Trong tỉnh

Như Xuân (Thanh Hóa): Công ty Vinh Chung tận thu đất gây nguy hại đời sống dân sinh

Bụi bặm, ồn ào, mất an toàn giao thông, là những gì mà hàng loạt hộ dân tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, Thanh Hóa đang phải gánh chịu kể từ khi điểm tận thu đất của Công ty Vinh Chung hoạt động trên địa bàn xã. Tuy đã nhắc nhở nhiều lần nhưng thực trạng trên vẫn không thay đổi. Dù sắp hết hạn khai thác nhưng cả UBND xã và UBND huyện đều không có đủ hồ sơ pháp lý cơ bản của điểm khai thác này để quản lý theo đúng quy định pháp luật.


Tháng 1/2022, Công ty TNHH Vinh Chung được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép tận thu đất thừa trong quá trình thi công dự án nhà máy gạch không nung tại thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân. Cho phép đơn vị này vận chuyển hơn 140 nghìn m3 đất dư thừa phục vụ cho dự án nối đường từ thành phố Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân, đoạn đường từ tỉnh lộ 514 vào Cảng hàng không Thọ Xuân và san lấp mặt bằng cho Nhà máy gạch tuynel tại xã Dân Quyền huyện Triệu Sơn.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu công ty Vinh Chung phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường theo đúng quy định, tuân thủ các quy định của ngành giao thông trong quá trình khai thác, vận chuyển… và phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vi phạm về quá tải, quá khổ, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và an ninh trật tự khu vực.

Hàng loạt xe trọng tải lớn xếp hàng dài trên đường mòn chờ "ăn đất".

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân cho hay, từ khi công ty Vinh Chung khai thác vận chuyển đất đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt là những ngày nắng, vấn đề an toàn giao thông cũng không được đảm bảo khi có hàng vài chục con xe trọng tải lớn xếp hàng dài trên đường mòn chờ “ăn đất”. Xe trọng tải lớn chạy trên đường thì chạy ầm ầm, bụi trắng cả vùng trời, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Trong điểm tận thu có hàng loạt máy xúc công suất lớn hoạt động không ngừng nghỉ từ sáng sớm đến tối. Nhìn vào không khác gì một công trường khai thác đất lớn hoạt động “vô tội vạ”. Hàng chục con xe tải “3 chân, 4 chân” đứng xếp hàng đợi lấy đất.

Ông Lê Đình Huấn – Chủ tịch UBND thị trấn Yên Cát nói: “Số lượng xe đến lấy đất là rất nhiều nhưng chỉ có logo 3 công ty thôi. Thật ra đơn vị được cấp phép nhưng tận thu rất làm ảnh hưởng môi trường, chúng tôi cũng đã nhắc nhở. Họ có cho 1 xe chở nước nhưng vẫn không ăn thua với khối lượng xe hoạt động lấy đất. Nhất mà trời nắng thì bụi nhiều lắm. Chúng tôi cũng đang tức “điên cả máu” lên chứ, gặp những trường hợp này rất đau đầu. Chắc là “dựa thừng dựa chảo” nên mới thế. Biên bản đăng kí số lượng xe hay đề án bảo vệ môi trường… họ cũng có nộp cho chúng tôi đâu.

Ngoài giấy phép được UBND tỉnh Thanh Hóa cho tận thu thì công ty chưa cung cấp cho chúng tôi các loại văn bản kèm theo dù đã nhiều lần nhắc nhở. Chúng tôi đã xuống 2 lần, thật ra việc này tôi rất ủng hộ chính quyền xử lý vì vấn đề môi trường. Nhưng chỗ khai thác này nằm trên đường mòn lại giáp danh với huyện khác, mà thẩm quyền lại là quản lý của đội CSGT số 3 nên Công an huyện không đủ thẩm quyền xử lý. Cách đây khoảng 2 tháng, đơn vị này còn đổ đất cho Sun Group không đúng vị trí trong giấy phép cấp nên chính quyền phải mời cả Công an tỉnh về làm việc, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. Chúng tôi chỉ mong UBND tỉnh Thanh Hóa làm thật nghiêm đơn vị này để chấn chỉnh lại”.

Bụi bặm, ồn ào và mất an toàn giao thông là những gì các hộ dân xung quanh đây đang phải gánh chịu.

Lê Hữu Đồng – Phó phòng TNMT Như Xuân cho biết: “Công ty tận thu đất để lấy mặt bằng làm nhà máy gạch. Họ còn khoảng hơn 2 tháng nữa là hết hạn khai thác. Việc công ty này vận chuyển cho đơn vị nào thì chúng tôi không nắm được, do họ đi ra ngoài địa bàn huyện. Việc họ làm ô nhiễm môi trường theo phản ánh của người dân, thì huyện cũng đã cho kiểm tra và có văn bản nhắc nhở rồi. Còn các văn bản liên quan khác như đề án bảo vệ môi trường, phương án khai thác hay biên bản vi phạm… thì họ chưa cung cấp cho huyện”.

Theo quy định, trước khi doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản thì chính quyền địa phương phải có đầy đủ mọi hồ sơ thủ tục liên quan để quản lý về mặt hành chính. Trên đây là trường hợp “xưa nay hiếm gặp” khi doanh nghiệp đã khai thác gần 1 năm qua, sắp hết hạn khai thác nhưng chính quyền từ cấp xã đến huyện đều không có đầy đủ hồ sơ pháp lý thì làm sao có thể quản lý? Làm sao biết được đơn vị đang khai thác đúng sai ra sao? Hệ quả thấy ngay trước mắt là người dân phải gánh chịu, sống trong bức xúc vì ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông nghiêm trọng vì đoạn đường vận chuyển đất hàng mấy chục km trên đường mòn Hồ Chí Minh – Nơi không chỉ có người dân sinh sống mà còn có tất cả các loại hình vận tải từ bắc vào nam hoạt động ngày đêm./.

Tác giả: Quản Trọng - Thuận Thiên

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok