Trong tỉnh

Nhiều dự án thuỷ điện ở Thanh Hoá: Chưa tính sinh kế cho dân

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá mới có 6 dự án trong tổng số 22 dự án thuỷ điện được quy hoạch đã đi vào vận hành. Song những hệ luỵ, bất cập xung quanh những công trình này đang khiến cuộc sống của người dân vùng quy hoạch phải đối diện với nhiều khó khăn. Các dự án chưa tính hết yếu tố sinh kế bền vững, chưa quan tâm nhiều đến phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.

Công trình thuỷ điện Cẩm Thuỷ

Công trình thuỷ điện Cẩm Thuỷ I tích nước mới đây cũng gây ra những hệ luỵ dẫn tới phản ứng trong nhân dân và doanh nghiệp.

Di dời dân lên... núi

Theo báo cáo của tỉnh Thanh Hoá, hiện trên địa bàn có hai quy hoạch thuỷ điện với 22 dự án do Bộ Công thương phê duyệt, gồm: Thuỷ điện bậc thang sông Mã và quy hoạch thuỷ điện nhỏ có tổng công suất 832MW. Riêng trên sông Mã có 7 dự án, sông Chu có 4 dự án, các dự án còn lại nằm rải rác trên các sông Lò, sông Luồng, sông Âm, sông Khao...

Đến nay đã có 13 dự án triển khai đầu tư, trong đó có 6 dự án hoàn thành phát điện, 7 dự án đang xây dựng, 9 dự án đang lập hồ sơ trình xem xét chấp thuận. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng đã thu hồi và bồi thường là 1.849ha, 930 hộ dân phải di chuyển tới nơi ở mới, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu vùng xa.

Song ngoài những ưu điểm, các dự án thuỷ điện cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác quy hoạch các khu, điểm tái định cư chưa tính hết các yếu tố sinh kế bền vững. Chủ đầu tư chưa quan tâm nhiều đến phong tục, tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số. Có nơi quy hoạch chưa hợp lý, bố trí nơi ở cho người dân di dời lên... đỉnh núi, mặt bằng không đều, xa nơi canh tác, thiếu nguồn nước sinh hoạt, chất lượng đất kém, nguy có sạt lở cao như điểm tái định cư Keo Đắm, huyện Quan Hóa; bản Lìn, huyện Mường Lát.

Việc lựa chọn khu vực bố trí khu, điểm tái định cư ở một số nơi chưa phù hợp; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Không những thế, tiến độ xây dựng một số điểm tái định cư quá chậm như: Thuỷ điện Hồi Xuân, triển khai xây dựng gần 10 năm nhưng đến nay chưa bàn giao được mặt bằng khu tái định cư bản Sa Lắng. Một số công trình đầu tư không được khảo sát, thiết kế phù hợp với địa hình, địa chất, giám sát thiếu chặt chẽ nên chất lượng, hiệu quả thấp, gây bức xúc trong nhân dân. Công trình nước sinh hoạt ở bản Nàng 1, xã Mường Lý; bản Po Cùng, Kéo Đắm, xã Trung Sơn do ống kẽm nhỏ, hoen gỉ, thiết kế kỹ thuật không phù hợp.

Ông Lâu Nọ Hơ, bản Nàng, xã Mường Lý than thở: “Gia đình tôi là một trong nhiều hộ ở cuối nguồn nên không có nước dùng, rất vất vả”.

Về quy hoạch, xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số như nhà ở của dân cư đô thị, không phù hợp với phong tục, tập quán; đất đai cằn cỗi, độ dốc lớn; thiếu đất canh tác và nước tưới nên việc tổ chức sản xuất và đảm bảo vệ sinh môi trường rất khó khăn.

Nghiêm trọng hơn, tại báo cáo số 735/BC-HĐND ngày 4/12/2018 do ông Nguyễn Văn Thành- Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh ký cũng đã thẳng thắn chỉ ra: Việc khảo sát, đánh giá mức độ, phạm vi ảnh hưởng của một dự án thuỷ điện chưa chính xác, đề xuất quy hoạch, bố trí dân cư chưa phù hợp, thiếu tính bền vững. Một số hộ dân nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của dự án được duyệt nhưng khi xây dựng công trình và tích nước vẫn bị ngập như ở thôn Chiềng Ai, xã Hạ Trung, huyện Bá Thước. Đa số các công trình xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy chế quản lý, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh môi trường kém nên nhanh hư hỏng, xuống cấp, nhất là các công trình thuỷ lợi, giao thông và nước sinh hoạt.

dự án thuỷ điện Trung Sơn

Một hạng mục công trình tại dự án thuỷ điện Trung Sơn bị sụt lở trong đợt mưa lũ đầu tháng 9/2018.

Mỗi dự án đền bù một kiểu

Bên cạnh những hạn chế nói trên, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng còn thiếu sót. Có một số nơi để xảy ra sai sót trong quá trình kiểm đếm, đánh giá mức độ thiệt hại bồi thường như ở huyện Mường Lát. Chưa bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân mất đất sản xuất nông nghiệp theo quy định. Việc chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng và kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ cho dân còn chậm, hiện vẫn còn 167 hộ dân thuộc vùng ảnh hưởng bởi dự án thuỷ điện Hồi Xuân chưa được nhận tiền bồi thường.

Điều đáng nói nữa, việc thực hiện chính sách đền bù mới chỉ tính đến thiệt hại trực tiếp, chưa tính đến thiệt hại gián tiếp cho người dân. Có việc, trong cùng một huyện nhưng mỗi dự án di dân tái định cư thực hiện một chế độ, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khác nhau, có sự thiếu công bằng, gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Thành- Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hoá cho biết: Tỉnh cần rà soát, đánh giá tổng thể quy hoạch phát triển hệ thống thuỷ điện bậc thang; nhất là đánh giá tác động môi trường, mức độ ảnh hưởng khi xả lũ, những tác động thay đổi dòng chảy, sạt lở ở vùng hạ lưu sau đập thuỷ điện. Đối với 9 dự án thuỷ điện đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư, nếu không đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững thì nên loại bỏ. Đối với từng dự án, cần quan tâm chỉ đạo việc tham vấn cộng đồng, đảm bảo công khai, dân chủ thực chất và lấy ý kiến phản biện khoa học về quy hoạch xây dựng công trình thuỷ điện trên sông Lò, sông Luồng và thuỷ điện Cẩm Thuỷ II trên sông Mã.

Đối với đập phụ công trình thuỷ điện Bá Thước II, nhà đầu tư cần xây dựng kiên cố thân đập dài khoảng 5,3km để chắn lũ, chống ngập, đảm bảo an toàn cho dân cư và giao thông đi lại của bà con. Bố trí tái định cư cho 24 hộ dân bản Lìn, xã Trung Lý, huyện Mường Lát vì nằm trong vùng sạt lở đất, đá không an toàn. Về phần 90 hộ dân bản Co Me sinh sống dưới chân đập phụ thuỷ điện Trung Sơn cũng nơm nớp lo sợ sự an toàn tính mạng con người, cũng cần có phương án di dời. Riêng khu tái định cư bản Sa Lắng, đã có lần chính quyền tỉnh Thanh Hoá ra “tối hậu thư” đối với nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn đang còn ì ạch.

* Việc lựa chọn khu vực bố trí khu, điểm tái định cư ở một số nơi chưa phù hợp; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững. Không những thế, tiến độ xây dựng một số điểm tái định cư quá chậm. Một số công trình đầu tư không được khảo sát, thiết kế phù hợp với địa hình, địa chất, giám sát thiếu chặt chẽ nên chất lượng, hiệu quả thấp, gây bức xúc trong nhân dân. Ông Lâu Nọ Hơ, bản Nàng, xã Mường Lý than thở: “Gia đình tôi là một trong nhiều hộ ở cuối nguồn nên không có nước dùng, rất vất vả”.

Tác giả: Anh Tuấn

Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok