Kinh tế

Nhìn lại năm 2020 của tứ đại doanh nhân tuổi Canh Tý

2020 là một năm khó khăn chung đối với nền kinh tế do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên, với bản lĩnh của người đứng đầu, tứ đại doanh nhân tuổi Canh Tý đã đưa doanh nghiệp của mình vượt qua cơn sóng dữ để tiếp tục phát triển.

Những người sinh năm Tý là người lạc quan, vui vẻ, không bị suy sụp cho dù gặp hoàn cảnh khó khăn nào và luôn đấu tranh cho cuộc sống của mình. Đồng thời, họ cũng rất nhạy cảm, có trực giác tốt và có trí tưởng tượng phong phú.

Nhờ sở hữu tính cách này nên khá nhiều người tuổi Tý thành công trên thương trường cho dù môi trường xung quanh đầy khó khăn, trong đó đặc biệt là tuổi Canh Tý 1960. Tại Việt Nam, tứ đại doanh nhân tuổi Canh Tý tiêu biểu bao gồm các ông Trần Bá Dương, Trần Kim Thành, Đặng Văn Thành và Dương Công Minh.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco. Ảnh Internet.


Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco

Trong danh sách những đại gia tuổi Tý, ông Trần Bá Dương sinh năm 1960 là cái tên nổi bật hơn cả.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa TP.HCM năm 1983, ông làm kỹ thuật viên xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ôtô Đồng Nai. Trải qua nhiều năm gắn bó trong lĩnh vực ôtô ở các vị trí khác nhau, năm 1997, ông thành lập Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco).

Chia sẻ về quãng đường phát triển với ngành ô tô - cơ khí, vị thuyền trưởng của Thaco từng tâm sự, “làm công nghiệp đòi hỏi phải có đủ ý chí để vạch ra chiến lược dài hơi, nuôi khát vọng ngay từ đầu. Với ngành công nghiệp ô tô, nguồn lực đổ vào cũng không nhỏ, nên phải tính toán dòng tiền, bởi nếu không bán được hàng, thì sản xuất ra làm gì, nhà máy làm gì còn giá trị nào”.

Sau khi đạt được thành công lớn, ông Dương nuôi nhiều tham vọng về một tập đoàn đa ngành và lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khi trở thành Chủ tịch CTCP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh vào năm 2013. Đến năm 2018, Thaco tiếp tục mở rộng quy mô trên mặt trận mới là nông nghiệp sạch phục vụ trong nước và xuất khẩu bằng việc đầu tư vào CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) của ông Đoàn Nguyên Đức và thành lập CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi.

Đến năm 2020, ông Trần Bá Dương còn gây bất ngờ khi gia nhập thị trường xe máy bằng việc thành lập Công ty TNHH Sản xuất Xe Mô tô Thaco với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng, trụ sở tại Khu công nghiệp Chu Lai Trường Hải, Quảng Nam.

Dưới sự dẫn dắt của thuyền trưởng Trần Bá Dương, Thaco đang vững bước trên con đường kinh doanh và định hướng phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành trong thời gian tới. Cũng trong năm 2020, Thaco còn phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 60 tháng (5 năm) để tiếp sức cho các mục tiêu của mình.

Về phần mình, trong năm vừa qua Chủ tịch Thaco đã được Ernst & Young trao giải "Doanh nhân xuất sắc ASEAN 2020" nhờ đóng góp lớn vào kinh tế và cộng đồng khu vực. Đặc biệt vào hồi tháng 4/2020 ông còn góp mặt trong danh sách tỷ phú 2020 của tạp chí Forbes với tài sản ước tính 1,5 tỷ USD.

Hiện ông Dương đang trực tiếp sở hữu 28 triệu cổ phiếu THA, tương đương 7,95% vốn điều lệ của Thaco. Tính tổng thể, thông qua các công ty như Trân Oanh và vợ là bà Viên Diệu Hoa, vợ chồng ông Dương nắm giữ khoảng 65% cổ phần Thaco.

Ông Trần Kim Thành. Ảnh Internet.


Ông Trần Kim Thành – Chủ tịch KIDO

Ông Trần Kim Thành sinh năm 1960, nguyên quán Trung Quốc, xuất thân từ gia đình có một tiệm bánh kẹo nhỏ.

Ông Thành kể, từ hồi 5 – 6 tuổi đã rất thích Einstein, Newton, ước mơ trở thành nhà khoa học chứ không phải doanh nhân. Lên đại học ông theo ngành vật lí, sau mới nghiên cứu kinh tế. Tuy nhiên, điều thúc đẩy người đàn ông này kinh doanh đó chính là luôn muốn thách thức, thử tài bản thân dù chưa biết chắc chắn sẽ làm gì.

Làm nên thương hiệu có độ phủ sóng khắp Việt Nam từ một tiệm bánh nhỏ tại Sài Gòn, tên tuổi của Tập đoàn KIDO (KDC) gắn liền với ông Trần Kim Thành. Bước sang tuổi lục tuần, con đường của doanh nhân gốc Hoa trong năm 2020 cũng đã tiếp tục mang tới những câu chuyện kinh doanh đầy thú vị khi đây được coi là năm tái cấu trúc và M&A quyết liệt của tập đoàn này.

Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, HĐQT công ty này đã thống nhất "tập hợp" tất cả các đơn vị độc lập hiện nay tại ngành hàng lạnh – Kido Foods (KDF) và mảng dầu gồm Vocarimex (VOC) và Dầu Thực vật Tường An (TAC) về Tập đoàn.

Cùng với đó, KIDO cũng tiến đến bắt tay với Vinamilk để tiến sâu hơn vào ngành tiêu dùng, mở rộng sang ngành nước giải khát (không gas), sữa… với thương hiệu Vibev. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chiến lược hợp nhất tập đoàn cùng cái bắt tay với Vinamilk được cho là bước đi cần thiết nhằm gia tăng thương hiệu, củng cố thế mạnh phân phối, đối tác (đặc biệt thị trường xuất khẩu), quy mô vốn, tài chính.

Mặt khác, KIDO cũng đã quay về mảng truyền thống bánh kẹo ngay trong quý 3/2020. Động thái này là khá bất ngờ bởi cách đây 5 năm, trong một thương vụ M&A gây chấn động cùng Mondelez, chính KIDO đã chủ động bán mảng kinh doanh cốt lõi của mình cho đối tác ngoại để thu về tổng cộng 9.846 tỷ đồng và tuyên bố tham gia vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu.

Dẫu vậy, 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với mọi ngành nghề do tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp. Ngay đầu năm, KIDO cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhưng nhờ nhanh chóng áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng sức mua, một số sản phẩm của thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu nên công ty vẫn có mức tăng trưởng khá tốt. Kết thúc năm 2020, doanh thu thuần và lãi sau thuế của KIDO lần lượt đạt 8.322 tỷ đồng và 330,7 tỷ đồng. Tổng tài sản ở mức 12.375 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong lễ công bố doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia tại Hà Nội ngày 25/11/2020, KIDO còn được vinh danh "Thương hiệu quốc gia năm 2020".

Về phần mình, trong năm 2020, ông Trần Kim Thành bất ngờ xin từ chức Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Long. Hiện tại, ông Thành đang đứng tên 0,01% cổ phần KIDO, tuy nhiên, 2 pháp nhân Công ty TNHH Đầu tư Kido và Công ty TNHH MTV PPK do doanh nhân này làm Chủ tịch đều là cổ đông lớn tại Tập đoàn KIDO khi nắm giữ tổng cộng 22,65% cổ phần.

Ông Dương Công Minh



Ông Dương Công Minh - Chủ tịch Sacombank

Ông Dương Công Minh, sinh năm 1960 tại Quế Võ (Bắc Ninh). Năm 1984, ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).

Vị doanh nhân gốc Bắc Ninh từ lâu được biết đến với biệt danh "Minh Him Lam". Trước đó, ông cũng từng có biệt danh "Minh Xoài", cái tên bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1990.

Đến tháng 6/2017, ông Dương Công Minh chính thức nhậm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thường Tín (Sacombank). Để bước chân vào Sacombank, ông Minh đã phải từ nhiệm chức vụ Chủ tịch LienVietPostBank. Đồng thời Tập đoàn Him Lam cũng buộc phải thoái toàn bộ phần vốn của mình tại LienVietPostBank để tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.

Là chủ của một tập đoàn địa ốc lớn, lại tham gia Sacombank vào đúng lúc ngân hàng ở tình trạng rối ren nhất, không ít người cho rằng ông Minh muốn nhắm đến khối tài sản bất động sản "khủng" của Sacombank.

Tuy nhiên, doanh nhân họ Dương nhiều lần khẳng định, bản thân ông cũng như Him Lam đã và sẽ không mua bất cứ một tài sản nào của Sacombank và không sử dụng vốn của nhà băng này.

Sau khi ông Dương Công Minh đảm nhiệm “ghế nóng” chủ tịch, Sacombank đã thực sự có những bước chuyển mình. Năm 2020, Sacombank lãi trước thuế hợp nhất 3.339 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối năm đạt 492.636 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm trước.

Năm 2020 cũng là ông Dương Công Minh chạm mốc 60 tuổi. Với một công chức, đây là độ tuổi có thể nghỉ ngơi, về vui vầy bên con cháu nhưng với một doanh nhân còn nhiều tham vọng và trăn trở như ông Minh, con đường phía trước hãy còn rất dài.

Ông Đặng Văn Thành. Ảnh Internet.


Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch TTC

Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960 trong một gia đình người Hoa, bố ông là đông y sĩ chuyên chữa trật tay, viêm khớp và không có gì liên quan đến kinh doanh, tuy nhiên bản thân ông lại rất đam mê ngành nghề này. Ông bắt đầu lăn lộn với nghề kinh doanh bằng việc bán mật rỉ đường vào cuối thập niên 1980 và sau đấy là sản xuất kinh doanh cồn, CO2 rồi cùng vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc lập nên Thành Thành Công.

Cho đến thời điểm hiện tại, Thành Thành Công đã phát triển thành một tập đoàn kinh tế "lão làng" tại thị trường Việt Nam, với 4 mảng chính là nông nghiệp, bất động sản, năng lượng và du lịch.

Như nhiều doanh nghiệp khác, TTC Group gặp không ít khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19, nhất là ngành du lịch và bất động sản. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng dịch bệnh khiến nền kinh tế đi xuống, nhưng các doanh nghiệp không nên quá bi quan để mất tinh thần, phải tranh thủ thời gian để cấu trúc lại đầu vào, mở rộng thêm các thị trường mới để chuẩn bị đón thời cơ mới.

Chính vì vậy, Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality) - Công ty thành viên của Tập đoàn Thành Thành Công đã tìm cách đẩy mạnh mảng F&B nhằm phần nào vãn hồi doanh thu từ việc các khách sạn - resort trong mảng lữ hành của họ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 bằng việc khai trương các xe bán Bánh mì Anh Mập vào tháng 5/2020. Bên cạnh đó, trong tháng 3/2020, ông Đặng Văn Thành cũng đã cho xuất khẩu và cung ứng cho nội địa khoảng 96.000 tấn đường và tháng 4 là 106.000 tấn.

Về phần mình, vào những ngày cuối của năm 2020, doanh nhân Đặng Văn Thành cho biết sẽ mua vào 11 triệu cổ phiếu GEG (tương đương 4,06% vốn điều lệ của Điện Gia Lai) trong thời gian tới, với lý do đầu tư dài hạn.

GEG hiện là đơn vị chủ lực trong mảng năng lượng của TTC, đơn vị này đã hoàn thành 11 nhà máy thủy điện và 4 nhà máy điện mặt trời. Bên cạnh đó, hiện Điện Gia Lai cũng đang triển khai dự án điện gió Ia Bang 1 (50 MW, được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020), đồng thời cụm dự án điện gió Tân Phú Đông (150 MW) mới được UBND tỉnh Tiền Giang cấp chủ trương đầu tư vào tháng 11/2020.

Trong năm vừa qua, công ty này đã lần đầu tiên đón nhận 2 Giải thưởng quan trọng tại Lễ Trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2020, gồm Giải Báo cáo Tiến bộ vượt trội - Hạng mục Báo cáo Phát triển Bền vững và Top 5 Doanh nghiệp Quản trị Công ty tốt nhất năm 2020.

Một điểm nhấn trong năm 2020 của doanh nhân Đặng Văn Thành cần phải kể đến là việc CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar, HoSE: SBT) đã ký kết hợp tác với 3 nhà đầu tư chiến lược là Cape Securities, Yeollim Partners và Core Trend Investment Co., Ltd (Hàn Quốc). Theo đó, các nhà đầu tư này đăng ký tham gia vào gói trái phiếu chuyển đổi 1.200 tỷ đồng mà Hội đồng quản trị SBT thông qua vào ngày 11/2/2020. Toàn bộ số tiền huy động sẽ được SBT sử dụng để tái cấu trúc nguồn vốn.

Ngoài ra, với mục đích đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh các sản phẩm chính từ mía đường, nhằm gia tăng hiệu quả đất canh tác, TTC Sugar trong tháng 3/2020 cũng đã bắt tay Dole Asia Holding trồng chuối Nam Mỹ tại nông trường Thành Long.

Tác giả: KHÁNH AN

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok