Kinh tế

Nhóm lãnh đạo Ngân hàng MHB gây thiệt hại gần 300 tỉ

Theo kết luận điều tra, hành vi của bị can Huỳnh Nam Dũng - nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị MHB và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 300 tỉ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) và Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHBS).

Theo đó, đề nghị truy tố các ông: Huỳnh Nam Dũng - nguyên chủ tịch HĐQT MHB; Nguyễn Phước Hòa - nguyên tổng giám đốc; Bùi Thanh Hưng - nguyên phó tổng giám đốc; Nguyễn Văn Thanh - nguyên kế toán trưởng MHB; Lữ Thị Thanh Bình - nguyên tổng giám đốc MHBS và Đặng Văn Hòa - nguyên phó tổng giám đốc MHBS cùng 11 bị can khác.

Theo kết luận điều tra, MHB thành lập năm 1998, có vốn điều lệ hơn 3.300 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm hơn 91%.

Năm 2006, MHB thành lập MHBS do ông Huỳnh Nam Dũng và bà Lữ Thị Thanh Bình là lãnh đạo chủ chốt điều hành. Công ty này có vốn điều lệ 170 tỉ đồng (trong đó vốn của MHB chiếm 60%), thực hiện môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán...

Đến tháng 5-2015, MHB sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) nên BIDV trở thành cổ đông chính của MHBS.

Tháng 11-2010, bị can Dũng chỉ đạo ban kiểm toán nội bộ của MHB tiến hành kiểm toán tại MHBS và phát hiện kết quả kinh doanh của đơn vị này lỗ liên tiếp.

Năm 2008 MHBS thua lỗ hơn 36,6 tỉ đồng, năm 2009 thua lỗ hơn 41,5 tỉ đồng và 9 tháng đầu năm 2010 lỗ thuần từ hoạt động tự doanh gần 13 tỉ đồng.

Sau khi phát hiện thua lỗ, thay vì chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, ông Dũng đã cùng với ông Hòa và một số bị can là cổ đông của MHBS chuyển vốn vào công ty dưới hình thức hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Tiếp đó bị can Bình mang số tiền này đi gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại chính các chi nhánh của MHB nhằm hưởng chênh lệch lãi suất.

Ngoài ra nhóm bị can này còn sử dụng chính nguồn vốn của MHB tạm ứng tiền cho các công ty trung gian để thực hiện việc mua bán trái phiếu Chính phủ của MHB, sau đó bán lại cho Công ty MHBS để hưởng lợi.

Kết quả điều tra xác định chủ trương chuyển vốn của các bị can đã làm cho MHB bị thiệt hại số tiền gốc là 272 tỉ đồng.

Cơ quan công an cũng xác định trong quá trình kinh doanh chứng khoán của MHBS, các bị can đã sử dụng nhiều tài khoản đứng tên các cá nhân để làm tài khoản tự doanh của công ty.

MHBS đã sử dụng nguồn vốn của công ty giao dịch tự doanh trên các tài khoản này để kinh doanh chứng khoán với mục đích tận dụng việc mua bán chênh lệch trong ngày và giao dịch quay vòng giữa tài khoản tự doanh và tài khoản cá nhân để kiếm lời.

Hành vi này đã gây thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỉ đồng.

Theo kết luận điều tra, hành vi của bị can Huỳnh Nam Dũng và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 300 tỉ đồng.

Tác giả bài viết: THÂN HOÀNG

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok