Kinh tế

Nhiều dự án ODA hiệu quả thấp, trách nhiệm bộ, ngành, địa phương ở đâu?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề với những dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp, đoàn giám sát chưa chỉ ra được cụ thể dự án nào, địa phương nào làm không đạt. Liệu những dự án này đã xác định được trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương nào chưa? Đã xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân đến đâu?

Chủ nhiệm UB Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu -Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các thành viên ủy ban đã cho ý kiến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.

Báo cáo thẩm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết giai đoạn 2011-2016, đã có 319 hiệp định được ký kết, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006-2010.

Trong đó ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi chiếm khoảng 96% và ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này.

Đến 31.12.2016, nợ nước ngoài của quốc gia là 44,3% GDP, trong giới hạn cho phép (không quá 50% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội). Tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỉ USD.

Theo ông Hải, việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực của bộ, ngành trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Trong đó, nguồn lực đối ứng chủ yếu dành cho các công trình giao thông (31.146 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đối ứng); đối với các địa phương, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án ODA của địa phương đã tập trung ưu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hải, việc đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ chưa thống nhất đầu mối theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2009 dẫn đến vi triển khai thực hiện chưa thống nhất, gắn kết giữa đàm phán, ký kết với phân bổ, sử dụng vốn và cân đối nguồn lực trả nợ.

“Chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án vướng mắc trong triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng. Còn có những dự án trả nợ chậm tiến độ, không có khả năng trả nợ, đứng trước nguy cơ mất vốn, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước; một số dự án không có khả năng thanh toán, phải chuyển nợ quá hạn”, ông Hải nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định chất lượng các dự án sử dụng vốn ODA chưa cao, kéo dài, lãng phí. Trong dữ liệu Báo cáo giám sát đã thừa nhận, có 10% số dự án sử dụng vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới, 20% số dự án sử dụng vốn ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) không hiệu quả.

Ông Phan Thanh Bình đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần giám sát chuyên sâu hơn nữa việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, có những dự án ngay từ lúc đầu thẩm định đẩy giá lên cao gấp nhiều lần so với thực tế, ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn. Do đó, trong quá trình tham vấn các nhà đầu tư triển khai dự án cần hết sức thận trọng. Bên cạnh đó có những dự án chuẩn bị và thực hiện kéo dài nhiều năm, dẫn đến không còn tính cấp thiết và làm cho thiết kế ban đầu không còn phù hợp, hơn nữa thiết bị công nghệ lại lạc hậu, gây lãng phí, thất thoát lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề với những dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp, đoàn giám sát chưa chỉ ra được cụ thể dự án nào, địa phương nào làm không đạt. “Liệu những dự án này đã xác định được trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương nào chưa? Đã xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân đến đâu?”, bà Nga nêu.

Cùng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh rất nhiều công trình nước sạch được đầu tư bằng nguồn vốn ODA nhưng sử dụng được một thời gian thì không phát huy hiệu quả, việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn cũng nhanh chóng xuống cấp, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và chủ đầu tư đến đâu, như thế nào?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kiến nghị hướng phát triển vốn ODA trong thời gian tới ưu tiên cho phát triển kinh tế xã hội là rất lớn, khó kích thích nội lực. Do vậy, cần nghiên cứu thật thận trọng lĩnh vực nào, địa phương nào đầu tư vốn ODA. Bên cạnh đó cần tham khảo các nước trên thế giới thực hiện nguồn vốn vay này ra sao để áp dụng vào Việt nam sao cho có hiệu quả nhất?

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong huy động và quản lý vốn ODA đã theo hướng đồng bộ và nhất quán với hệ thống quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn một số quy định chưa thống nhất, chồng chéo, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa bảo đảm tính ổn định.

Cũng theo ông Hiển, trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội lớn, khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ, việc huy động từ các nguồn vốn vay ODA thời gian tới là cần thiết. UBTVQH cơ bản nhất trí với kiến nghị của Đoàn giám sát về chủ trương tiếp tục nỗ lực huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn tới.

Tác giả: Lam Thanh

Nguồn tin: Báo Một thế giới

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok