Trong nước

Nhiều đại biểu Quốc hội muốn Chính phủ minh bạch về nợ xấu

Các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến khác nhau về các nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo minh bạch số liệu nợ xấu.

Đây là tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trước khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu sáng 7-6.

Không sử dụng NSNN để xử lý nợ xấu?

Theo bản tổng hợp, về nguyên tắc không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN), có 2 loại ý kiến.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc không sử dụng vốn NSNN, cần huy động các nguồn lực khác để xử lý nợ xấu và quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu.

Một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc không nên bổ sung nguyên tắc này vì một số lý do. Việc bổ sung nguyên tắc này phù hợp với tình hình ngân sách hiện nay nhưng theo kinh nghiệm quốc tế thì rất cần bàn tay của nhà nước, dùng ngân sách xử lý nợ xấu, việc xử lý nợ xấu không có tiền thật sẽ rất khó. Khả năng các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý có giới hạn nên sẽ không khả thi nếu không dùng NSNN.

Ngoài ra, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là doanh nghiệp do Nhà nước cấp vốn, nếu không có tiền thì VAMC không xử lý được nợ xấu. Nợ xấu có liên quan đến doanh nghiệp nhà nước nên cần có trách nhiệm của Nhà nước trong xử lý nợ xấu dựa trên khả năng nguồn NSNN; và cần phân biệt rõ đối với nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ theo các chương trình dự án do Chính phủ chỉ định… thì phải sử dụng NSNN để xử lý.

Một số ý kiến cho rằng, trong thực tế vẫn phải sử dụng NSNN một cách gián tiếp để xử lý nợ xấu, nên nếu quy định nguyên tắc không sử dụng NSNN để xử lý nợ xấu thì không hợp lý.

Về nguyên nhân của nợ xấu và trách nhiệm các bên, đa số ý kiến cho rằng, cần phải tránh lợi dụng nghị quyết để không xác định, xử lý trách nhiệm chủ quan gây ra nợ xấu, vi phạm pháp luật trong thời gian qua, cần làm rõ nguyên nhân gây ra nợ xấu và quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc gây ra nợ xấu, tránh việc lợi dụng ban hành Nghị quyết để biến nợ quá hạn thành nợ xấu.

Cần minh bạch số liệu nợ xấu

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo minh bạch số liệu nợ xấu, cần thống kê rõ nợ xấu theo từng loại đối với doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đánh giá tình hình nợ xấu và nợ có khả năng trở thành nợ xấu hiện nay và năm 2011, 2012, làm rõ các số liệu về nợ xấu đã công bố và bài học rút ra trong giai đoạn nợ xấu tăng cao.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm thanh tra, giám sát của NHNN đối với vấn đề nợ xấu. Một số ý kiến khác đề nghị Chính phủ làm rõ về hiệu quả hoạt động của VAMC. Cũng có ý kiến đề nghị Chính phủ phải cam kết về tình hình nợ xấu sau 5 năm thực hiện nghị quyết.

Nên cho phép bán nợ xấu theo giá thị trường

Về bán tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, nhiều ý kiến đồng tình với quy định cho phép bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị sổ sách là phù hợp với nguyên lý kế toán. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không cần thiết quy định về việc cho phép bán dưới giá trị sổ sách vì đã quy định về việc bán theo giá thị trường.

Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ để tránh lạm dụng việc bán thấp hơn giá trị sổ sách, không xảy ra tiêu cực, thông đồng; cần khẳng định chính sách này không miễn trừ trách nhiệm cho TCTD hay người đi vay nếu có tiêu cực trong việc xác định giá, cần bổ sung biện pháp giám sát để tránh tình trạng TCTD ép giá, bán tài sản của khách hàng gây ra thất thoát và hệ lụy về kinh tế, xã hội.

Một số ý kiến đề nghị việc bán tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải công khai, minh bạch, đảm bảo khách quan. Việc bán tài sản bảo đảm phải đảm bảo đúng giá, đúng quyền lợi của người có tài sản, đảm bảo đúng Hiến pháp, hiện đã có Luật đấu giá tài sản nên cần hướng dẫn đúng quy trình. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định bán thông qua đấu giá thì sẽ bất cập, cần hướng dẫn cụ thể về việc bán theo giá thị trường thông qua Hội đồng thẩm định giá để thực hiện thuận lợi. Có ý kiến đề nghị quy định bán tài sản bảo đảm theo các quy định của pháp luật là bao quát các trường hợp.

Một số đại biểu đề nghị làm rõ ai là người xác định giá cao, giá thấp. Có ý kiến đề nghị nếu bán tài sản dưới giá trị sổ sách thì cần xem xét lại vai trò và trách nhiệm của tổ chức thẩm định giá.

Có ý kiến đề nghị cần bổ sung trong trường hợp không bán được thì các cơ quan chức năng, các ngân hàng, tổ chức khác phải tham gia cùng xử lý (khoanh nợ, giãn nợ hoặc nhà nước phải có gói cứu trợ).

Về mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, một số ý kiến cho rằng nếu trao quyền lớn cho tổ chức mua, bán xử lý nợ xấu (VAMC) mà không kiểm soát chặt chẽ thì ảnh hưởng đến quyền của TCTD và thất thoát nhà nước, do vậy cần phải có biện pháp kiểm soát đối với việc mua, bán nợ xấu.

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ các nội dung hướng dẫn của NHNN đối với việc chuyển khoản nợ xấu của VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường, cần quy định cụ thể hơn trong Nghị quyết.

Về thời hạn của nghị quyết, các ý kiến nhất trí với thời gian hiệu lực của nghị quyết là 5 năm để đủ thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần rút ngắn thời hạn của nghị quyết, nghị quyết này có hiệu lực trong nhiệm kỳ Quốc hội 14. Một số ý kiến đề nghị thời hạn của Nghị quyết đến năm 2020 để tạo áp lực cho các TCTD phải giải quyết xử lý nợ xấu, thời điểm này phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế (giai đoạn 2016-2020).

Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,46%, giảm so với mức 2,55% cuối năm 2015; đến cuối tháng 2-2017 là 2,56%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng báo cáo với Quốc hội chiều 22-5.

Tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Tổng số nợ xấu xử lý được trong năm 2016 đạt 118,5 nghìn tỉ đồng (tháng 1-2017 đạt 5,13 nghìn tỉ đồng), bằng 63,4% tổng số nợ xấu được xử lý trong năm 2015.

Thống đốc thừa nhận có hàng loạt nguyên nhân khó xử lý nợ xấu.

Thứ nhất, các khoản nợ bán cho VAMC giảm, việc xử lý nợ xấu đã mua của TCTD tại VAMC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thị trường mua bán nợ chưa phát triển tại Việt Nam và do những rào cản về pháp lý khi xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ hai, việc bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ ở mức thấp, hầu hết các tài sản bảo đảm của khách hàng là bất động sản, trong khi đó các dự án bất động sản trước đây ngày càng khó bán.

Thứ ba, khả năng trả nợ của khách hàng vẫn còn hạn chế do sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn và chậm phục hồi. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì ở mức an toàn theo ngưỡng quy định và mục tiêu đặt ra, các khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ trở thành nợ xấu được theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Tác giả: Tư Hoàng

Nguồn tin: Thời báo kinh tế Sài Gòn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok