Hiện tại, ở Việt Nam, Facebook là mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn nhất trong nước với số tài khoản ước tính đến thời điểm hiện tại đã đạt con số hơn 50 triệu.
Thời gian gần đây, người dùng facebook Việt Nam liên tục "sững sờ" chứng kiến cảnh hàng loạt fanpage "khủng", có hàng trăm nghìn tới hàng triệu lượt thích (Like), bỗng "mất hút" một cách khó hiểu. Không ít người tiếc nuối vì điều này. Bởi lẽ, những Fanpage đó không chỉ là kênh giao tiếp quen thuộc của họ với mạng xã hội mà còn là nguồn cung cấp kiến thức, thông tin bổ ích về lĩnh vực họ đang quan tâm.
Việc Facebook bỗng nhiên “đóng cửa” hàng loạt fanpage như thế trong đó có nhiều trang lớn và đang chạy quảng cáo còn khiến cho nhiều doanh nghiệp điêu đứng, nhất là những agency làm dịch vụ social marketing.
Phải kể tới ở đây là những cái tên fanpage như: “Chip Đường Phố”, “Kenny Sang”, “Câu Chuyện Cuộc Sống”, “Góc Ẩm Thực”, “Viet Designer”, “Truyện Tranh Nhảm Nhí”, “WeLax”…
Thế nhưng, nhiều người bị bất ngờ nữa khi ngay cả Fanpage của ứng dụng tìm hàng quán hàng đầu như Foody.vn với hơn 3 triệu like cũng đã bị khóa. Dù sau đó 1 ngày, Foody.vn hay Xem.vn với 1,8 triệu người theo dõi, Lil Shady cùng 4,7 triệu người theo dõi... "đột nhiên" mở lại nhưng vẫn gây khó hiểu cho người dùng.
Không ít lần nhiều Fanpage lớn của Facebook ở Việt Nam bất ngờ bị đóng cửa khó hiểu? |
Một số facebook cá nhân cũng chung cảnh ngộ khi trang của họ bị khóa trong một thời gian ngắn.
Lê Thị Hường (Thanh Hóa, Hà Nội) đăng tải 1 video liên quan đến trẻ em vào một fanpage lớn cách đây chừng 3 – 4 tháng. Chỉ 1 thời gian ngắn sau đó, facebook của Hường bị tạm khóa trong vài ba ngày.
Hay như Trần Linh, chủ 1 Fanpage liên quan tới lĩnh vực may mặc. Lượng like tăng nhanh chóng mặt nhưng đồng nghĩa với việc, trang của Linh liên tục đối diện với việc có thể bị facebook đóng cửa bất cứ lúc nào. Lo sợ bị đánh sập như nhiều fanpage khác nên Linh phải tạm thời tự khóa trang của mình trong sự tiếc nuối của chính bản thân cô và nhiều người dùng khác.
Đến thời điểm hiện nay, cũng như mọi lần “trảm” trước đây, Facebook không đưa ra cảnh báo trước hay có bất cứ giải thích gì cụ thể cho các chủ fanpage trong nước. Và lý do duy nhất mà cá nhân hay admin của các Fanpage trên nhận được từ facebook trước khi bị khóa là “Vi phạm điều khoản”. Trần Linh hay Lê Thị Hường cũng "thú nhận", việc đăng tải video hay hình ảnh của họ đã vi phạm bản quyền. Thậm chí có người còn nhận định, việc bị “trảm” như trên, có thể do họ đăng tin giả mạo (Fake news) và đã bị cảnh báo nhiều lần, hoặc có thể các trang này không chấp hành nghiêm chỉnh việc thanh toán khi chạy quảng cáo nên bị nên bị "report."
Việc Facebook “mạnh tay” với người dùng Việt tạo ra hai luồng ý kiến. Có Facebooker cho rằng, lẽ ra Facebook nên làm điều này từ lâu rồi. Bởi lẽ, người dùng có thể thấy tình trạng sao chép nội dung trên các mạng xã hội quá phổ biến. Nhiều hình ảnh và thước phim là "kết tinh" của bao nhiêu chất xám người làm ra cũng mặc nhiên bị sử dụng như là “đồ chùa”, đồ công cộng. Chưa kể đến tình trạng câu view, thu hút sự chú ý bởi những nội dung mang tính xuyên tạc, không đúng sự thật.
Tuy nhiên cũng không ít người băn khoăn, việc Facebook “trảm” như thế có hơi mạnh tay và có chăng Facebook nên có những thông báo hoặc giải thích rõ ràng về nguyên nhân trước khi đưa ra hình thức phạt nặng ấy?
Được biết, đây không phải lần đầu tiên, người dùng Facebook Việt Nam chứng kiến những đợt “trảm” lớn đến như vậy. Theo thống kê, ngay từ đầu năm 2014, giữa năm 2015 và gần đây nhất là đầu năm 2017, hiện tượng tương tự cũng đã từng xảy ra.
Hiện tại, phóng viên báo Người Đưa Tin đã liên hệ với luật sư, các chuyên gia... để cùng tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này.
Tác giả: Nguyễn Huệ - Công Luân
Nguồn tin: Báo Người đưa tin