Những phòng học này đều được xây dựng khá lâu ở những điểm khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hiện không đáp ứng yêu cầu dạy học.
Ông Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hướng Hóa, cho biết, những năm qua địa phương đã kêu gọi nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng trường học, xóa các điểm trường tạm, mượn và hỗ trợ dụng cụ học tập cho học sinh. Riêng trong năm 2017, từ nguồn vốn của Nhà nước và các tổ chức, huyện đã hoàn thành xây dựng 57 phòng học, với kinh phí hơn 32 tỷ đồng. Nhờ đó, đã góp phần đem lại diện mạo mới, tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi.
Mặc dù cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng hiện nay vẫn còn thiếu phòng học, phòng thực hành, phòng bộ môn và thiết bị phục vụ cho việc dạy học và giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Đức cho hay, tình hình thực tế hiện nay và lộ trình đến 2020, nhiều phòng học cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng do thời gian xây dựng đã quá lâu, một số trường thiếu phòng học phải mượn nhà cộng đồng của thôn (bản) để mở lớp dạy, số phòng học chưa đáp ứng được so với sự phát triển về số lượng học sinh.
Theo thống kê, hiện số phòng học tạm, mượn, phòng xuống cấp tại huyện Hướng Hóa là 93 phòng. Trong đó, cấp Mầm non có 28 phòng, Tiểu học 33 phòng và THCS là 5 phòng, cấp TH&THCS có 27 phòng.
Trong năm 2018, huyện sẽ triển khai xây dựng mới 71 phòng học, trong đó có 16 phòng học Mầm non và 55 phòng học Tiểu học tại các xã Tân Long, Ba Tầng, Húc, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lộc,… bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và địa phương đối ứng.
Tác giả: Đ. Đức
Nguồn tin: Báo Dân trí