Trong nước

Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2022

Sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa; Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2022.

Sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa

Ngày 9/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, trong đó có sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. So với hiện hành, bổ sung đối tượng là tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa.

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa. So với hiện hành, bổ sung cụm từ “sản phẩm của”.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Nghị định 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.

Quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công

Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công.

Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Nghị định 131/2021/NĐ-CP cũng quy định giảm tiền sử dụng đất cho người có công.

Ngoài ra, Nghị định 131/2021/NĐ-CP có quy định mới về điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh.

Theo đó, điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (gọi chung là thương binh) quy định tại Khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, đơn cử như:

Địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng được xác định theo quy định tại Phụ lục III Nghị định 131/2021. (So với hiện hành, bổ sung địa bàn địch chiếm đóng).

Địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn là địa bàn có điều kiện tự nhiên hiểm trở, khắc nghiệt, khó khăn dễ xảy ra tai nạn, bao gồm các địa bàn theo Phụ lục IV Nghị định 131/2021. (So với hiện hành, bổ sung địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo).

Trực tiếp phục vụ chiến đấu là thực hiện nhiệm vụ lúc trận đánh đang diễn ra hoặc khi địch đang bắn phá: cứu thương, tải thương, tải đạn, đảm bảo thông tin liên lạc, bảo vệ hàng hóa, các trường hợp đảm bảo chiến đấu.

Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm là trực tiếp thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giao nhằm điều tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội hoặc ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội...

Nghị định 131/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.

Chỉ được trở lại vị trí công tác khi có kết luận không tham nhũng

Ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 134/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung đáng lưu ý là quy định về khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của người có chức vụ, quyền hạn sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Cụ thể, trước đây, Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng hoặc hết thời gian tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.

Tuy nhiên, đến Nghị định 134/2021/NĐ-CP chỉ quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Cũng theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong khi đó, trước đây quy định vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 05 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Nghị định 134/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/2/2022.

Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH

Mỗi năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều có mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội. Đây là hệ số giúp bù đắp lại sự mất giá của đồng tiền ở các thời điểm khác nhau, vì thế, còn được gọi là hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội. Theo Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH hệ số trượt giá năm nay có sự tăng nhẹ.

Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH được điều chỉnh theo công thức sau: Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng được thực hiện theo bảng sau:


Đối với gười lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định trên.

Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/2/2022; áp dụng từ ngày 01/01/2022 và thay thế Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH.

Tăng giờ làm thêm của người lao động thời vụ lên 40 giờ/tháng

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.

Theo đó, số giờ làm thêm của người lao động thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng.Trước đây, tổng số giờ làm thêm là 32 giờ/tháng.

Ngoài ra, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần cũng tăng lên 72 giờ/tuần. Trước đây, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần là 60 giờ/tuần.

Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 và thay thế Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015.

4 trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ

Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định tương đối chi tiết về khoản tiền dịch vụ mà người đi xuất khẩu lao động phải nộp khi sang làm việc tại một số thị trường lao động.

Theo đó, có 4 trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền này gồm:

Thứ nhất, sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý).

Thứ hai, sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình Thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc Thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).

Thứ ba, sang Malaysia làm giúp việc gia đình.

Thứ tư, sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.

Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/2/2022.

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong ngành giáo dục

Ngày 30/12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT về việc quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục tại chính quyền địa phương.

Theo Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT, các vị trí công tác về tham mưu, tổ chức ra đề thi, tổ chức thi, chọn học sinh giỏi, tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ… thực hiện định kỳ chuyển đổi từ 3 năm đến 5 năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ 14/2/2022.

Quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Ngày 22/12/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 17/2021/TT-BXD về việc quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.

Thông tư nêu rõ 3 nội dung giám định tư pháp xây dựng.

Thứ nhất, giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản.

Thứ hai, giám định tư pháp về chất lượng xây dựng, bao gồm: Giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, bộ phận công trình, công trình xây dựng; giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, nguyên nhân hư hỏng công trình xây dựng.

Thứ ba, giám định tư pháp về chi phí xây dựng công trình, bao gồm: giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng và các vấn đề khác có liên quan; giám định tư pháp về giá trị nhà ở và bất động sản.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/2/2022.

Đơn thuốc điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy

Vừa qua, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chính thức về việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử tại Thông tư 27/2021/TT-BYT.

Theo đó, đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử theo lộ trình cụ thể như sau:

Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên: hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác: hoàn thành trước ngày 1 tháng 12 năm 2022.

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp mã định danh cơ sở khám, chữa bệnh và mã người hành nghề cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý thông qua Hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Các cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú.

Thông tư 27/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/2/2022.

4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi

Ngày 20/12/2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Thông tư quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm:

Thứ nhất, khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: Khắc phục lỗi của sản phẩm áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.

Thứ hai, chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.

Thứ ba, tái xuất: Áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.

Thứ tư, tiêu hủy: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.

Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 2/2/2022.

Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản 5,7 triệu đồng/lần

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản, trong đó quy định mức phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản.

Cụ thể, mức phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản (thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với cơ sở sản xuất) là 5,7 triệu đồng/lần.

Hiện hành, phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản phân chia như sau: Có hoạt động sản xuất: Mức thu là 5.700.000 đồng/lần. Không có hoạt động sản xuất: Mức thu là 1.500.000 đồng/lần.

Ngoài ra, Thông tư còn quy định các mức phí như sau:

Mức phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư thủy sản (Thẩm định cấp giấy chứng nhận thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu) là 470.000 đồng/lần/sản phẩm. Hiện hành, mức thu bằng 470.000 đồng + Số lượng mẫu x 80.000 đồng/mẫu.

Như vậy, mức phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư thủy sản sẽ giảm đi phần “Số lượng mẫu x 80.000 đồng/mẫu”.

Mức phí thẩm định công nhận hoặc chỉ định, giám sát phòng kiểm nghiệm, phòng thử nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản là 5,7 triệu đồng/lần.

Lưu ý, mức phí trên chưa bao gồm chi phí đi lại của đoàn đánh giá, chi phí đi lại do tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định chi trả tùy tình hình thực tế, phù hợp với quy định.

Thông tư 112/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/2/2022.

Tác giả: Tuệ Minh

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok