Giáo dục

Những điểm cần sửa đổi nếu tiếp tục không chấm điểm học sinh tiểu học

Đây là kiến nghị của TS.Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội khi bàn tới việc cần sửa đổi Thông tư 30..

LTS: Tại hội nghị thảo luận về Thông tư 30 và Mô hình trường học mới VNEN diễn ra vào ngày 6/8 với tham gia của lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các giáo viên và nhiều chuyên gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị tiếp tục sửa Thông tư 30 theo tinh thần ngắn gọn, dễ nhớ, dễ làm và "không cầm tay chỉ việc".

Bàn về mô hình trường học mới (VNEN) và nội dung Thông tư 30 cần sửa đổi trước khi năm học mới bắt đầu Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS.Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội) về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.


Việc ghi chép sổ sách cần được tháo gỡ càng sớm càng tốt


Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về Thông tư 30 và mô hình trường học mới mà Việt Nam đang áp dụng?

TS.Vũ Thu Hương: Đây là hai nội dung cụ thể trong việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục được nêu tại Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế khiến cho việc thực hiện của chúng ta gặp nhiều khó khăn.

Với tư cách là một giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học lâu năm, theo bà, Thông tư 30 cần tập trung sửa đổi những nội dung nào?

TS.Vũ Thu Hương: Thông tư 30 là một trong những bước đi quan trọng để giáo dục theo định hướng phát triển năng lực. Đồng thời, Thông tư 30 cũng là bước đi quan trọng nhằm giải quyết tận gốc bệnh thành tích.

Nhưng để vận dụng đạt hiệu quả tốt nhất thì Thông tư 30 cần sửa đổi một số nội dung còn hạn chế như:

Thứ nhất, do việc triển khai quá gấp gáp khi giáo viên chưa thực sự nhận thức đầy đủ về ý nghĩa nhân văn, cách thức thực hiện và các vấn đề xung quanh Thông tư 30.

Việc này sẽ được giải quyết bằng các lớp tập huấn kỹ càng cho giáo viên. Nội dung tập huấn không chỉ tập trung vào ý nghĩa, mục tiêu của Thông tư 30 mà điều giáo viên cần là cách thức đưa ra lời đánh giá, nhận xét học sinh sao cho phù hợp mà vẫn có tác dụng khích lệ học sinh tiến bộ.

TT30
Những quy định cứng nhắc về sổ sách trong Thông tư 30 đã làm tốn nhiều thời gian của giáo viên (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Ngoài ra, chúng ta có thể tiến hành 2 biện pháp hỗ trợ đó là thiết kế những địa chỉ tư vấn trực tuyến cho giáo viên nhằm giải quyết khúc mắc của giáo viên trong quá trình thực hiện và xây dựng các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của giáo viên, phụ huynh.

Khi đó những áp lực trong quá trình thực hiện Thông tư 30 sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Thứ hai, vấn đề sổ sách giáo viên. Có thể nói, những quy định cứng nhắc về sổ sách trong Thông tư đã làm tốn nhiều thời gian của giáo viên.

Cho nên, Thông tư 30 sửa đổi cần bỏ sổ theo dõi chất lượng, những quyển sổ khác không nhất thiết phải thanh, kiểm tra quá nhiều. Bởi cuốn sổ sách đẹp, đầy đủ không đủ điều kiện để đánh giá đó là giáo viên giỏi mà giáo viên giỏi phải giúp học sinh tiến bộ, phát triển nhiều tính cách tốt đẹp, biết hướng thiện.

Với tiêu chí này, rõ ràng những quy định không hợp lý về việc ghi chép sổ sách cần được tháo gỡ càng sớm càng tốt trong Thông tư.

Thứ ba, vấn đề đánh giá giáo viên.

Tôi cho rằng, việc đánh giá giáo viên dựa trên sự tiến bộ của học sinh bằng thực chất sẽ giảm bớt được những áp lực về thành tích của học sinh.

Việc kiểm tra sự tiến bộ của học sinh chỉ cần tiến hành bằng cách kiểm tra đột xuất nhà trường với sự lựa chọn học sinh ngẫu nhiên.

Hơn nữa, do thanh tra giáo dục từ mấy năm năm nay đã chuyển từ thanh tra giáo viên sang thanh tra người đứng đầu nên nếu thanh tra học sinh chắc chắn sẽ giảm bớt được bệnh thành tích, giáo viên sẽ dồn sức để giúp học sinh tiến bộ.

Thứ tư, phương pháp khen thưởng học sinh không phù hợp.

Do Thông tư 30 chỉ quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh đối với chính bản thân các nên vì vậy việc khen thưởng trở nên không phù hợp.

Mà điều quan trọng nhất là sự tiến bộ của học sinh, chỉ cần các em hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập trong năm học thì những lời chúc mừng của thầy cô tới các em sẽ có ý nghĩa nhiều hơn là những tờ giấy khen khó hiểu hoặc rập khuôn.

Theo bà, đối với học sinh lớp 1 điều gì là quan trọng nhất mà Thông tư 30 cần chú trọng tới?

TS.Vũ Thu Hương: Riêng đối với lớp 1, do trẻ vừa trải qua những giờ phút rất khó khăn khi chuyển từ mầm non lên tiểu học nên lúc này giáo viên cần sử dụng linh hoạt Thông tư 30 với những lời động viên kịp thời sẽ giúp học sinh học tiến bộ rất nhanh mà lớp học vẫn hào hứng, vui vẻ.

Điều đó có nghĩa là, kỹ năng đánh giá, nhận xét của giáo viên có ảnh hưởng rất quan trọng đối với trẻ đặc biệt là học sinh lớp 1.

Lý do nào khiến một số địa phương dừng thực hiện VNEN?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định VNEN là một phương thức tổ chức đào tạo tốt, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này có nhiều địa phương như Hà Giang, Hà Tĩnh, Vũng Tàu…đã quyết định dừng không nhân rộng mô hình VNEN, bà đánh giá như thế nào về mô hình này?


TS.Vũ Thu Hương: VNEN là một mô hình thay đổi phương pháp và hình thức dạy học. Có rất nhiều lý do cho việc một số địa phương chấm dứt thực hiện mô hình này.

- Mỗi một mô hình chỉ phù hợp với một số trường học có những điều kiện tương thích. Việc áp dụng đại trà một mô hình cho tất cả các trường trên cả nước là điều không hợp lý. Các trường có những điều kiện trái ngược hoặc khác biệt với mô hình chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong quá trong quá trình thực hiện.

- Mô hình VNEN có quá nhiều điểm khác biệt so với mô hình cũ. Mô hình này được xây dựng dựa trên triết lý giáo dục hoàn toàn khác so với mô hình truyền thống. Với toàn thể giáo viên Việt Nam đã quen với cách làm việc của mô hình cũ, sẽ không khỏi hoang mang, lo lắng và thực hiện không chính xác mô hình VNEN.

- Mô hình VNEN yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình trong quá trình giáo dục trẻ em, tuy nhiên, phụ huynh Việt Nam vốn rất bận rộn với công việc, hoàn toàn ngơ ngác trước sự thay đổi này. Họ sẽ không biết phải thực hiện nghĩa vụ của mình như thế nào?

Điều này sẽ khiến một số phụ huynh khó chịu khi họ quan niệm giáo dục trẻ là việc của nhà trường. Khi thiếu sự hợp tác của phụ huynh, các giáo viên sẽ gặp khó khăn không nhỏ.

- VNEN là một mô hình được thực hiện ở nước ngoài. Khi trở về Việt Nam, chắc chắn VNEN sẽ có nhiều điều không phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của đất nước.

Vì thế thực hiện mô hình này là khó khăn chồng khó khăn. Điều này sẽ gây nản lòng các giáo viên - những người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện mô hình .

Nếu tiếp tục triển khai VNEN thì chúng ta cần điều chỉnh và thực hiện như thế nào cho hiệu quả, thưa bà?

TS.Vũ Thu Hương: Nếu tiếp tục thực hiện, theo tôi, chúng ta nên lựa chọn những cơ sở đào tạo phù hợp để tiến hành.

Các giáo viên cần phải được tập huấn kĩ càng. Phụ huynh cần phải được tư vấn và hướng dẫn thực hiện đầy đủ các trách nhiệm của mình.

Những chi tiết không phù hợp đối với từng trường cần được điều chỉnh linh hoạt nhằm giảm với sự khác biệt giúp cho việc thực hiện mô hình dễ dàng và thành công hơn.

Trân trọng cảm ơn bà.

Tác giả bài viết: Thùy Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok