Trong tỉnh

Nhóm phụ nữ mặc áo ngực bị công nhân kéo lê: Đã từng xô xát khiến 1 công nhân bị thương

Trước khi xảy ra sự việc trên, phía gia đình của nhóm phụ nữ này đã nhiều lần ra công trường phản đối và có lần xô xát khiến 1 công nhân bị thương.

Tối 21/2, lãnh đạo UBND xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cho biết, cùng ngày, huyện này đã có cuộc họp với các đơn vị chức năng để làm rõ những liên quan đến vụ việc một nhóm người phụ nữ chỉ mặc áo ngực bị công nhân kéo lê tại công trường dự án trên địa bàn.

Theo đó, sau khi sự việc xảy ra, huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo Công an huyện này phối hợp với Công an xã, UBND xã Hoằng Trường điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc để xử lý theo quy định.

Hiện tại, huyện Hoằng Hóa cũng đã yêu cầu chủ đầu tư tạm thời dừng thi công khu vực nơi xảy ra sự việc vừa qua để cơ quan chức năng làm rõ sự việc.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất thực tế lệch nhau

Theo UBND huyện Hoằng Hóa thông tin, sự việc bắt đầu xảy ra vào năm 2020 khi ông Trần Văn Lanh có đơn gửi đến UBND huyện và các ngành cấp tỉnh về việc gia đình ông có một khu đất rộng hơn 2ha nằm trong khu vực thi công dự án khu nghỉ dưỡng nhưng không bồi thường tiền đất mà chỉ nhận được bồi thường về tài sản trên đất.

Nhóm công nhân cầm sẵn trên tay các gậy cao su thời điểm người thân trong gia đình ông Lanh đến phản đối việc thi công dự án. (Ảnh cắt từ clip).

Ông Lanh nêu trong đơn, vào năm 1995, mảnh đất nói trên ông Lanh được cấp bìa đất trồng rừng. Tuy nhiên vào năm 2003 UBND xã đã thu mà không trả lại.

Sau khi nhận được đơn này, huyện Hoằng Hóa đã giao cho các cơ quan chức năng, kiểm tra, giải quyết đơn theo quy định.

Qua kiểm tra cho thấy, nguồn gốc đất, diện tích đất mà ông Lanh nói trong đơn là khu đất ven biển thuộc thôn Giang Sơn (Hoằng Trường). Trước đây, UBND xã giao khu đất này cho các cụ cao tuổi trong thôn trồng cây phi lao. Năm 1993, xã phân chia cho các chi hội trồng cây lấy quỹ hoạt động. Một phần diện tích (hơn 2,0 ha) được ông Lanh trồng cây lấy củi .

Theo bản địa chính xã lập năm 1996, diện tích đất ông Lanh trồng cây là một phần của thửa đất số 10, tờ số 05, có tổng diện tích 40.156,0 m2. Chủ sử dụng thửa đất này là UBND xã, loại đất: rừng trồng; tương ứng thửa 666, tờ bản đồ số 04, bản đồ 299/TTg xã Hoằng Trường lập năm 1988, diện tích 25.500 m2.

Ông Lanh có trình ra 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đất) cấp ngày 1/10/1995 tuy nhiên chỉ là bản photocopy, không có bản gốc. Vị trí ghi trên bìa đất thể hiện thửa số 03, tờ bản đồ số 01 (không ghi thuộc bản đồ nào) tại thôn Giang Sơn (Hoằng Trường), diện tích 0,23ha, loại đất trồng rừng, chủ đất là Trần Văn Lanh.

Quá trình phản đối, 2 bên đã có xô xát nhau.

Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ không có hồ sơ cấp bìa đất rừng trồng đứng tên ông Trần Văn Lanh năm 1995 và hồ sơ quản lý đất đai tại xã không thể hiện ông Trần Văn Lanh có 2,03 ha đất rừng trồng tại vị trí trên.

Đối chiếu thông tin trong bìa đất do ông Lanh cung cấp với hồ sơ 299/TTg xã Hoằng Trường thì thửa 03, tờ số 01 có chủ sử dụng đất là Hợp tác xã, diện tích 1.924,0 m2 (thuộc thôn 6 - nay là thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường, không phải thuộc thôn Giang Sơn) tương ứng với hồ sơ địa chính lập năm 1996 là thửa số 82, tờ số 14, diện tích 10.108 m2, chủ sử dụng: Tư nhân.

Hiện nay, thửa đất trên huyện đã giao một phần diện tích đất ở năm 2004 và phần còn lại là đất sản xuất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài năm 1995. Như vậy, thông tin thể hiện trong bìa đất do ông Trần Văn Lanh cung cấp không đúng với thực tế.

"Xã đã kiểm tra và xác định không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào của ông Lanh. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Lanh trình ra chỉ là bản photocopy, không có bản gốc, không biết ở đâu ra", lãnh đạo xã Hoằng Trường thông tin.

Khi nhận tiền đền bù không có kiến nghị, thắc mắc gì

Được biết, năm 2003, khu đất do UBND xã quản lý đang giao khoán cho các hộ gia đình, chi hội ở thôn Giang Sơn trồng cây được tỉnh Thanh Hóa thu hồi để giao cho Công ty Xuất nhập khẩu Intimex thuê thực hiện dự án nuôi tôm công nghiệp năng suất cao,

Quá trình kiểm kê, áp giá bồi thường, đại diện công ty, UBND xã và ông Trần Văn Lanh đã ký hồ sơ bồi thường GPMB (trong đó tiền bồi thường đối với cây cối, hoa màu trên đất do ông Trần Văn Lanh ký tên). Ông Lanh sau khi nhận tiền bồi thường, đã bàn giao đất cho Công ty Intimex quản lý, thực hiện dự án và không có ý kiến thắc mắc gì.

Nhóm công nhân kéo lê những phụ nữ chỉ mặc áo ngực ra khỏi công trường.

Do Công ty Intimex nhiều năm không sử dụng nên năm 2011 đã thu hồi giao cho UBND xã Hoằng Trường quản lý.

Năm 2011, tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho Công ty TNHH Quốc Trí thực hiện dự án xây dựng khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Linh Trường tại khu đất trên.

Công ty Quốc Trí đã phối hợp với UBND xã Hoằng Trường thực hiện việc thỏa thuận với các hộ dân (trong đó có hộ ông Trần Văn Lanh) để tiến hành kiểm kê, bồi thường theo quy định.

Ông Trần Văn Lanh đã ký tên vào thỏa thuận bồi thường tài sản trên đất lập ngày 25/6/2011 và nhận số tiền 86.537.004 đồng do Công ty Quốc Trí chi trả. Về bồi thường tiền đất, Công ty TNHH Quốc Trí trả cho ngân sách xã.

Theo đó, khi thực hiện 2 dự án vào năm 2003 và 2011, 2 Công ty Intimex và Công ty Quốc Trí đã chi trả tiền bồi thường về đất cho ngân sách xã, chi trả tiền bồi thường về cây cối, hoa màu, tài sản gắn liền với đất cho ông Trần Văn Lanh.

Cả 2 lần, ông Trần Văn Lanh đã đồng ý, ký biên bản kiểm kê, áp giá, nhận tiền bồi thường về cây cối, hoa màu đầy đủ và cam kết di dời bàn giao mặt bằng. Từ khi nhận tiền của Công ty TNHH Quốc Trí (năm 2011) đến hết năm 2019 ông Lanh không có ý kiến gì về diện tích đất nói trên.

Nhiều lần ra phản đối và có xô xát với công nhân thi công

Đến đầu năm 2020, ông Lanh mới gửi đơn lên UBND huyện Hoằng Hóa và các ngành cấp tỉnh kiến nghị việc gia đình ông có hơn 2ha đất nằm trong dự án khu nghỉ dưỡng Linh Trường nhưng gia đình ông chỉ nhận được tiền đền bù tài sản trên đất mà không nhận được tiền đền bù đất.

Từ khi có kiến nghị, người thân trong gia đình ông Lanh đã nhiều lần ra công trường để phản đối công nhân thi công. Trong đó 2 lần gay gắt và gần nhất là ngày 17/2 và 18/2.

Ngày 17/2, người thân gia đình ông Lanh đã ra công trường và xô xát khiến một công nhân tại đây bị thương phải đi khâu hơn chục mũi.

Hình ảnh vết bầm tím sau khi xảy ra xô xát với công nhân được gia đình ông Lanh đăng lên mạng xã hội.

Ngày 18/2, khoảng 10 người thân gia đình ông Lanh ra công trường tiếp tục to tiếng phản đối thi công. Một nhóm khoảng 4 người phụ nữ trong gia đình ông Lanh cởi áo ngoài, chỉ mặc áo ngực đứng cãi nhau với công nhân. Nhóm công nhân đã dùng gậy cao su đánh vào chân, tay rồi kéo lê nhóm phụ nữ này ra khỏi công trường.

Sau vụ việc, một số người thân trong gia đình ông Lanh đã được đưa đến bệnh viện để thăm khám. Một người trong số đó hiện vẫn đang nằm tại bệnh viện để điều trị do có một số vết thương trên người sau vụ xô xát với nhóm công nhân nói trên.

Được biết, gia đình ông Lanh không đồng ý giải quyết của huyện Hoằng Hóa nên đã có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh. Hiện vụ việc đang được Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa thụ lý giải quyết và sẽ đưa ra xét xử trong ít ngày tới.

Tác giả: PV

Nguồn tin: doanhnghieptiepthi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok