Giáo dục

Nhiều giáo viên tiếp tục tố bị lừa tiền “chạy việc”

Nghe quảng bá rằng sẽ chắc chắn lo được vào biên chế giáo viên khi đưa trên 100 triệu đồng, không ít giáo viên mới ra trường đã chạy vay mượn khắp nơi để đưa tiền hòng kiếm công việc ổng định nhưng đã sớm bị vỡ mộng.

Anh Vi Văn Hiếu (27 tuổi, ngụ xã Ea Yông, Krông Pắk, Đắk Lắk) vừa có đơn tố cáo bị lừa tiền xin việc kèm bằng chứng (ghi âm và clip việc đòi lại tiền) gửi đến cơ quan chức năng.


Trường Tiểu học Phan Bội Châu nơi các giáo viên hợp đồng từng công tác

Trường Tiểu học Phan Bội Châu nơi các giáo viên hợp đồng từng công tác

Theo phản ánh của anh Hiếu, vào năm 2015 anh tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk và chưa xin được việc làm. Sau đó, trong một lần dự đám cưới nhà họ hàng, anh tình cờ quen biết được bà Nguyễn Thị K. (giáo viên tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) và được bà cho biết sẽ “lo” được việc làm, lo vào biên chế cho anh.

Ngày 5/6/2015, bà K. trực tiếp đến nhà anh Hiếu đặt vấn đề “chạy việc” và cho biết gia đình anh phải đưa 130 triệu đồng (chia làm 2 lần), lần đầu 70 triệu đồng và lần thứ hai khi có quyết định hợp đồng của huyện sẽ đưa nốt 60 triệu đồng còn lại.

“Vào tháng 12, tôi có quyết định hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của UBND huyện về dạy trường Tiểu học Phan Bội Châu - xã Vụ Bổn và giao đủ cho bà K. 130 triệu đồng. Lúc nhận tiền, bà K. hứa sẽ lo cho tôi được vào thẳng biên chế, nếu không thực hiện sẽ hoàn trả lại tiền”, anh Hiếu cho hay.

Sau đó, anh Hiếu đi dạy tại trường Tiểu học Phan Bội Châu với mức lương khoảng 900 ngàn đồng/tháng (đã trừ bảo hiểm) và nghỉ hè không được nhận lương. Tới kỳ nghỉ hè năm 2017, anh Hiếu không được nhà trường gọi xuống dạy cho tới tháng 11/2017, Hiệu trưởng nhà trường đã gọi anh về trường ký lại hợp đồng với mức lương chỉ 500 ngàn đồng/ tháng.

“Mức lương họ đưa ra quá thấp không đủ xăng xe tôi đi dạy mỗi ngày hơn 60km nên tôi không đồng ý ký hợp đồng. Tôi chủ động đòi lại tiền từ bà K. nhưng bà K. hết lần này đến lần nọ chây ì không chịu trả cứ bảo đưa người này, người kia nên tôi đã bí mật quay lại clip để làm bằng chứng tố cáo”, anh Hiếu nói.

Cũng theo anh Hiếu, để có được 130 triệu đồng, bố mẹ anh đã phải mang sổ đỏ vào thế chấp ở ngân hàng để có được nhưng lại bị lừa lọc nên rất mong cơ quan chức năng vào cuộc giúp gia đình đòi lại được số tiền trên để trả nợ.

Chị Vân kể lại việc bị lừa tiền với PV
Chị Vân kể lại việc bị lừa tiền với PV

Tương tự anh Hiếu, trường hợp của chị Hoàng Thị Yến Vân (29 tuổi) và chị Bế Thị Thu (30 tuổi, cùng ngụ xã Ea Yông) cũng tố bị bà K. và bà Trần Thị Đ. (nguyên Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học xã Vụ Bổn - đã nghỉ hưu) nhận cả trăm triệu đồng để xin vào biên chế nhưng đã không thực hiện và cũng không hoàn trả lại tiền.

Gia đình chị Vân đã đưa 120 triệu đồng cho bà K. và bà Đ. còn gia đình chị Thu cũng đã đưa 135 triệu đồng cho hai bà này vì lời hứa lương 6 - 7 triệu đồng/tháng cho tới khi vào biên chế. Sau đó, cả 2 cô đều được nhận hợp đồng về dạy tại trường Tiểu học Phan Bội Châu. Tuy nhiên, khi đi dạy cô chỉ nhận được khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Đến cuối năm 2017, trường gọi cả 2 cô về ký lại hợp đồng cũng với mức 500 ngàn đồng/tháng nên các cô xin nghỉ.

“Con đường đến trường dạy rất khổ sở, nắng thì bụi bẩn, mưa thì lầy lội. Để đến trường tôi phải đi khoảng 2 giờ đồng hồ mới đến được vậy mà chỉ trả 500 ngàn đồng thì đến xăng xe còn không đủ huống hồ ăn uống, điều này không thể chấp nhận được. Có nhiều khi đi trên đường tôi khát nước lắm cũng chẳng dám ghé vào quán uống vì tiền lương quá bèo bọt!”, chị Vân chua chát nói.

Cũng theo phản ánh khi bà K. và bà Đ. nhận tiền có ghi lại cho gia đình chị Vân và chị Thu một tờ “Giấy vay tiền” nhưng khi chị có quyết định hợp đồng thì họ đã xé bỏ tờ giấy này và ghi lại cho chị tờ “Giấy cam đoan”. Trong đó, bà Đ. có ghi rõ “Từ nay đến khi cháu Thu đi làm vào biên chế sẽ không thu tiền thêm”.

Thừa nhận chỉ lấy mỗi tiền xăng xe?

Trong đoạn clip anh Hiếu cung cấp cho báo chí có đoạn trò chuyện giữa anh Hiếu, chị Vân đang đòi lại tiền từ bà K. Trong đó, anh Hiếu nhiều lần nhắc tới việc bà K. đã nhận 130 triệu đồng để nhận xin việc thì bà K. trả lời “Công nhận, hôm đấy là bố của em (Hiếu - PV) vẫn chưa tin tưởng cô Đ. nên không dám giao tiền. Chỉ tin tưởng, giao tiền cho cô. Sau đó, cô cầm tiền về giao cho cô Đ.” Bên cạnh đó, còn rất nhiều nội dung xoay quanh việc đòi lại tiền giữa hai bên.


“Giấy cam đoan” không thu tiền cho đến khi vào biên chế.

“Giấy cam đoan” không thu tiền cho đến khi vào biên chế.

Khi PV liên hệ cùng bà K. thì được bà này phủ nhận hoàn toàn việc nhận tiền và cho rằng chỉ giới thiệu bà Đ. còn hai bên làm việc thế nào thì không biết. “Tất cả lời khai, tôi đã trả lời với phòng giáo dục, muốn biết gì thì lên phòng giáo dục lấy thông tin”, bà K. nhấn mạnh.

Trực tiếp đến nhà của bà Đ. thì được bà cho rằng không nhận của anh Hiếu đồng nào cả, cũng không xin việc cho ai. Còn giấy cam đoan, bà Đ. thừa nhận chữ ký trong đó là của bà, “Tôi có ký cam đoan với cô K. và người nhà cô K. là xin cho vào biên chế không mất tiền, còn mất tiền là tôi không giám làm. Không ai cho phép xin việc là mất tiền, đút lót hối lộ cả. Do tôi không nắm luật nên mới ký”, Đ. cho hay.

Khi PV thắc mắc trong “Giấy cam đoan” có ghi “không thu thêm tiền” thì bà Đ. phân trần rằng có nhận vài đồng đi xăng xe, uống nước.. còn việc nhận bao nhiêu thì bà Đ. từ chối bảo không biết vì họ đưa cho bà K.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Vinh - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk, cho biết: Phòng có nhận được phản ảnh của anh Vi Văn Hiếu về việc bà Nguyễn Thị K. có mượn tiền nên đang giao cho nhà trường nơi bà K. công tác sớm báo cáo lại sự việc này lên Phòng.

Trước đó, vào ngày 28/3, cơ quan Công an huyện Krông Pắk đã tiến hành bắt giam ông Huỳnh Bê - Hiệu trưởng trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn) về hành vi nhận 300 triệu đồng tiền chạy việc của giáo viên.

Tác giả: Thúy Diễm

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok