Khoảng 1 tháng nay, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch. Một tuần trước Tết Kỷ Hợi 2019, nơi đây đã ghi nhận thai phụ cùng 2 thai nhi tử vong do suy hô hấp, viêm phổi nặng.
Chủ quan dễ tử vong
Theo PGS-TS Đào Xuân Cơ, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, trước đó, một thai phụ 31 tuổi quê Thanh Hóa được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai khi mang song thai 24 tuần tuổi. Thai phụ ban đầu có các triệu chứng cúm thông thường như sổ mũi, hắt hơi nhưng bệnh nhanh chóng chuyển nặng. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu, thở máy, thậm chí chạy cả tim, phổi nhân tạo ngoài cơ thể (ECMO) nhưng sau 2 tuần, tình trạng vẫn không tiến triển. Bệnh nhân cùng song thai đã không qua khỏi do virus cúm tấn công.
Vào thời điểm này tại bệnh viện có 2 nam bệnh nhân khác cùng nhiễm cúm A/H1N1 đang trong tình trạng nguy kịch. Trong đó có một bệnh nhân nam 64 tuổi (ở Hà Nội) có tiền sử cao huyết áp. Trước khi vào viện 6 ngày chỉ có biểu hiện sổ mũi, sốt, ho khan liên tục kèm theo tức ngực. Khi đi khám ở tuyến cơ sở, ông được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn dùng thuốc nhưng sức khỏe không cải thiện. Bệnh nhân nhập viện giáp Tết, khi đã khó thở do suy hô hấp, ý thức chậm.
Sau đó ít ngày, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nam bệnh nhân N.V.D (51 tuổi, ở Hà Nội) có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường nhập viện khi đã suy hô hấp. Gia đình cho biết có thể bệnh nhân bị lây bệnh từ người trong gia đình vì trước đó có vài người nhà bị cúm. "Cả hai bệnh nhân này dù được điều trị tích cực nhưng tiên lượng khó qua khỏi" - PGS-TS Đào Xuân Cơ nói.
Cũng trong Tết nguyên đán vừa qua, đã có 2 bệnh nhân cúm tại Bệnh viện Bạch Mai bị nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm (A/H5N1) do tình trạng viêm phổi rất nặng. Triệu chứng của những bệnh nhân này khá giống với bệnh cúm gia cầm nguy hiểm. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 và đồng nhiễm cúm B - chủng cúm mùa.
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: HẢI ANH |
"Hắt xì" là ra mầm bệnh
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cúm A/H1N1 thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông - xuân. Khác với cúm mùa thông thường chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Chủng virus này tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như bàn ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và sống được 5 phút trong lòng bàn tay. Không những thế, virus này có thể "sống khỏe" trong môi trường nước 22 độ C tới 4 ngày và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Do đó, các hồ bơi là môi trường lý tưởng cho virus phát triển.
PGS-TS Đào Xuân Cơ cho biết phần lớn người nhiễm cúm A/H1N1 sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày điều trị thông thường, tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng. Đặc biệt, nguy cơ tử vong cao nhất trên các bệnh nhân tiền sử bệnh lý nền, các bệnh mạn tính gây suy giảm sức đề kháng như: suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ...
Các chuyên gia lưu ý cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng... "Nhiều người bị cúm khi "hắt xì" không ý thức che tay, trong khi đó một lần "hắt xì" rất nhiều giọt nước bọt li ti chứa virus cúm bắn ra ngoài, lây bệnh cho những người xung quanh. Ngoài ra, nhiều người đã che miệng khi hắt hơi, ho nhưng lại quên rửa tay nên bàn tay vẫn có nguy cơ gây bệnh khi cầm nắm các vật dụng dùng chung (nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại bàn…), khi người khác chạm vào, dụi tay lên mũi miệng cũng có thể lây bệnh" - ông Phu lưu ý.
Bệnh cúm A/H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm. Thế nhưng, người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh.
Lo dịch bệnh bùng phát mùa lễ hội Theo Bộ Y tế, dịp Tết nguyên đán, cả nước ghi nhận hơn 550 trường hợp mắc tay chân miệng, số ca mắc rải rác chủ yếu tại một số tỉnh phía Nam. Cùng với đó, ghi nhận thêm gần 2.700 ca bệnh sốt xuất huyết, 1 ca tử vong tại Bà Rịa - Vũng Tàu. So với tuần trước Tết, số mắc giảm hơn 40%. Ngoài ra, cả nước cũng ghi nhận gần 700 ca bệnh sốt phát ban nghi sởi rải rác tại các tỉnh, thành phố chủ yếu ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Theo các chuyên gia dịch tễ, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh đường hô hấp và tiêu hóa phát triển, nhất là trong dịp lễ hội đầu năm. |
Tác giả: Ngọc Dung
Nguồn tin: Báo Người lao động