Du lịch

Những công trình kiến trúc Pháp cổ ấn tượng tại Sài Gòn

Tại Sài Gòn hoa lệ, hiện đại nhất Việt Nam vẫn còn đó những công trình kiến trúc mang đậm phong cách Pháp cổ điển. Những công trình này đã tồn tại trên dưới 100 năm tuổi, trở thành những điểm tham quan, du lịch nổi tiếng, thu hút du khách mỗi khi ghé thăm Sài Gòn. Có những người lớn tuổi có thể ngồi lặng lẽ ngắm nhìn những công trình này hàng giờ liền và hoài niệm về một thời đã qua.

Nhà thờ Đức Bà (quận 1)

Được khởi công xây dựng vào năm 1863 và hoàn thành 2 năm sau đó, khi ấy Nhà thờ Đức Bà có tên gọi là Nhà thờ Sài Gòn. Đến năm 1959, sau Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc, công trình tôn giáo này chính thức mang tên Nhà thờ Đức Bà. Địa chỉ: Số 1 Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Khuôn viên, quảng trường quanh Nhà thờ Đức Bà là nơi được rất nhiều bạn trẻ tới tụ họp, chụp hình kỷ niệm, gặp gỡ, nhất là vào dịp cuối tuần. Đông đảo du khách cả trong và ngoài nước đều rất muốn ghé thăm, chiêm ngưỡng công trình kiến trúc này mỗi khi tới Sài Gòn.

Bưu điện thành phố (quận 1)


Nằm kế bên Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm TP.Hồ Chí Minh (gọi tắt là Bưu điện thành phố) cũng là một kiến trúc Pháp cổ nổi bật ngay trung tâm Sài Gòn. Tòa nhà được xây dựng liên tục trong 3 năm và hoàn thành vào năm 1891. Bưu điện thành phố là trung tâm thông tin liên lạc của đô thị này cũng như nhiều tỉnh phía nam trong một thời gian rất dài.

Ngoài chức năng của một bưu điện thông thường, Bưu điện thành phố còn là nơi tham quan hấp dẫn đối với mọi du khách tới đây.

Công trình kiến trúc gần 120 năm tuổi này được xây dựng theo phong cách đối xứng, tương phản cực kỳ độc đáo, cổ điển của kiến trúc Pháp.

Ngày nay Bưu điện thành phố vẫn là nơi chuyển phát thư từ, hàng hóa trong và ngoài nước, song không còn nắm vai trò then chốt như xưa.

Trụ sở Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh (quận 1)


Nằm tại số 86 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, trụ sở UBND TP.HCM là cơ quan hành chính quan trọng nhất của thành phố. Đây là công trình được nhiều người chú ý đến nhất trong các công trình Pháp cổ ở ‘Hòn ngọc Viễn Đông”. Tòa nhà này được đánh giá là một trong những công trình Pháp cổ lớn nhất, đẹp nhất tại 3 nước Đông Dương.

Thời Pháp, UBND thành phố có tên gọi Dinh Xã Tây, đến thời Việt Nam Cộng hòa được đổi thành Tòa đô chánh Sài Gòn, sau năm 1975 đổi tên thành UBND TP.Hồ Chí Minh cho đến nay.
Tòa nhà độc đáo này được khởi công xây dựng năm 1898, hoàn thành năm 1909 với thiết kế của kiến trúc sư Fermand Gardes. Ngày nay, phía trước UBND thành phố là quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ. Cùng với sự rộng rãi, thoáng mát của quảng trường, nét đặc trưng về kiến trúc của UBND thành phố cũng luôn được mọi người chú ý đến.

Nhà hát thành phố (quận 1)


Được xây dựng xong vào năm 1900, do nhóm kiến trúc sư người Pháp là Félix Olivier, Eugène Ferret và Ernest Guichard thiết kế. Lối kiến trúc của công trình có sự kết hợp giữa kiến trúc và điêu khắc; trong đó, trang trí điêu khắc rất được coi trọng, từ mặt ngoài đến nội thất đều đắp nhiều phù điêu và tượng nổi. Nét đặc trưng của Nhà hát thành phố là được "sao chép" khá giống công trình Petit Palais của Pháp tại Paris. Nhà hát thành phố tọa lạc tại địa chỉ số 7 Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1.

Hình ảnh Nhà hát thành phố trên một con tem cổ.

Công trình đã 115 năm tuổi này luôn thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài mỗi khi ghé thăm Sài Gòn. Đây là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện về văn hóa, nghệ thuật của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Trên nóc Nhà hát thành phố là tượng thần tình yêu, một trong những biểu tượng về xây dựng nổi bật thời thế kỷ 19, 20 ở châu Âu.

Chợ Bến Thành (quận 1)


Hoàn thành vào năm 1860, chợ Bến Thành được xem là biểu tượng của Sài Gòn từ đó đến nay. Chợ Bến Thành giờ đây vẫn có sức hút mãnh liệt với đông đảo du khách, vừa để tham quan, vừa mua sắm hàng hóa. Chợ Bến Thành nằm ngay trung tâm thành phố, bên vòng xoay Quách Thị Trang, quận 1.

Chợ Bến Thành xưa và nay không thay đổi quá nhiều, dù trải qua bao nhiêu lần bị tàn phá bởi chiến tranh và tu sửa, nay vẫn giữ được nét đặc trưng của lối kiến trúc đậm chất Pháp thế kỷ 19.

Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh (quận 1)


Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh là một trong những công trình gắn liền với nhiều biến cố lịch sử nhất tại mảnh đất này. Cũng chính vì lẽ đó, nơi đây trở thành nơi lưu giữ, trưng bày nhiều kỷ vật qua nhiều thời kỳ trong lịch sử của Sài Gòn-TP.HCM.

Bảo tàng nằm ở số 65 Lý Tự Trọng, quận 1, có tới 4 mặt tiền gồm: Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Những bức tượng trên phần nóc tòa nhà mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc Âu của thế kỷ 19, 20.

Trường THPT Nguyễn Minh Khai (quận 3)


Trường THPT Nguyễn Minh Khai là ngôi trường có lịch sử lâu đời nhất nhất nhì trong nền giáo dục Việt Nam. Trước đây Trường THPT Nguyễn Minh Khai tên là trường Nữ sinh Áo tím, trường nữ Gia Long. Trường được xây dựng và hoàn thành năm 1913 và vẫn giữ được nét cổ kính có từ buổi đầu cho đến nay.

Trường THPT Nguyễn Minh Khai nổi tiếng không chỉ về mắt kiến trúc, đây còn là nơi đào tạo ra rất nhiều nhân tài cho đất nước. Ngôi trường này cổng chính nằm tại đường Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3.

Ngoài những công trình kể trên còn phải nhắc đến nhưng kiến trúc Pháp cổ khác như Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) được xây dựng vào năm 1874 và hoàn thành 3 năm sau đó. Ban đầu, trường do người Pháp quản lý và có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseloup Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau.

Khách sạn Continental là khách sạn cổ nhất của đất Sài Gòn xưa với hơn 135 năm tuổi. Khách sạn nằm tại 132-134 Đồng Khởi, quận 1, được xây dựng năm 1880 do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Cho đến nay, tên khách sạn vẫn được giữ nguyên như những ngày đầu dù ngày giải phóng đã có lần đổi thành khách sạn Hải Âu. Continental có diện tích 3.430m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thủ tướng, nhà văn, người mẫu nổi tiếng… của nhiều quốc gia.

Trụ sở Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh xây dựng từ năm 1881. Cùng với trụ sở UBND thành phố và Bưu điện thành phố, trụ sở Tòa án nhân dân thành phố là một trong 3 tòa nhà điển hình nhất, có kiến trúc độc đáo, là những công trình văn hóa tiêu biểu của quốc gia và TP.Hồ Chí Minh. Do tòa nhà đã tồn tại hơn một thế kỷ, nên nhiều hạng mục đã xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng và giá trị của một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hiện nay kiến trúc này đang được trùng tu, phục chế lại một số hạng mục...

Sài Gòn-TP.HCM đang chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng phát triển, hiện đại từng ngày. Những điểm "chấm phá" cổ điển kể trên đã tạo cho thành phố này vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại khiến bất cứ du khách nào đã từng tới đây đều cảm thấy mê say.

Tác giả bài viết: Hồ Đông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok