải luôn giữ ý chí vững vàng và tinh thần tích cực để đối diện với mọi thứ", Hoa hậu sinh năm 2001 cho biết.
Hiện tại, đại diện của Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã lên tiếng cho biết, hình ảnh người thầy đứng phát biểu là trước hội đồng quản trị trường, trước ông Lê Xuân Sơn - Trưởng Ban Tổ chức Hoa hậu Việt Nam và cả trước phụ huynh nên đứng là lẽ đương nhiên.
"Không phải là thầy "báo cáo" gì với Đỗ Thị Hà. Phải nhìn bối cảnh và những người có mặt ở đó mới hiểu trình tự diễn ra hết sức bình thường. Hơn nữa đó cũng chỉ là 1 khoảnh khắc thôi 1-2 giây sau thầy thay đổi động tác, thay đổi chuyển động cơ thể thì góc nhìn sẽ khác ngay. Còn về phía Hà là 1 người lễ phép, ngoan hiền nên chắc chắn Hà biết cư xử đúng mực của mình", đại diện Hoa hậu Việt Nam 2020 cho biết.
Tác giả: An Khánh
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội