Giáo dục

Nhiều vi phạm trong tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục

Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện: Các quận, huyện, thị xã, TP ở một số địa phương nhiều năm không tổ chức tuyển dụng giáo viên (GV) mà ký hợp đồng lao động, đặc biệt có đơn vị ký hợp đồng GV, nhân viên thừa so với nhu cầu, có huyện thừa nhưng vẫn ký hợp đồng với số lượng lớn.

Nhiều tỉnh, TP trong thời gian dài không tuyển dụng viên chức giáo dục để bù đắp việc thiếu GV. Ảnh: HH

Giao biên chế hàng năm chậm

Thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tại 9 tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hải Dương, Đắk Lắk, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, TTCP chỉ rõ biên chế sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT còn nhiều hạn chế, khuyết điểm.

Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đến cuối năm 2015 - 2016, cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, giáo dục của các địa phương. Tuy nhiên, GV vẫn còn thiếu ở một số môn, đặc biệt là GV giáo dục mầm non, GV mỹ thuật, GV âm nhạc, GV kỹ thuật phục vụ vì những bộ môn này không có nguồn để tuyển dụng đủ theo nhu cầu.

Biên chế sự nghiệp GD&ĐT được giao thấp hơn hoặc bằng định mức quy định. Nhưng việc giao biên chế tại các tỉnh Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng hàng năm còn chậm, thường chậm hơn thời điểm vào năm học 1 học kỳ, vì vậy các đơn vị hành chính cấp dưới không chủ động được số lượng biên chế được giao để phân bổ cho các sở GD&ĐT.

Tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP đã ban hành công văn về định biên các chức danh trong tổ chức bộ máy các trường học có chứa các quy tắc xử sự chung, được áp dụng nhiều lần đối với một nhóm đối tượng và có hiệu lực trong phạm vi địa phương quy định một số chức danh trong tổ chức bộ máy và trường học vượt định biên hoặc không có trong định biên theo quy định của Bộ GD&ĐT, tuy đã được đình chỉ thi hành nhưng chưa kịp thời. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến còn có trường có số lượng cán bộ quản lý giáo dục (phó hiệu trưởng) vượt tiêu chuẩn, định mức quy định của Bộ GD&ĐT.

Ký hợp đồng vượt chỉ tiêu

Công tác tuyển dụng viên chức được thực hiện theo Nghị định 29 năm 2012 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của từng địa phương. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh TTCP phát hiện, nhiều địa phương đã vi phạm công tác tuyển dụng.

Chưa thẩm tra văn bằng, chứng chỉ người trúng tuyển

Việc thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ của người trúng tuyển cũng không được các địa phương thực hiện nghiêm túc.

Tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, trong các quyết định tuyển dụng không có nội dung phân công trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thẩm tra, xác minh văn bằng, chứng chỉ của người trúng tuyển, nên hầu hết công tác này chưa được thực hiện.

Tại TP Hà Nội, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Thanh Hóa trong thời gian dài không thực hiện việc tuyển dụng viên chức giáo dục để bù đắp việc thiếu GV theo nhu cầu thực tế dẫn tới các cơ sở giáo dục phải hợp đồng với số lượng lớn GV để giải quyết nhu cầu trước mắt, ảnh hưởng chất lượng dạy và học, quyền lợi và chính sách của GV, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học.

Cá biệt, tại Đắc Lắk phần lớn các khối huyện, thị xã TP chỉ tổ chức tuyển dụng viên chức vào năm 2013, còn liên tiếp trong các năm 2014, 2015, 2016 chưa tiến hành xây dựng phương án tuyển dụng để phục vụ nhu cầu dạy và học của đơn vị. Các đơn vị chủ yếu ký hợp đồng lao động với GV để đáp ứng nhu cầu dạy học. Tính đến tháng 3/2017, các huyện, thị, TP đã ký hơn 2.900 hợp đồng. Về cơ bản, số lượng hợp đồng đã ký nằm trong số lượng biên chế được giao. Riêng huyện Krông Pắk, đến thời điểm thanh tra ký 521 hợp đồng vượt chỉ tiêu biên chế giao.

Tại Thanh Hóa, việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ công chức, viên chức triệt để nhưng chưa gắn liền với việc tăng cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Giai đoạn trước năm 2016, công tác tuyển dụng, sử dụng viên chức, bổ nhiệm cán bộ quản lý, hợp đồng lao động tại các đơn vị cấp huyện còn nhiều bất cập, nhiều đơn vị cấp huyện để xảy ra sai phạm, dẫn đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh phải có hình thức xử lý kỷ luật một số cán bộ đứng đầu cấp huyện.

UBND tỉnh Bình Dương cũng thực hiện tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục chưa phù hợp với quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức. Trong số 245 giảng viên tuyển dụng của Đại học Thủ Dầu Một đến nay còn tới 102 giảng viên tuyển chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyển dụng viên chức thực hiện theo hình thức xét tuyển, thời gian xét tuyển trung bình là 5 tháng, tuy nhiên từ năm 2016 đến nay thực hiện theo hình thức thi tuyển thời gian thực hiện trung bình khoảng 8 - 10 tháng, do vậy mất nhiều thời gian, làm tăng chi phí, các trường chưa được bố trí đủ GV bị thiếu nhiều do chưa được bổ sung kịp thời ảnh hưởng đến chất lượng và việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy.

Đáng nói, tỉnh này còn ban hành công văn chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí viên chức làm công tác y tế, tài chính kế toán ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

TTCP đã chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm trong tuyển dụng viên chức tại các địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Hải Hà

Nguồn tin: Báo Thanh tra

  Từ khóa: Nhiều vi phạm , giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok