|
Khu rừng nhảy múa ở Kaliningrad
Nói đến những địa điểm đầy huyền bí ở Nga không thể không nhắc tới khu rừng được có biệt danh Khu rừng nhảy múa nằm trong khu công viên quốc gia Mũi đất Kursh thuộc tỉnh Kaliningrad. Trên thực tế, đây là một phần của khu rừng lá kim nằm trên km 37 của khu vực Mũi đất Kursh.
Sở dĩ khu vực này có cái tên kỳ lạ như vậy bởi hàng ngàn cây thông mọc trong khu vực này có thân uốn cong rất lạ mánh, phân nhánh và thậm chí vặn vẹo thành hình xoắn ốc. Có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến các thân cây thông trong khu rừng này có hình dáng kỳ lạ, trong đó có ý kiến cho rằng lý do nằm ở đặc điểm tự nhiên, sinh học, địa chất của khu vực.
Song, cũng có những ý kiến cho rằng sở dĩ các thân cây ở đây mang hình thù đặc biệt vì nó mang trong mình những sức mạnh siêu nhiên. Người ta cho rằng nếu đi vòng quanh thân cây, bạn có thể kết hôn hoặc ly dị, tùy thuộc vào việc ước muốn của bạn là gì.
Ngoài ra, người ta cũng đồn rằng vỏ cây thông ở khu vực này cũng tiềm ẩn những sức mạnh kỳ bí, khiến những cây thông ở khu rừng gần đây thường xuyên bị lột vỏ. Những tin đồn về sự kỳ bí của khu rừng càng rộ hơn vì sự thật là những cây mới được trồng ở đây không hề uốn cong, vặn vẹo như những cây có từ trước.
Những câu chuyện đầy bí ẩn khiến khu rừng đặc biệt nổi tiếng với khách du lịch. Năm 2000, Mũi đất Kursh đã được đưa vào danh sách các di tích của UNESCO. Tuy nhiên, khu rừng cũng đang phải gánh chịu những hậu quả của việc du khách đến thăm nhiều.
Nhiều người khi đến đây leo lên ngồi trên những thân cây thông bí ẩn, giẫm nát mặt đất xung quanh rễ cây khiến chúng bị trầy trật, thậm chí nhiều cây đã bị chết. Hồi tháng 7 vừa qua, đơn vị quản lý khu rừng đã tiến hành rào khu vực này lại để nhằm bảo vệ cây khỏi khách du lịch. Việc này được thực hiện bắt đầu từ những cây xoắn trước khi mở rộng ra rào toàn bộ tuyến đường du lịch. “Để bảo vệ cây, chúng tôi phải làm hàng rào chắn lại”, bà Svetlana Potapova cho biết.
Ngoài khu rừng nói trên, ở khu vực ngoại ô Ryazan thủ đô Moscow của Nga cũng có một khu rừng độc đáo không kém. Có điều, cây cối ở đây không nhảy múa mà có biệt danh là “rừng say”. Theo nhiều người kể lại, năm 1971, có một cơn lốc tràn qua nơi này, kể từ đó các thân cây đều bị uốn cong.
Song, cũng kể từ đó, khu rừng trở nên nổi tiếng bởi nhiều người cho rằng gió bão vốn hoành hành khắp nơi. Thêm vào đó, cây cối trong rừng bạch dương ở gần khu vực vẫn đều có dáng thẳng, không bị uốn cong như những cây ở khu rừng say. Có một điểm đáng chú ý khác là ở khu vực này còn có nhiều nấm cũng “nhảy múa”.
Những tin đồn này càng khiến thành phố Ryazan (một trong những thành phố đẹp nhất ở Nga) trở nên hấp dẫn khách du lịch, bên cạnh cảnh thanh bình của những khu phố cổ, những biệt thự quí tộc được trang trí công phu từ thời xưa ở đây.
Những hòn đá đặc biệt
Những hòn đá ở Nga cũng mang trong mình rất nhiều câu chuyện đầy bí ẩn, thậm chí hoang đường. Ví dụ, trong khe núi thuộc Khu bảo tồn - Bảo tàng Kolomenskoye ở Thủ đô Moscow có 2 hòn đá được đồn đoán rất đặc biệt, đó là hòn đá Ngỗng mang lại sức mạnh cho nam giới và hòn đá Trinh nữ có thể giúp phụ nữ đậu thai.
Còn ở thị trấn Pereslavl-Zalessky cũng được cho là có hòn Đá Xanh huyền thoại. Tuy bề ngoài không có gì khác lạ nhưng hòn Đá Xanh chưa bao giờ bị chôn vùi trong tuyết và mưa, ngay cả trong những cơn bão mạnh nhất.
Trái lại, càng ngày, tảng đá này lại càng chuyển sang màu xanh ngắt như nước trong hồ. Có thông tin thậm chí khẳng định, các tín đồ Kitô giáo trước đây từng tìm đủ cách để chôn vùi hòn đá này, đã khiêng nó đi nơi khác nhưng sau cùng tảng đá vẫn quay về chỗ cũ trên bờ. Bây giờ hòn đá linh thiêng nằm trong Công viên quốc gia hồ Pleshcheyevo.
Các nhà khoa học đến nay không giải thích nổi bí ẩn của tảng đá, còn người dân địa phương thì tin rằng hòn đá có phép thần và có thể chữa lành bệnh tật. Một hướng dẫn viên cho biết, nhiều người tin rằng nhờ hòn đá thiêng mà họ đã hiện thực được điều ước của mình.
“Họ kể với với tôi là từng đến đây nhiều lần và sau mỗi lần đến hòn đá để cầu nguyện, ước mơ của họ đều đã được thực hiện. Nhiều người hiếm muộn đã đến từ xa đến, chạm vào tảng đá để cầu tự vì có những người khẳng định đã được như ý khi đến đây cầu xin con” người này kể.
Một tảng đá nổi tiếng khác ở Nga có tên là Đá Ngựa nằm bên bờ sông Krasivaya Mecha ở tỉnh Tula, cách đường cao tốc M-4 Sông Đông không xa. Hòn đá này được nhắc đến lầu đầu tiên trong kho tàng văn học Nga là vào năm 1499 với câu nói còn được truyền đến nay: “Hãy neo tàu trên sông Mecha, bên Đá Ngựa”. “Đến nay, vẫn có nhiều người khẳng định rằng hòn đá này giúp cho phụ nữ đậu thai và sinh con còn đàn ông có thêm sức mạnh. Cho đến bây giờ người ta vẫn không dám chăn thả gia súc ở đây vì sức mạnh kỳ lạ của nó”, một người dân ở đây khẳng định.
Bí ẩn trong những chiếc hang
Trên đảo Olkhon ở giữa hồ Baikal của Nga có núi đá Shamanka (hay còn gọi là núi đá Pháp thuật). Trong lòng núi đá này có một hang động khá quanh co được cho là chỉ có pháp sư Buryat mới được vào đó.
Người dân ở đây tin rằng phụ nữ không được đến gần hang động nếu không họ sẽ không có con và những ai có người thân mới qua đời cũng phải tránh xa nơi này. “Các pháp sư thỉnh thoảng tập trung tại đây để cầu nguyện chung. Sau mỗi lần họ tập trung như vậy, suốt cả năm sẽ mưa thuận gió hòa”, ông Oleg Kardakov (người đứng đầu cơ quan du lịch địa phương) cho biết.
Núi đá Shamanka (núi đá Pháp thuật) ở Hồ Baikal. |
Còn ở Chemal thuộc Vùng Altai của Nga cũng có hang động có tên Tavdinsky. Nổi bật nhất ở hang này là cổng nguyện cầu. Tương truyền, chỉ cần chạm vào chiếc cổng và đi vòng quanh 3 lần thì điều bạn ước muốn sẽ thành sự thật. Còn với hang Lỗ Mũi Rồng ở gần đó, truyền thuyết kể rằng nếu đi vào lỗ mũi bên phải và đi ra bên trái, bạn sẽ “khỏe như rồng”(?).
Tất nhiên, ngoài những việc có thể nhìn thấy rõ như hình dáng vẹo vọ của những thân cây ở Kaliningrad hay những chiếc hang, những phiến đá... không ai có thể khẳng định được rằng những đồn đoán xung quanh các địa điểm nói trên là sự thật. Cũng có ý kiến nói rằng những tin đồn, truyền thuyết đó chỉ nhằm tăng sự thu hút của du khách tới các nơi này!
Tác giả: Tùng Lâm
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam