Du lịch

Những điểm đến mới đầy hứa hẹn của du lịch huyện Tĩnh Gia

Sự phát triển mạnh mẽ của Khu Kinh tế Nghi Sơn khiến số lượng các chuyên gia, công nhân, kỹ sư trong và ngoài nước đến làm việc có thời hạn tại đây ngày càng đông.

Cảnh sơn thủy, hữu tình của bãi biển Sơn Hải, xã Bình Minh ngày càng thu hút nhiều du khách.

Trong tương lai, huyện Tĩnh Gia đã và đang được quy hoạch thành TP Nghi Sơn với sự phát triển hài hòa cả công nghiệp, dịch vụ lẫn dân cư. Nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, tham quan của nhân dân và người lao động ngay tại địa bàn huyện Tĩnh Gia là rất lớn. Tuy nhiên, lâu nay, tại huyện đồng bằng ven biển cực Nam của tỉnh này mới chủ yếu khai thác được một phần tiềm năng của Khu Du lịch biển Hải Hòa (xã Hải Hòa) và Bãi Đông (xã đảo Nghi Sơn). Du khách nhiều nơi khác đến với Nghi Sơn, đến với Tĩnh Gia chưa có nhiều lựa chọn nếu muốn tìm kiếm các địa điểm du lịch, vui chơi, nghỉ ngơi theo nhu cầu.

Có thể nói, trong nhiều năm qua, du lịch Tĩnh Gia vẫn đang ở dạng tiềm năng là chính. Gần đây, xuất hiện một số địa điểm tham quan khá mới, mở ra nhiều kỳ vọng về phát triển du lịch. Điển hình trong số đó phải kể đến bãi biển Sơn Hải, xã Bình Minh còn khá sơ khai, chưa nhiều người biết đến. Đến được bãi biển này, du khách phải đi qua một con đường ven triền núi khá nên thơ hữu tình, bách bộ qua những rừng phi lao rì rào tiếng gió. Một bãi biển với cát mịn, trải dài mở ra trước mắt, gây ấn tượng với những người mới đặt chân đến đây. Nét riêng của biển Sơn Hải là có những mỏm núi nhô ra biển, tạo nên phong cảnh hữu tình.

Ngồi trên những phiến đá đã bị thủy triều nước biển ngàn năm bào mòn, du khách như được hòa vào thiên nhiên, ngắm làn nước trong xanh và đón những đợt gió mát rượi. Một lợi thế nữa là bãi biển này xa các cửa sông, lại là nơi nhô ra so với biển các xã trong vùng nên rất sạch sẽ, ngay cả sau những đợt mưa. Một bãi biển đẹp của xứ Thanh, nay đã được nhìn nhận ra để phát triển du lịch. Những người dân địa phương năng động, những doanh nghiệp nơi khác đã có sự đầu tư các nhà hàng phục vụ ăn uống, cơ sở lưu trú. Từng chuyến bè của ngư dân địa phương cập bến, mang theo nhiều cá tôm tươi rói từ biển khơi, được nhiều du khách thích thú mua ngay tại bờ biển.

Tuy hạ tầng và cơ sở vật chất còn khá sơ khai, song hình hài của một khu du lịch thơ mộng đã và đang hiện hữu. Chị Bùi Thị Thu, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa), cho biết: Ngay từ lần đầu đến với bãi biển Sơn Hải, tôi đã say mê và ấn tượng với cảnh đẹp nơi đây. Tuy mới biết bãi biển này hơn một năm qua, nhưng gia đình tôi đã vượt quãng đường khoảng 50 km, 3 lần tới đây nghỉ ngơi, tắm biển vào các dịp nghỉ lễ, chủ nhật. Bãi tắm có núi đã tạo nên phong cảnh nên thơ mà nhiều bãi biển du lịch khác không có được.

Với lĩnh vực du lịch tâm linh kết hợp thiên nhiên, khoảng 2 năm nay, quần thể chùa cổ Am Các tại xã Định Hải ngày càng trở nên nổi tiếng với nhiều người. Trên dãy Các Sơn sừng sững, hùng vĩ bậc nhất của vùng Nam Thanh, Bắc Nghệ, một quần thể chùa cổ mới được phát hiện chưa lâu, các nhà khảo cổ đang tiếp tục khai quật. Những nền móng, chân tảng và nhiều hiện vật đã phát lộ mới đây đã làm ngỡ ngàng các nhà nghiên cứu bởi giá trị lịch sử to lớn liên quan đến Phật giáo của quần thể di tích từng là phế tích này. Với sự nỗ lực của sư thầy Thích Thanh Đại, người trụ trì quần thể chùa này, những con đường lên núi đã được mở và bê tông hóa kiên cố nhờ sự kêu gọi xã hội hóa từ các nhà hảo tâm.

Những nền móng bị khuất lấp dưới tán rừng và thảm cây bụi dày đặc hàng trăm năm qua, nay dần được phục dựng những công trình – tuy còn sơ khai chưa bài bản. Sau khoảng 4 km ngồi ô tô vượt cung đường núi quanh co, chúng tôi đã đến được chùa Trình, rồi quần thể chùa Hạ. Những chân tảng, đầu tượng, đài sen bằng đá, những hình vẽ sơ khai trên vách núi đang được các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu, đưa ra kết luận cuối cùng về niên đại. Song, các ý kiến đều cho rằng, Am Các chính là một trong những nơi Phật giáo du nhập vào Bắc Trung bộ cũng như tỉnh Thanh Hóa đầu tiên. Có ý kiến cho rằng, những dấu tích ấy cách đây cả nghìn năm có lẻ, và quần thể chùa cổ này còn mang trong mình nhiều giá trị cho giới nghiên cứu.

Chinh phục thêm hơn 2 km bởi những con đường mòn đã được mở rộng cấp phối, du khách sẽ đến với khu vực chùa Trung, rồi chùa Thượng nơi rừng già u tịch. Hòa mình vào những rừng sim cổ thụ nở tím trời, rồi đủ loài hoa rừng đa sắc khiến du khách trở nên thư thái. Ở nơi núi cao cả nghìn mét, phóng tầm mắt có thể nhìn toàn vùng đồng bằng các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, thậm chí cả dãy núi Ngàn Nưa xa xa. Biển xanh, quần đảo Hòn Mê cũng rất rõ bởi nơi đây chỉ cách biển chưa đầy 10 km đường chim bay. Một vùng núi hữu tình trải màu xanh tít tắp, chạm mây trời.

Những ngày trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, mỗi ngày có hàng trăm du khách hành hương, thăm vãn cảnh chùa và thiên nhiên nơi đây. Tại khu vực chùa Trung, bà Mai Thị Hoàn, người xã Ninh Hải, cùng huyện chia sẻ: “Mỗi dịp lễ, tết, chị em chúng tôi lại vượt hơn 10 km đến đây hương khói, vãn cảnh. Đây là chốn linh thiêng, lại có phong cảnh đẹp nên mỗi lần đến đây tôi đều thấy thư thái, thoải mái hơn”. Quần thể di tích chùa cổ này ngày càng được nhiều người biết đến, mang theo nhiều kỳ vọng để phát triển du lịch trong tương lai.

Với nhiều danh thắng, di tích khác, như: Động Trường Lâm, động Ngọc Hoàng, động Tiên ở xã Trường Lâm; các di tích liên quan đến cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ ở xã Nghi Sơn; hệ thống di tích, đền chùa ở khu vực xã Hải Thanh và vùng cửa biển Lạch Bạng... đang trở thành những gợi ý hấp dẫn cho du khách đến với Tĩnh Gia, đến với Nghi Sơn.

Tác giả: Lê Đồng

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

  Từ khóa: du lịch , Tĩnh Gia , thanh hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok