Trên thực tế, không có vụ cháy ô tô nào chỉ bắt nguồn từ một lý do đơn lẻ. Thay vào đó, sự kết hợp từ cả yếu tố con người khi sử dụng, khâu kĩ thuật bị lỗi trong quá trình sản xuất... Thực tế thời gian qua đã không ít những vụ triệu hồi ô tô do có nguy cơ cháy nổ cao đến từ lỗi của nhà sản xuất.
Hyundai Tucson bị lỗi mạch điện gây nguy cơ cháy nổ
Trong lần triệu hồi ô tô gần đây nhất chính là Hyundai Tucson. Theo đó, Hyundai đang bổ sung khoảng 471.000 chiếc Tucson vào danh sách triệu hồi tại Mỹ do lỗi đoản mạch điện tử có thể gây cháy xe bất ngờ. Đồng thời, hãng xe Hàn Quốc khuyến cáo tài xế nên đỗ các ô tô này ngoài trời đến khi lỗi được sửa chữa xong.
Trong lần triệu hồi mới này, mẫu xe bị ảnh hưởng chỉ có Tucson nhưng thuộc các đời khác nhau từ 2016 đến 2018 và 2020 đến 2021. Cụ thể, trên những ô tô này, các máy tính điều khiển hệ thống chống bó cứng phanh có thể bị trục trặc bên trong và gây chập điện, dẫn đến việc xe bốc cháy. Tuy nhiên, những chiếc xe được trang bị hệ thống Kiểm soát Hành trình Thông minh của Hyundai sẽ không bị triệu hồi đợt này.
Hyundai cho biết, đợt triệu hồi mới là một phần của cuộc điều tra đang tiếp dẫn nhằm giải quyết vấn đề này. Hãng xe Hàn Quốc cũng xác nhận có nhiều vụ cháy đã xảy ra do lỗi trên nhưng không có thương vong nào.
Hyundai Tucson bị lỗi mạch điện gây nguy cơ cháy nổ buộc phải triệu hồi |
Hyundai Santa Fe bị triệu hồi tại Mỹ do bạc lót tay biên có thể bị mòn sớm
Hãng xe Hàn Quốc Hyundai trước đó cũng ra thông báo triệu hồi đối với 128.948 chiếc xe, bao gồm các mẫu xe Veloster, Santa Fe và Sonata bán tại thị trường Mỹ.
Theo nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc, các xe bị triệu hồi gồm Veloster đời 2015-2016, Santa Fe đời 2012, Sonata hybrid đời 2011-2013 và Sonata hybrid đời 2016. Đợt triệu hồi lần này liên quan tới một vấn đề nằm ở khâu sản xuất khi chi tiết bạc lót tay biên (bạc biên) của các dòng xe nói trên có thể bị mòn sớm. Nếu bộ phận này bị hỏng, thanh kết nối và pít-tông có thể làm thủng khối động cơ, khiến dầu nóng chảy vào các bộ phận khác nhau trong khoang động cơ và làm tăng nguy cơ hỏa hoạn.
Theo Cơ quan Quản lý An toàn giao thông đường cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA), vấn đề trên bắt nguồn từ việc những mảnh vụn kim loại được tạo ra trong quá trình sản xuất còn sót lại ở động cơ khiến nhớt khó lưu thông, dẫn tới bạc biên bị mòn sớm.
Hơn 25.000 xe Hyundai Kona phải quay về xưởng do do sự cố đoản mạch trong hệ thống pin bị lỗi
Theo đó, Hyundai sẽ triệu hồi 25.564 chiếc Kona Electric được sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 29/9/2019 đến 13/3/2020, đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ do sự cố đoản mạch trong hệ thống pin bị lỗi.
Quyết định trên được đưa ra sau khi xảy ra 13 vụ cháy nổ mẫu xe này kể từ năm 2018. Hyundai sẽ bắt đầu cập nhật phần mềm liên quan đến pin cho các mẫu xe EV thuộc diện triệu hồi và thay thế hệ thống pin.
6.000 xe Bentley Bentayga bị triệu hồi do lỗi ở đầu nối nhanh của ống dẫn nhiên liệu
Theo Automotive News, 6.000 chiếc Bentley Bentayga nằm trong diện triệu hồi trên toàn cầu của hãng xe sang đến từ Anh quốc, trong đó có 1.892 chiếc tại Mỹ, 783 chiếc ở châu Âu và một số thị trường khác.
Nguyên nhân của đợt triệu hồi này do vấn đề xảy ra đối với đầu nối nhanh của ống dẫn nhiên liệu (fuel supply line quick connector) như được đề cập trong tài liệu của Cơ quan An toàn Giao thông Đường bộ Hoa Kỳ (NHTSA). Trong trường hợp xấu nhất khi nhiên liệu rò rỉ do lỗi này. Nếu có một nguồn đánh lửa gần đó, một vụ cháy khoang động cơ có thể xảy ra. May mắn, người phát ngôn của Bentley - Erin Bronner - đã xác nhận với Automotive News rằng hiện hãng xe Anh chưa nhận được báo cáo về sự cố cháy nổ hay bất kỳ tai nạn, thương tích nào liên quan đến đợt triệu hồi lần này.
Đáng chú ý, những chiếc SUV Bentayga bị ảnh hưởng được sản xuất từ tháng 1/2018 đến tháng 3/2020, với chỉ 0,2% xe gặp lỗi thực sự theo ước tính của Bentley. Các bộ phận của hệ thống tiếp nhiên liệu được cung cấp bởi một nhà sản xuất của Hungary có tên Veritas Dunakiliti Kft.
GM triệu hồi gần 69.000 xe điện Bolt vì nguy cơ cháy nổ khi sạc đầy
Công ty sản xuất ô tô General Motors Co (GM) của Mỹ cho biết, đã triệu hồi 68.677 ô tô điện trên toàn thế giới có nguy cơ gây cháy sau khi ghi nhận 5 vụ cháy và hai người bị thương nhẹ. Đợt triệu hồi lần này liên quan tới mẫu xe điện Chevrolet Bolt được sản xuất trong giai đoạn 2017 - 2019 với pin điện áp cao được chế tạo tại nhà máy Ochang tại Hàn Quốc của Công ty hóa chất LG Chem. Sẽ có tới 50.932 xe điện Bolt ở Mỹ nằm trong diện phải triệu hồi này.
GM cho biết, các xe điện Bolt có nguy cơ cháy nổ khi sạc đầy hoặc sạc gần đầy dung lượng pin của xe. Qua sự cố, hãng này cũng đang phát triển phần mềm hạn chế việc sạc đầy xe ở mức 90% để giảm thiểu rủi ro, đồng thời xác định phương án sửa chữa thích hợp cuối cùng.
Xe Jeep Grand Cherokee EcoDiesel bị triệu hồi liên quan tới hệ thống làm mát
Trong tài liệu nộp cho Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA), Jeep cho biết vấn đề liên quan đến bộ làm mát tuần hoàn khí xả của động cơ, có thể bị nứt theo thời gian do ứng suất nhiệt. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ cho chất làm mát hóa hơi, được làm nóng trước vào ống nạp. Chất làm mát này sau đó có thể bốc cháy và gây ra hỏa hoạn.
Hãng Jeep đã xác nhận rằng việc thu hồi ảnh hưởng đến tổng số 34.334 xe ở Bắc Mỹ. Trong số này, 28.884 cư trú tại Hoa Kỳ và số còn lại ở Canada.
Các nguyên nhân chính của sự cố tiềm ẩn bao gồm sự cố mất chất làm mát cũng như bộ sưởi của các mẫu Grand Cherokee EcoDiesel không hoạt động dẫn đến có thể bị chập điện gây cháy.
Biện pháp phòng nguy cơ cháy nổ ô tô
Thường xuyên kiểm tra để tầm soát hiện tượng rò rỉ nhiên liệu xăng, dầu… bởi đây là nguồn dễ bắt lửa gây cháy.
Nhiệt độ bên ngoài cũng là tác nhân gây cháy nhất là trong thời kỳ cao điểm nắng nóng. Cụ thể, nhiệt độ ngoài trời 35-37 độ C cũng đủ là xúc tác gây cháy. Do vậy khi trời nắng, lái xe cần chú ý khi đỗ xe phải tìm nơi râm mát; cần che phủ bạt khi đậu ngoài trời nắng nóng. Nếu di chuyển liên tục đường dài nên có thời gian cho máy nghỉ theo khuyến cáo của từng hãng xe.
Lưu ý trong quá trình di chuyển tránh không để bị quấn vào một số vật dụng dễ cháy, ví dụ như vào mùa gặt thì xe bị quấn rơm, rạ dọc đường, khi chạy làm cho ma sát cao gây cháy, nổ.
Không để các vật liệu, hàng hóa dễ cháy, nổ như hóa chất dưới gầm xe, đồ cá nhân của khách hàng với xe khách và các vật dụng cá nhân gây nguy cơ cháy ở xe con.
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện định kỳ phòng tránh hiện tượng chập điện. Đặc biệt cần tránh đấu nối dây điện không đúng kỹ thuật, hạn chế việc đấu nối thêm phụ tải điện trên xe vì có thể gây quá tải cho hệ thống điện của xe; trang bị các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy để sử dụng khi cần thiết.
Quan tâm chăm sóc, bảo dưỡng toàn bộ xe định kỳ theo khuyến cáo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất để đảm bảo chiếc xe luôn vận hành trơn tru, an toàn.
Tác giả: An Dương
Nguồn tin: vietq.vn