Tuy nhiên, quá trình thực hiện đang có những “điểm nghẽn”, đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp đồng bộ để giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Anh Nguyễn Văn Lục, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Nguyên Hưng, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) trao đổi với bà con. |
Phát huy vai trò “Đảng cử, dân tin”
Trở lại thôn 2, xã Quảng Nhân (Quảng Xương), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi những gam màu tươi mới hiện hữu khắp nơi. Những con đường được bê tông hóa, 2 bên trồng các loài hoa thay thế cỏ dại trông thật đẹp mắt; hệ thống đường điện công cộng chiếu sáng cả một vùng quê lúc về đêm; những người nông dân đang tích cực, khẩn trương thu hoạch một vụ mùa bội thu... Có được thành quả đó là nhờ sự nỗ lực vươn lên của người dân trong thôn, đặc biệt là tinh thần gương mẫu đi đầu của bác Lê Văn Cung, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn 2.
Chia sẻ về công việc của mình, bác Cung cho biết: Một lúc gánh trọn cả “2 vai” công việc nhiều, sức ép lớn, nhưng tôi tâm niệm được “Đảng cử, dân tin” thì dù khó mấy cũng phải làm cho tốt. Từ khi thực hiện nhất thể hóa, việc đề ra các nghị quyết, chương trình được thực tế và sát với từng thôn. Việc triển khai đến người dân cũng thuận lợi hơn nhiều, bởi người đứng đầu thôn đề ra các nhiệm vụ cũng là người trực tiếp triển khai đến bà con, tạo sự thống nhất, khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp hay bỏ sót nhiệm vụ.
Bí thư Đảng ủy xã Quảng Nhân Lê Xuân Thành cho rằng, việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã phát huy được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu thôn; khắc phục tình trạng “lệch pha” giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở và giảm bớt được các khâu trung gian. Nhờ vậy, việc thực thi công việc từ xã xuống thôn cũng nhanh gọn và hiệu quả hơn; trách nhiệm người đứng đầu tăng lên, sai cũng không đổ lỗi cho ai được.
Còn những “điểm nghẽn”
Việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã khẳng định được tính ưu việt và hiệu quả, song quá trình triển khai thực hiện cũng có những vướng mắc, bất cập. Trong đó “điểm nghẽn” lớn nhất gặp phải ở nhiều địa phương chính là công tác nhân sự, bởi không dễ tìm người gánh vác được cả “2 vai”. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi về Đông Hòa (Đông Sơn), xã gặp không ít trở ngại khi mới chỉ tiến hành làm điểm việc nhất thể hóa ở 3/12 thôn. Đồng chí Lê Huy Du, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hòa cho biết: Đông Hòa chọn 3 thôn là thôn 6, 7 và 12 để triển khai làm điểm.
Vì là làm điểm nên công tác nhân sự được chúng tôi rất quan tâm. Thế nhưng, cả 3 đồng chí khi được lựa chọn nguồn bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đều từ chối vì không muốn gánh vác cả hai chức danh. Trước thực tế này, ban thường vụ đảng ủy xã phải mời 3 đồng chí ở 3 thôn lên động viên nhiều lần họ mới đồng ý, nhưng là đồng ý một cách miễn cưỡng. Sau khi làm xong công tác nhân sự, quá trình tổ chức đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020 lại tiếp tục phát sinh vướng mắc bởi có người đã được đại hội bầu giữ chức bí thư chi bộ nhưng khi đưa ra dân bầu trưởng thôn thì không trúng. Chúng tôi đã chỉ đạo cho bỏ phiếu đến lần thứ 3 vẫn không đạt kết quả. Vì không thể để trống nên chủ tịch UBND xã buộc phải ra quyết định chỉ định chức danh trưởng thôn.
Tâm sự với chúng tôi, bác Nguyễn Bá Minh, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn 12, xã Đông Hòa, cho biết: “Với nhiều năm kinh nghiệm làm bí thư rồi làm trưởng thôn, tôi có thể hoàn thành được cả “2 vai”. Nhưng vì công việc rất nhiều, phụ cấp lại quá thấp, chỉ hơn 1,5 triệu đồng/tháng, nếu chỉ tập trung lo “việc Đảng, việc dân” thì không thể bảo đảm cuộc sống gia đình. Trước đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2017-2020, tôi đã nhiều lần xin nghỉ nhưng chưa được nên phải tiếp tục làm. Để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, tôi phải mở thêm xưởng may, thu nhập bình quân được 10 triệu đồng/tháng. Nếu như hết nhiệm kỳ này, mức phụ cấp vẫn không thay đổi, có lẽ tôi sẽ phải xin nghỉ việc”.
Tại xã Đông Hòa, ngoài 3 thôn chọn làm điểm, các thôn khác dù chưa tiến hành nhất thể hóa nhưng cũng xảy ra tình trạng tương tự. “Có thôn sau khi đã làm xong nguồn bí thư, đến khi tổ chức đại hội chi bộ lại trốn tránh trách nhiệm bằng cách bỏ đi nơi khác. Trường hợp khác lại vận động người nhà, người thân quen không bỏ phiếu cho mình”, đồng chí Lê Huy Du, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hòa cho biết thêm.
Thiệu Hóa được đánh giá là một trong những huyện làm khá tốt việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Trong 219 chi bộ đã có 197 chi bộ thực hiện nhất thể hóa, đạt 92,6%. Tuy nhiên, trên thực tế không phải xã nào cũng thực hiện được việc nhất thể hóa một cách thuận lợi. Đơn cử như ở các xã Thiệu Giao, Thiệu Vũ, Thiệu Minh, Thiệu Nguyên, tiểu khu 12 (thị trấn Vạn Hà)... Tìm hiểu thực tế này tại xã Thiệu Nguyên, chúng tôi được biết toàn xã hiện có 9 thôn, mỗi thôn hơn 200 hộ nên không phải sáp nhập thôn như nhiều địa phương khác. Thế nhưng, việc tìm nguồn nhân sự ở đây cũng quá khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Trí Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Nguyên cho biết: Chưa bao giờ đại hội chi bộ lại kéo dài như nhiệm kỳ 2017-2020. Nguyên nhân chính là do các đồng chí tuổi còn trẻ lại không muốn nhận vì phụ cấp thấp, người có kinh nghiệm thì tuổi lại cao, chỉ đảm nhiệm được chức danh bí thư, không thể đảm nhiệm được chức danh trưởng thôn do sức khỏe yếu, đêm hôm không thể cùng bà con tham gia phòng chống bão lụt hay trực tiếp xuống đồng chỉ đạo sản xuất.
Một số thôn như Nguyên Tiến, Nguyên Lý, Nguyên Hưng, Nguyên Tân, chúng tôi phải làm công tác nhân sự rất nhiều lần, chủ yếu là động viên để họ đồng ý chứ nói tự nguyện thì hoàn toàn không có. Dù đã hoàn chỉnh công tác nhân sự nhưng sau đại hội chi bộ, chúng tôi vẫn phải kỷ luật đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Nguyên Tiến do không nhận nhiệm vụ mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Lục, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Nguyên Hưng, xã Thiệu Nguyên, chia sẻ: Vì nhiệm vụ “Đảng cử” nên tôi phải nhận cả 2 chức danh, chứ tôi thật sự không muốn làm. Tôi đã xin rút đảng ủy viên, đại biểu HĐND và cả nguồn chủ tịch hội cựu chiến binh xã vì hoàn cảnh gia đình. Tuổi đời còn trẻ, tôi muốn dành thời gian phát triển kinh tế gia đình chứ làm bí thư kiêm trưởng thôn mức phụ cấp quá thấp, trong khi sức ép về công việc và thời gian rất lớn, từ họp hành ở xã đến ban hành nghị quyết của thôn, rồi triển khai công việc cụ thể đến người dân. Nếu không toàn tâm, toàn ý với công việc sẽ làm mất niềm tin ở nhân dân, còn nếu dành trọn thời gian để thực thi nhiệm vụ thì không có thời gian làm kinh tế gia đình.
Dù xã Thiệu Nguyên đã thực hiện xong nhất thể hóa ở 9/9 thôn nhưng quá trình triển khai công việc ở thôn thì hiệu quả chưa được như mong muốn. “Một số vấn đề từ xã triển khai đến thôn, từ thôn đến bà con nhân dân bị ách tắc hoặc làm qua loa” - đồng chí Nguyễn Trí Thành, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Nguyên cho biết. Qua tìm hiểu thực tế ở một số địa phương cho thấy, không phải ở đâu việc thực hiện nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn cũng diễn ra thuận lợi. Vì vậy, nhiều xã, phường, thị trấn đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Cần giải pháp đồng bộ
Nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới, sắp xếp và tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả từ cấp cơ sở. Để thực hiện thành công mục tiêu này, đồng chí Lê Văn Ngọc, Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Thiệu Hóa cho rằng: Phải lựa chọn được các đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn có sức khỏe, có kinh nghiệm, uy tín cao trong Đảng và trong dân.
Cấp ủy, chính quyền địa phương phải làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự, có quy trình chặt chẽ, phù hợp, bảo đảm sự đồng thuận cả trong quần chúng và trong tổ chức đảng. Đồng thời, phải coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và có chính sách đãi ngộ phù hợp để đội ngũ này yên tâm công tác. Tại Thiệu Hóa, sau đại hội chi bộ, huyện ủy đã tổ chức các lớp tập huấn cho bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn và các đồng chí chi ủy viên về kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cách triển khai thực hiện nghị quyết, soạn thảo văn bản, tuyên giáo, dân vận...
Cán bộ thôn là người tuyên truyền, triển khai các chủ trương, nghị quyết của cấp trên trực tiếp đến người dân, là đầu tàu của cộng đồng dân cư trong thực hiện các phong trào thi đua nhưng lại chưa thật sự được quan tâm từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến chế độ đãi ngộ...
Để những người được “Đảng cử, dân tin” sẵn sàng nhận nhiệm vụ, yên tâm gắn bó với công việc và hoàn thành tốt vai trò “hai trong một”, thiết nghĩ cần nâng mức phụ cấp hàng tháng một cách thỏa đáng, phù hợp với công việc. Cùng với đó, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận tại cơ sở, nhất là cán bộ trẻ. Đội ngũ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn nếu được trẻ hóa, vừa có trình độ, năng lực, vừa giàu nhiệt huyết sẽ thực sự là cầu nối giữa người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Để khắc phục những “điểm nghẽn” trong thực hiện, các địa phương cần căn cứ vào thực tiễn để đưa ra những cách làm phù hợp, hiệu quả. Rập khuôn, máy móc không trên cơ sở thực tế địa phương mình sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Sẽ là “gánh nặng” nếu chọn không đúng người, giao không đúng việc; nếu lựa chọn được đúng người và bản thân người được chọn toàn tâm, toàn ý với “việc Đảng, việc dân”, phát huy vai trò “công bộc của dân” thì sẽ được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ và sẽ thành công.
Tác giả: Tố Phương
Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử