Thế giới

Những diễn biến trong cuộc chạy đua nước rút trước bầu cử Mỹ

Cuộc đua vào Nhà Trắng trong chặng nước rút đã chứng kiến nhiều biến cố bất ngờ, khiến cục diện trở nên gay cấn. Liệu còn những bất ngờ nào có thể xoay chuyển cục diện cuộc đua ở phút chót?

Bà Clinton đang nỗ lực lôi kéo cử tri trẻ tuổi ủng hộ cho mình. (Ảnh: NY Times)


Tuần vận động tranh cử cuối cùng trước ngày bầu cử chính thức tại Mỹ đã khép lại với những biến cố bất ngờ và ảnh hưởng lớn tới cục diện cuộc đua. Tuyên bố của giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) James B. Comey về việc tái điều tra vụ bê bối sử dụng email cá nhân vào việc công của bà Hillary Clinton đã khiến ứng viên đảng Dân chủ đánh mất sự ủng hộ tại nhiều bang chiến trường.

Thông tin này đã khiến cách biệt 9% bà Clinton từng có được trước ông Donald Trump trong các cuộc khảo sát cử tri giảm xuống chỉ còn 3% theo khảo sát mới nhất của tờ New York Times và kênh CBS News. Liệu trong 3 ngày tới còn có những sự kiện nào có thể xoay chuyển cục diện cuộc đua?

Các ngôi sao ủng hộ bà Clinton

Tuần qua, nhiều ngôi sao ca nhạc cũng như các chính trị gia nổi tiếng đã tham gia vận động cho bà Clinton, trong đó có ngôi sao Jay Z trong một sự kiện âm nhạc diễn ra hôm thứ Sáu tại Cleveland.

Trước đó, trong ngày thứ Tư, bà Clinton đã chào đón ca sỹ Pharrell Williams trong cuộc vận động tại bang North Carolina. Một ca sỹ khác là Katy Perry thời gian qua cũng nỗ lực để lôi kéo cử tri về phía vị cựu ngoại trưởng.

Bản thân Tổng thống Obama đã nhiều lần tham gia hành trình tranh cử của bà Clinton. Tương tự, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders vừa sát cánh cùng đối thủ cũ ở North Carolina hôm thứ Năm.

Dù vậy, hiện đang có rất nhiều tranh luận về việc liệu các cử tri đảng Dân chủ có nhiệt tình tham gia bầu cử cho ứng viên của mình như các cử tri phe Cộng hòa. Một khảo sát mới đây của New York Times/CBS News cho thấy cách biệt giữa bà Clinton và ông Trump là vô cùng nhỏ, và những người ủng hộ vị tỷ phú bất động sản đang phấn khích.

Ông Donald Trump cũng đang nỗ lực vận động cử tri trước giờ bầu cử. (Ảnh: AP)


Trong khi đó bà Clinton lại gặp khó khăn trong lôi kéo các cử tri trẻ tuổi và buộc phải viện tới các ngôi sao giải trí và chính trị gia nổi tiếng để tạo sức hút.

Ngược lại các ngôi sao giải trí lại không mấy mặn mà với chiến dịch tranh cử của Donald Trump. Một số còn không muốn ca khúc của mình được phát các cuộc vận động của ứng viên này.

Tại sự kiện ở Pennsylvania hôm thứ Năm do phu nhân của tỷ phú này chủ trì, ban tổ chức đã phát ca khúc Aquarius của chương trình nhạc rocks “Hair”. Dù vậy các tác giả của ca khúc này do không ưa gì ông Trump đã yêu cầu ban tổ chức ngừng sử dụng bất kỳ tác phẩm nào của họ trong các sự kiện vận động.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng họ sẽ ngừng sử dụng bài hát đó”, James Rado, một tác giả của chương trình trên khẳng định. Lời của bài hát trên được viết dựa trên ý tưởng rằng một kỷ nguyên hòa bình, yêu thương và khai sáng cho nhân loại không còn xa.

Trong khi bà Trump cố gắng đưa ra một tầm nhìn tích cực cho nước Mỹ trong bài diễn thuyết của mình, các nhà phê bình ông Trump lâu nay vẫn luôn chỉ trích giọng điệu đầy hăm dọa, cảnh báo về ngày tận thế ông này reo rắc trong chiến dịch vận động.

Trợ thủ cũ của ông Christ Christie bị kết tội

Ông Christie từng nằm trong danh sách rút gọn các ứng viên được ông Trump nhắm cho vị trí phó tướng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nay dù ông vẫn còn là cố vấn của chiến dịch tranh cử, vụ bê bối liên quan đến hai trợ thủ cũ của ông Christie ngay sát ngày bẩu cử một lần nữa cho thấy lựa chọn Thống đốc bang Indiana Mike Pence của tỷ phú Trump là sáng suốt.

Hai đồng minh của ông Christie mới đây đã bị tòa tuyên có tội trong vụ cố tính phong tỏa các làn đường lên cây cầu George Washington, để trừng phạt một thị trường của bang New Jersey vì đã quay lưng với ông Christie trong cuộc đua tái cử chức thống đốc bang.

Trong ngày thứ Sáu, ông Christie khẳng định mình không hề hay biết về vụ bê bối và sẽ làm việc với các nhân chứng có những lời khai chống lại ông. Cuối tuần này, ông Christie dự kiến sẽ vận động cho ứng viên đảng Cộng hòa tại hai bang New Hampshire và Pennsylvania.

Nguy cơ từ sự ủng hộ của tổ chức K.K.K

Hôm thứ Năm vừa qua, tức chỉ 2 ngày sau khi tờ báo chính thức của phong trào cực đoan, truyền bá tư tưởng người da trắng là thượng đẳng Ku Klux Klan tuyên bố ủng hộ ông Trump, bà Clinton đã nắm lấy thời cơ để công kích đối thủ.

“Ông ấy đã dành toàn bộ thời gian vận động để mời gọi những người ủng hộ có tư tưởng thù ghét nhất”, bà Clinton phát biểu trong cuộc vận động tại North Carolina.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đã từ chối sự ủng hộ của phong trào này, nhưng đó là một trường hợp hiếm hoi họ phản đối mạnh mẽ nhóm phân biệt chủng tộc này. Trước đó ông Trump bị cho là trì hoãn việc tuyên bố khước từ sự ủng hộ của cựu lãnh đạo K.K.K David Duke, và còn nhiều lần đăng tải lại các dòng chia sẻ trên Twitter của những người có tư tưởng người da trắng thượng đẳng.

Con trai của ông Trump là Eric thì đã có những bình luận mạnh mẽ hơn hẳn các lãnh đạo chiến dịch tranh cử, khi tuyên bố trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm rằng ông Duke “đáng nhận một viên đạn”.

Dù vậy, phe Dân chủ vẫn đang nhân cơ hội này để nhắc nhở các cử tri rằng ông Trump nhận được sự ủng hộ từ những kẻ phân biệt chủng tộc. Điều này chắc chắn còn tiếp diễn trong những ngày tới.

Tác giả bài viết: Thanh Tùng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok