Kiến nghị lùi thời hạn 1 năm, triển khai từ năm học 2019-2020
Tại phần tham luận và thảo luận, đa phần lãnh đạo, đại diện Sở GD&ĐT các tỉnh kiến nghị “giãn” thời gian thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể 1 năm. Các địa phương lấy thời gian lùi hạn chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất để “chạy” chương trình đổi mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng: “Việc thực hiện chương trình mới cần chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ cán bộ nhân sự giáo dục cũng như cơ sở vật chất. Nếu Bộ triển khai đúng thời hạn (năm học 2018-2019) thì tỉnh sẽ gặp khó khăn". Theo đại diện này, việc lùi thời gian là cần thiết để các địa phương chuẩn bị. Thêm nữa, chất lượng giáo dục phổ thông chưa đến mức cấp bách đổi mới ngay. Do đó không cần quá gấp gáp, vội vàng thực hiện chương trình mới khi các điều kiện chưa chuẩn bị tốt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. |
Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, lộ trình chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT tổng thể thời gian qua đã được Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm túc bài bản. Xuất phát từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đại diện này cho rằng, chắc chắn các địa phương ở miền núi (điều kiện kinh tế đầu tư cơ sở vật chất giáo dục còn khó khăn, thiếu thốn) sẽ gặp khó nếu triển khai chương trình mới đúng thời hạn.
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho rằng, các tỉnh miền núi sẽ không thể chuẩn bị kịp các điều kiện nếu chương trình GDPT tổng thể triển khai đúng thời hạn. |
Ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đồng tình cao với tinh thần của chương trình GDPT tổng thể mới. Cụ thể, chương trình giáo dục mới khá hoàn chỉnh, dạy - học theo hướng tích hợp, lồng ghép, hướng nghiệp cao, chú trọng phát huy năng lực học sinh. Cơ cấu môn học, dung lương kiến thức có sự tính toàn phân bố phù hợp.
“Tuy nhiên, nếu có thể được đề nghị Bộ GD&ĐT kiến nghị với Chính phủ lùi thời gian thực hiện 1 năm. Tốt nhất là để năm 2019-2020 triển khai. Mục tiêu là để có khoảng thời gian vật chất cần thiết cho các Sở GD&ĐT bồi dưỡng cán bộ giáo viên”, đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế bày tỏ.
Theo ông Hùng, Thừa Thiên Huế hiện có 17 nghìn giáo viên, việc bồi dưỡng đội ngũ nhân lực trực tiếp triển khai chương trình mới cần có thời gian làm cẩn thận, không thể qua loa.
Làm thí điểm dần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Góp ý kiến tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho rằng, Bộ đã lấy ý kiến rộng rãi về chương trình GDPT tổng thể, tích cực lắng nghe tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội để có sự điều chỉnh hợp lý. Cơ sở pháp lý của chương trình đã đầy đủ, tuy nhiên, hiện nay trong xã hội đang có nhận thức đa chiều về chương trình. Cũng theo đại diện này, một chương trình mới không thể ban hành là chuẩn ngay được, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Yếu tố quyết định thực hiện thành công chương trình là sự đồng bộ về điều kiện. Từ nay đến khi triển khai chương trình mới đúng hạn còn 1 năm. Do vậy, khi các điều kiện chưa đồng bộ nhiều ý kiến cho rằng nên lùi thời gian thực hiện.
“Tỉnh Kiên Giang cũng băn khoăn, trăn trở về vấn đề này. Song chúng tôi cho rằng, chúng ta nên xem chương trình GDPT mới là khung (phần cứng), những nội dung cần hoàn thiện để thực hiện thành công là nội dung (phần mềm). Tôi cho rằng, từ năm 2018-2019, chúng ta nên tiến hành dần những nội dung như dạy thí điểm, đào tạo giáo viên, nhân rộng thí điểm. Bởi nhiều nội dung chúng ta phải làm nên e rằng làm một lúc không thể kham nổi và cũng không kịp”, vị này nêu kiến nghị.
Nên có chuẩn cơ sở vật chất đáp ứng chương trình mới phù hợp từng vùng. |
Đại diện tỉnh Vĩnh Long đề xuất Bộ GD&ĐT tập trung vào vấn đề truyền thông chương trình GDPT tổng thể mới và có hướng dẫn thực hiện cụ thể, chi tiết rõ ràng từng phần gửi tới các địa phương trên cả nước. Theo đại diện này, yếu tố cốt lõi để thực hiện thành công chương trình mới là giáo viên. Tuy nhiên hiện nay giáo viên đa phần chưa đáp ứng yêu cầu mới. Do vậy, Bộ GD&ĐT nên dành thời gian đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ đáp ứng chuẩn chương trình mới trực tiếp, không đào tạo qua hình thức gián tiếp.
“Đồng thời, một rào cản lớn của chương trình mới là cơ sở vật chất. Đối với các tỉnh, thành phố lớn có thể có khả năng bắt kịp và triển khai chương trình đúng thời hạn nhưng các vùng núi, biển và hải đảo thì không thể”.
Vị này kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ ngành đưa ra chuẩn cơ bản về điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng chương trình GDPT mới phù hợp với từng vùng/ từng địa phương ví dụ như miền núi phía Bắc, vùng hải đảo… Đại diện tỉnh Vĩnh Long mong rằng, Bộ sẽ có ưu tiên kinh phí xây dựng cơ sở vật chất đối với các vùng khó khăn, chưa thể xã hội hóa được. Ngoài ra, cũng nên giảm sĩ số học sinh trên lớp (xây dựng chuẩn về sĩ số lớp học hợp lý) để chương trình GDPT tổng thể mới được triển khai hiệu quả.
“Làm thật chậm, thật kỹ, thật trọn vẹn”
Phát biểu ý kiến đóng góp cho ngành Giáo dục, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội cũng lưu ý vấn đề triển khai chương trình GDPT mới.
“Chương trình Phổ thông quốc gia tích hợp theo hạn định sẽ được triển khai từ năm 2016. Quan điểm của Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên nhi đồng là làm sao có chương trình học tốt nhất cho các em. Một lần làm là một lần khó! Chúng ta phải chuẩn bị chương trình, phương pháp, thầy cô trọn vẹn. Một điều rất thử thách nữa là chuẩn bị điều kiện cơ sở. Có lẽ chúng ta phải xem xét rất kỹ điều này. Không thể tiếp tục triển khai để lại đổi mới và sửa. Chúng ta làm thật chậm thật kỹ, thật trọn vẹn.
Tôi luôn trăn trở suy nghĩ về những vùng sâu, vùng xa và các em dân tộc. Liệu ở đó có đủ điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng chương trình mới không và liệu học sinh miền núi sẽ học gì? Học sinh vùng cao có phải học đúng giống như miền xuôi không? Chúng ta không đặt các em thấp hơn học sinh đô thị, đồng bằng nhưng phải đặt chương trình phù hợp với các em”, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Tác giả: Lệ Thu
Nguồn tin: Báo Dân trí