Kinh tế

Nhóm 9X từ bỏ công sở về Tây Nguyên làm nông dân

Nhóm bạn trẻ tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên không chọn làm việc tại công sở mà quyết định khởi nghiệp với vườn rau sạch.

Bốn bạn trẻ, độ tuổi 23 đến 24, cùng nhau khởi nghiệp với vườn rau sạch, được trồng theo công nghệ tiên tiến tại Buôn Ky, phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Ý tưởng này xuất phát từ Đinh Huy Hoàng (tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học cây trồng, khoa Nông lâm, Đại học Tây Nguyên). Khi còn là sinh viên năm thứ hai, Hoàng đã bảo lưu kết quả học tập để lên đường đi Israel học hỏi nền nông nghiệp với kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới trong một năm.
Về nước hoàn tất chương trình học còn dở dang, đến tháng 10/2015, vì muốn ứng dụng những kiến thức đã học được và góp phần cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho mọi người, Hoàng chọn mảnh đất tại Buôn Ky làm nơi lập nghiệp. 9X sống một mình ở đây trong 12 tháng để cải tạo đất cho phù hợp trồng rau.
Lần lượt sau đó, các bạn H'Trinh Eban, Hồ Hữu Lân, Đinh Tuyết Mai (cũng là sinh viên vừa tốt nghiệp khoa Nông lâm, Đại học Tây Nguyên) quyết định cùng Hoàng xây dựng vườn rau sạch với quy trình khép kín.
Bốn người trẻ, không có nhiều vốn, ít kinh nghiệm, cùng nhau hợp sức xây dựng cơ sở hạ tầng của vườn rau: Từ làm luống, nhà ươm, nhà xưởng đến cả việc đóng bàn, ghế...
Điều mà các bạn có nhiều nhất chính là kiến thức học được từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, cùng kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến mà Hoàng học được ở Israel. Trong ảnh, các bạn áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt: Nước chỉ nhỏ ra từng giọt đúng chỗ cây trồng trên đường ống dẫn, nhờ đó, tiết kiệm đáng kể lượng nước sử dụng so với phương pháp tưới truyền thống.
Ngoài ra, các phương pháp trồng luân canh, xen canh, chọn các loại cây trồng hỗ trợ phát triển cho nhau cũng được áp dụng.
Để phòng trừ sâu và các loài sinh vật gây bệnh, nhóm bạn trồng xen kẽ với rau các loại cây có mùi hăng như sả, rau thơm, thì là, ngò, húng quế. Ngoài ra, nhóm 9X còn trồng các loại hoa, làm hàng rào cho cả khu bằng cây muồng hoa vàng, cách ly môi trường trong vườn với các tác động bên ngoài như thuốc trừ sâu, sinh vật gây bệnh.
Không dùng các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, các bạn trẻ nơi đây sử dụng loại hỗn hợp của tỏi, gừng, ớt, pha với rượu trắng để xịt vào cây. Hợp chất này tạo mùi hăng, chống sâu bệnh và cũng dễ bị rửa trôi, không ảnh hưởng sức khoẻ của người sử dụng rau, củ.
Nắm rõ đặc tính của từng loại cây, họ chọn thời điểm gieo trồng phù hợp khí hậu để tránh các loại sâu bệnh và đôi khi còn thu hoạch sớm, chấp nhận sản lượng thấp để tránh mùa dịch bệnh.
Ngoài trồng các loại thực vật, Hoàng còn có một góc nhỏ nuôi thỏ. Trong tương lai, chàng trai này hướng đến mô hình nuôi trồng cung cấp cả thịt - trứng - sữa - rau.
Một ngày làm việc của các bạn cũng kéo dài 8 tiếng, bao gồm trồng cây, chăm sóc, thu hoạch và rất nhiều những công việc không tên khác.
Đến giờ nghỉ trưa, nhóm bạn tự nấu ăn với nguồn thực phẩm từ chính vườn rau, củ sạch của mình...
... và cùng nhau thưởng thức thức ăn tươi ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Vài ngày trong tuần, các sinh viên Đại học Tây Nguyên sẽ đến vườn rau để phụ giúp công việc thu hoạch.
Công việc này vừa mang lại trải nghiệm thực tế, vừa có thu nhập, góp phần trang trải đời sống sinh viên khó khăn. Hoàng trả công cho các bạn từ 17.000 - 18.000 đồng/giờ làm việc.
Chia sẻ về những việc làm hiện tại, Hoàng trải lòng: "Có nhiều bạn trẻ như mình, chọn những nơi sạch sẽ như văn phòng, công ty ở thành phố để làm việc, để rồi hàng ngày đối diện bao nhiêu khói, bụi, kẹt xe, dẫn đến dễ cáu gắt và stress. Mình chọn nơi này để sống và làm việc, có thể lúc nào cũng lấm lem bùn đất nhưng lại là môi trường sạch sẽ, thoải mái thật sự. Dù còn nhiều khó khăn trong giai đoạn khởi nghiệp, mình tin tất cả mọi người cùng sẽ vượt qua, cung cấp nhiều sản phẩm sạch thật sự đến tay người tiêu dùng".

Tác giả bài viết: Liêu Lãm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok