Năm học 2024-2025 mới diễn ra chưa lâu, nhưng tại Thanh Hóa có tình trạng học sinh (HS) xin chuyển trường đang diễn ra nhiều nơi. Hầu hết các trường hợp chuyển đều không chính đáng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thậm chí có HS điểm đầu vào thấp hơn điểm của trường chuyển tới gây bức xúc trong dư luận.
Trường THPT Đào Duy Từ, nơi có nhiều học sinh lớp 10 chuyển trường khi năm học mới vừa bắt đầu chưa lâu. Ảnh: Tuấn Minh |
Từ trượt thành đậu
Tại tỉnh Thanh Hóa, ngoài Trường THPT chuyên Lam Sơn, các trường đóng trên địa bàn TP Thanh Hóa như: Trường THPT Đào Duy Từ, Trường THPT Hàm Rồng, Trường THPT Nguyễn Trãi được xem là những trường chất lượng tốt. Đây là những trường có chất lượng đào tạo tốt, điểm thi tuyển đầu vào luôn rất cao nên HS phải có học lực khá, giỏi mới cạnh tranh được vào những trường này.
Thế nhưng, mới bước vào năm học mới, những trường trên đã có hàng chục HS chuyển về. Cụ thể, Trường THPT Hàm Rồng có 11 HS lớp 10 được chuyển về, Trường THPT Nguyễn Trãi có 7 HS lớp 10, Trường THPT Đào Duy Từ có 7 HS. Chưa kể, các khối 11 và 12 còn có hàng chục HS được các trường này tiếp nhận. Các HS xin về thường ở các trường ven TP Thanh Hóa đóng tại huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn… hay ngay chính ở những trường trên chuyển qua lại.
Hầu hết những HS vừa trúng tuyển vào các trường đã đăng ký thi tuyển hoặc xét tuyển nguyện vọng 2 năm học 2024-2025, nhưng vừa nhập học đã có đơn xin chuyển về các trường chất lượng tốt trên. Điều này khiến nhiều phụ huynh bức xúc, cho rằng việc chuyển trường tạo "kẽ hở" để cho một số phụ huynh cho con thi ở những nơi có điểm đầu vào thấp, sau đó làm đơn xin chuyển con về những trường có điểm đầu vào cao, chất lượng tốt mà không cần phải cạnh tranh thi đầu vào.
Trường hợp HS này, nhà ở rất gần cả ngôi trường đến và đi, không có lý do đặc biệt nhưng vẫn được đồng ý cho chuyển trường. Ảnh: Tuấn Minh |
Điều này thể hiện rõ qua các trường hợp HS như: P.T.K.M. chuyển từ Trường THPT Tô Hiến Thành về Trường THPT Nguyễn Trãi chỉ đạt số điểm đầu vào 29,3, trong khi trường này có điểm chuẩn là 31,7; N.L.N.A. trúng tuyển vào Trường THPT Đông Sơn 2 (huyện Đông Sơn) là 29,8 điểm; N.T.M.A. điểm trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Mộng Tuân (huyện Đông Sơn) là 31,6, cả hai được chuyển về Trường THPT Đào Duy Từ, trong khi điểm chuẩn trường này là 32,9; N.H.H. trúng tuyển Trường THPT Nguyễn Mộng Tuân với số điểm 32, nhưng vẫn được chuyển về Trường THPT Hàm Rồng, ngôi trường có điểm chuẩn lên đến 35,8...
Đáng chú ý, có 3 HS thi trượt đầu vào Trường THPT Hàm Rồng năm học 2024-2025 (điểm đầu vào trường này là 35,8), nhưng hiện nay cả 3 HS trên đã trở lại ngôi trường mình thi trượt trước đó để học tập, sau khi có chữ ký "nháy" của lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho chuyển trường.
Cụ thể, các HS: N.T.L. khi thi vào Trường THPT Hàm Rồng đạt số điểm 34,8; L.S.V.D. đạt 33 điểm; L.B.C. đạt 34,5 điểm. Sau khi trượt vào Trường THPT Hàm Rồng, 3 HS trên xét tuyển nguyện vọng 2 đậu vào Trường THPT Nguyễn Trãi (em L.B.C) và Trường THPT Tô Hiến Thành (em N.T.L. và L.S.V.D).
Trường THPT Hàm Rồng, nơi có 3 HS thi trượt đầu vào trước đó, nhưng hiện 3 HS này đã quay lại trường để học tập khi được cho chuyển trường. Ảnh: Tuấn Minh |
"Đá bóng" trách nhiệm lên sở
Theo ghi nhận, đa số hồ sơ xin chuyển trường của HS đều thể hiện nơi cư trú, quá trình học tập từ Tiểu học lên THCS đều ở TP Thanh Hóa; bố mẹ công tác trên cùng địa bàn cư trú; đơn trình bày nguyện vọng chuyển trường đều với mong muốn được về gần nhà để thuận tiện đi lại, không có bất cứ lý do đặc biệt nào được quy định tại Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 3-8-2022.
Ông Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng, thừa nhận nhà trường có hàng chục HS chuyển về so với số HS khi mới trúng tuyển đầu vào. Cụ thể, năm học 2024-2025, Trường THPT Hàm Rồng khối 10 đã tăng lên 11 HS, khối 11 tăng 18 HS và khối 12 tăng 37 HS. "Tất cả các HS khi chuyển về trường đều phải qua Sở GD-ĐT và được ban giám đốc sở ký nháy mới chuyển được"- ông Dương khẳng định.
Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng cũng lý giải rằng hầu hết những trường hợp xin chuyển về có "mối quan hệ" với cấp trên, không cho cũng không được. Về trường hợp 3 HS thi trượt đầu vào, nhưng sau đó vẫn xin vào trường để học, ông Dương không trả lời cụ thể mà kêu khó, vì có những "mối quan hệ" này, kia.
Đây là trường hợp HS thi trượt đầu vào Trường THPT Hàm Rồng, trúng tuyển nguyện vọng 2 Trường THPT Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, năm học mới chưa bắt đầu, gia đình này đã làm đơn xin chuyển trường cho con (đơn đề ngày 16-8-2024) và đã được đồng ý |
Cũng như Hiệu trưởng THPT Hàm Rồng, ông Chu Hồng Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, và ông Nguyễn Anh Thế, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, đều khẳng định việc chuyển trường dù nơi đến, nơi đi đồng ý nhưng phải được lãnh đạo Sở GD-ĐT cho phép HS mới chuyển được.
Ông Chu Hồng Văn cũng cho biết mỗi một khóa 3 năm liên tục, HS chuyển về Trường THPT Đào Duy Từ tăng lên khoảng 1 lớp (40-50 HS). "Bây giờ còn đỡ, chứ mấy năm trước mới đầu năm, lớp 10 đã có cả trăm HS chuyển về, còn bây giờ rải rác 3 năm, mỗi năm có đôi chục. Việc này cũng là bình thường"- ông Văn cho hay.
Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ quả quyết năm học 2024-2025, nhà trường mới tiếp nhận có 3 HS lớp 10 ở nơi khác chuyển tới. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên từ một số Trường THPT, con số chuyển tới Trường THPT Đào Duy Từ nhiều gấp đôi con số 3. Về việc này ông Văn nói có thể chưa nắm hết, sẽ kiểm tra lại.
Giấy giới thiệu do Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa ký gửi nhà trường |
Quá trình tìm hiểu việc chuyển trường, phóng viên nhận thấy, một số trường hợp do đích thân ông Tạ Hồng Lựu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, có giấy giới thiệu xuống các trường, còn lại hầu hết những lá đơn xin chuyển chỉ có chữ ký nháy (không ghi tên người ký). Các hiệu trưởng nhà trường đều khẳng định nhìn vào chữ ký là họ biết của Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Tại mục 1, Điều 4, Chương II, Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BGDĐT được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 3-8-2022, quy định về thủ tục, điều kiện chuyển trường nêu rõ: HS chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ; HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc có lý do thực sự chính đáng để phải chuyển trường. |
Tác giả: Tuấn Minh
Nguồn tin: Báo Người lao động