Mỗi đợt mưa, mất 5.000 m3 cát
Với ưu thế bãi cát dài và phẳng, đoạn bãi biển từ đường Phạm Văn Đồng xuống bãi biển Mỹ An, Mỹ Khê thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, giải trí. Nhưng cũng tại khu vực này, người dân bức xúc vì tình trạng ô nhiễm kéo dài do những cống xả thải trực tiếp ra biển.
Tại một cống xả thải trên đường Võ Nguyên Giáp, PV Thanh Niên ghi nhận dòng nước đen sì đang chảy ra từ miệng cống. Phần bãi biển bị xẻ thành một con rãnh khá sâu, rộng từ 2 - 4 m ngoằn ngoèo dẫn ra biển. Nhiều du khách đi ngang khu vực này phải bịt mũi vì mùi hôi thối nồng nặc.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT TP, nhìn nhận: “Vấn đề cửa xả” luôn được cử tri quan tâm, trong đó nhức nhối nhất là cống xả tại khu vực Làng Cá, cống Mỹ Khê... Nhiều người dân địa phương than phiền tình trạng ô nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa hè, do nước thải đậm đặc và nặng mùi. Vào mùa mưa, lượng lớn nước xả từ các cống này đã băm nát bờ biển. “Nước chảy ra biển không chỉ gây ô nhiễm mà còn làm mất mỹ quan do xé toạc bờ biển”, ông Nam nói.
Theo ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, đoạn bờ biển này có đến 5 cửa xả. Vào mùa mưa, mỗi cửa xả cuốn trôi khoảng 1.000 m3 cát. “Một đợt mưa với 5 cửa xả thì mất khoảng 5.000 m3 cát”, ông Mã nói.
Để khắc phục, TP đang triển khai dự án xây dựng hệ thống cống bao từ nguồn vốn của Tổ chức JICA (Nhật Bản). Hệ thống này có đường kính ống khoảng 2 m được lắp đặt song song đường thoát nước hiện có. Khi hoàn thành, hệ thống sẽ gom nước thải và nước mưa về trạm để xử lý. Tuy nhiên, theo ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị (HĐND TP), tình trạng các cửa xả băm nát bờ biển phải được khắc phục ngay.
Thi công cửa xả vượt bãi biển
Sau cuộc khảo sát bờ biển Mỹ Khê của lãnh đạo TP hồi tháng 3, nhiều đề xuất đưa ra để xử lý tình trạng bãi biển bị xé toạc. Ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP, cho biết phương án cửa xả xa bờ đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, vấn đề kỹ thuật phải xử lý như thế nào khi bão, cát vùi lấp gây tắc đường ống có độ dài khoảng 300 m vẫn chưa nghiên cứu kỹ.
Trong khi đó, ông Lê Quang Nam cho biết hệ thống cống ngầm cũng đang được các chuyên gia thoát nước nghiên cứu. Bởi khi mưa lớn, van ngăn nước thải không có ý nghĩa vì theo thiết kế nước phải chảy ra ngoài. “Nếu làm van thì cũng không giải quyết được việc bờ biển bị phá. Sở TN-MT đề nghị giao cho Sở Xây dựng TP nghiên cứu thiết kế cống xả chìm, không xả ra bờ biển gây hỏng bãi tắm”, ông Nam nói. Đồng quan điểm, ông Mai Mã nhìn nhận nếu đầu tư cống nối bãi biển thì sẽ chấm dứt được câu chuyện “mất cát ra biển”, nhất là khi 10 máy bơm xử lý nước thải đã quá tải. Chưa kể, cần lắp mới 10 máy bơm và làm 3 cửa xả với kinh phí khoảng 25 tỉ đồng, để khắc phục.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết đơn vị đang phối hợp với các chuyên gia thuộc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM để tính phương án tối ưu khắc phục các cống xả thải ra bờ biển. Theo khảo sát của PV Thanh Niên, sau khoảng 2 tháng bị sạt lở nghiêm trọng, tại 6 điểm xâm thực (với chiều dài gần 1 km trên toàn tuyến ven biển Q.Sơn Trà, Q.Ngũ Hành Sơn) đã bắt đầu bồi cát trở lại. Tuy nhiên, từ phía đất liền, địa phương vẫn đang tìm cách để “chặn”cát trôi bởi các cống xả.
Xử lý mùi hôi bằng chế phẩm sinh học
Các cống xả “bốc mùi” là mối quan tâm của người dân địa phương, và đã được ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, chỉ đạo xử lý bằng chế phẩm sinh học. Tình trạng này xảy ra tại một số khu vực chưa có hệ thống thu gom nước thải (đoạn cuối đường Trường Sa, khu vực Xuân Thiều), hoặc nơi có một số tuyến ống thu gom nước thải bị hư hỏng, xuống cấp (dọc đường Nguyễn Tất Thành), hệ thống máy bơm xuống cấp. Hiện khu vực đường Nguyễn Tất Thành có 3/33 cửa xả và khu vực ven biển phía đông có 6/9 cửa xả bị tràn nước thải ra biển.
Tác giả: Hoàng Sơn
Nguồn tin: Báo Thanh niên