Máy gạt chuyên dụng đang “cạo” lớp bụi phủ dày khắp nơi tại Công ty Châu Quý. |
Để xác minh phản ánh của người dân, PV đã tìm về thôn Nam Thôn để xác minh, cùng đi có chị Vũ Thị Việt - cán bộ địa chính xã Hà Tân. Điều ghi nhận đầu tiên là sự thiếu hợp tác của các chủ doanh nghiệp nơi đây. Mặc dù trước đó, PV đã liên hệ với Chủ tịch UBND xã, đề nghị được xuống một vài cơ sở sản xuất, gặp trực tiếp Giám đốc doanh nghiệp. Chủ tịch xã cho biết, đã liên hệ và được sự đồng ý của chủ doanh nghiệp.
Một trong những hồ chứa đầy bột đá tích trữ lâu ngày và đá thải loại chất đống xung quanh của Công ty Châu Quý. |
Tuy nhiên, tại khu vực sản xuất và văn phòng của Công ty TNHH Châu Quý (Công ty Châu Quý), PV được một người phụ nữ nhận là cháu của Giám đốc, làm kế toán của công ty cho biết Giám đốc đi vắng. Sau vài câu trao đổi về hoạt động của Công ty, nhưng đều được trả lời: “Không biết, không rõ, cái này phải chờ Giám đốc”, PV đành chấp nhận “rút lui”.
Tìm hiểu thực tế tại xưởng sản xuất của Công ty Châu Quý, theo ghi nhận của PV, việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động cũng như chấp hành quy định về bảo vệ môi trường tại đây chưa được chú trọng. Trong tiếng động cơ ầm ầm của hàng loạt máy xẻ đang hoạt động, nhiều công nhân không trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, công nhân nữ vận hành máy xẻ đội nón lá, công nhân nam phụ trách móc cáp cho máy cẩu đưa những khối đá lớn vào máy cắt thì người đầu trần, người mũ vải, có người không đeo khẩu trang vẫn miệt mài làm việc… bất chấp những nguy hiểm luôn luôn rình rập. Trong khi công việc vận hành máy xẻ, máy cắt đá cũng như các công việc khác trong xưởng sản xuất, chế biến đá luôn đòi hỏi yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động rất khắt khe.
Nước thải lênh láng khu vực có nhiều động cơ điện của Công ty Châu Quý, tiềm ẩn nguy cơ gây chập, cháy điện. |
Cũng tại doanh nghiệp này, việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường dường như đang bị xem nhẹ. Theo ghi nhận của PV, toàn bộ khu vực nền nhà xưởng và mặt sân bên ngoài đều phủ dầy lớp bụi đá trắng xóa, doanh nghiệp phải dùng đến máy gạt chuyên dụng. Cạnh nhà xưởng là các hồ nước khá lớn chứa đầy bột đá trắng đục, nhiều vị trí nước lẫn bột đá chảy tràn lênh láng, cùng với đó là những đống đá vụn, thải loại từ những khối đá lớn sau chế tác làm đá ốp lát, đá xẻ (có thể được đưa vào hệ thống máy nghiền, sản xuất đá vật liệu xây dựng thông thường) vứt ngổn ngang khắp nơi.
Công nhân vận hành máy xẻ, máy cắt đội nón lá, mũ cối thay vì mũ bảo hộ tại Công ty Châu Quý. |
Di chuyển đến Công ty TNHH Tuấn Hiền (Công ty Tuấn Hiền), sau ít phút chờ đợi, thấy Giám đốc doanh nghiệp ra ngoài nghe điện thoại, chị Việt - cán bộ Địa chính xã đã tranh thủ tiếp cận, thông báo có PV báo chí đến làm việc theo lịch đã hẹn của Chủ tịch UBND xã, nhưng vị này chỉ nói “đang bận không tiếp được” rồi điềm nhiên vào phòng?
Tiếp cận xưởng sản xuất của Công ty Tuấn Hiền, tình trạng người lao động làm việc trong tiếng máy chạy ầm ầm, không có đầy đủ trang bị bảo hộ cũng diễn ra như ở Công ty Châu Quý. Cùng với đó là những biểu hiện vi phạm về công tác bảo vệ môi trường: Những dòng nước chảy tràn lan phía sau các xưởng sản xuất, 2 chiếc ao chứa đầy bột đá tích trữ lâu ngày và các mẩu đá thải vứt ngổn ngang từng bãi lớn.
Nước thải đầy bột đá chảy tràn qua tường ngăn của xưởng sản xuất và ngấm xuống lòng đất, xung quanh chất đống đá thải loại tại Công Ty Tuấn Hiền. |
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Trương Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Hà Tân cho biết: Tình trạng này xã cũng đã nắm được và có tổ chức buổi làm việc với một số doanh nghiệp. Theo đó, tại biên bản làm việc ngày 24/3/2021 với các Công ty: Tuấn Hiền, Châu Quý, Quang Minh, Nam Sơn Dũng… về việc kiểm tra và xác định hệ thống xử lý nước thải thải ra môi trường trong quá trình sản xuất, đã ghi nhận: Tại thời điểm kiểm tra thực tế, đa số các doanh nghiệp đều có hệ thống bể xả, thoát nước. Tuy nhiên còn nhiều vấn đề trong quá trình xả thải chưa đảm bảo.
Cụ thể: tại Công ty Tuấn Hiền, bể xả to, tuy nhiên hệ thống lọc còn đơn giản (chưa tuần hoàn, chưa có bể lọc, bể lắng); Công ty Quang Minh, hệ thống lòng máng chảy ra khu đất ở dài, không có bể lắng, bể xả, sau khi chảy ra đất ở thì thẩm thấu ra mương; Công ty TNHH Châu Quý đường dẫn dài, bể xả nhỏ; Công ty Nam Sơn Dũng bể chứa chưa đảm bảo…
UBND xã Hà Tân yêu cầu các doanh nghiệp, căn cứ phương án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt để xử lý chất thải của cơ sở mình, đảm bảo môi trường. Thời gian thực hiện xong trước ngày 30/4/2021. Nếu quá thời gian trên, các doanh nghiệp chưa thực hiện xong, UBND xã sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.
Mặc dù biên bản nêu như trên, nhưng khi trả lời câu hỏi của PV về việc sau thời gian trên, các doanh nghiệp sau khi thực hiện yêu cầu của UBND xã, có báo cáo về việc khắc phục hệ thống xử lý chất thải (theo quy định) và được UBND xã xác nhận để tiếp tục sản xuất không, ông Vũ Văn Hướng - cán bộ địa chính xã cho biết: Sau khi UBND xã tiến hành kiểm tra, thấy các doanh nghiệp đã khắc phục nên cho họ tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, về biên bản kiểm tra ghi nhận việc này, ông Hướng nói: “Kiểm tra không lập biên bản, việc cho phép cũng chỉ trao đổi miệng với nhau, không có văn bản?”.
Như vậy, thực tế tại các doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá tại Hà Tân cho thấy, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường tại đây chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Về phía UBND xã Hà Tân, mặc dù có kiểm tra, nhắc nhở nhưng chưa thực sự triệt để, hết trách nhiệm. Để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động, cũng như đảm bảo môi trường giữ gìn vệ sinh môi trường, về lâu dài không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sở tại. Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Hà Trung và tỉnh Thanh Hóa vào cuộc, kiểm tra làm rõ và xử lý dứt điểm vấn đề này.
Tác giả: Đào Nguyên
Nguồn tin: Báo Xây dựng