Kinh tế

Nhập nhèm thương hiệu “Tỏi Lý Sơn” trên thị trường

Năm 2014 - 2015, “vương quốc tỏi” Lý Sơn bị mất mùa, thiệt hại nặng nề, nhưng lạ là ở Quảng Ngãi người mua cần bao nhiêu tỏi Lý Sơn “chính hiệu” cũng có. Thực tế, đó là tỏi Lý Sơn được trồng tại Khánh Hòa và các nơi khác. Ngoài áp lực cạnh tranh với vùng tỏi mới, điều đáng quan ngại hơn cả là thương hiệu tỏi Lý Sơn ngày càng bị “lợi dụng” khi nhiều người dân tỉnh Khánh Hòa ồ ạt chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng tỏi một cách tự phát, đưa tỏi về lại Quảng Ngãi bán “gắn mác” Lý Sơn.

Người dân xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa san đồi trồng tỏi Lý Sơn khi chưa có đề án cụ thể. Ảnh: Nhiệt Băng

Dù chưa có đề án cụ thể được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhưng nhiều người dân xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) vẫn ồ ạt phá đồi trồng tỏi tự phát. Tại các thôn Xuân Đông, Xuân Tây, Xuân Vinh (xã Vạn Hưng), nhiều diện tích đất lâm nghiệp, nông nghiệp đã bị người dân chuyển đổi sang trồng tỏi.

Ông Trần Thanh Tòng - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng - cho biết, cũng chưa nắm được diện tích chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang trồng tỏi là bao nhiêu.

“Người dân dọn đốt cây bụi, san mặt bằng trồng tỏi được 1 năm nay. Cái này đất đồi, Nhà nước giao đất cho dân trồng rừng 50 năm, nhưng chỉ có cây bụi chứ không có cây gỗ hay rừng gì cả. Mình cũng có khuyến cáo người dân không nên làm như vậy (chuyển đổi mục đích sử dụng đất - PV) nhưng họ trồng tỏi thấy hiệu quả nên họ làm” - ông Tòng nói.

Theo ông Tòng, diện tích trồng tỏi tại xã thường biến động, đến nay người dân đã trồng được 150ha tỏi, trong đó chủ yếu là trồng trên đất đồi, đất vườn và đất màu. “Ban đầu người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào mua đất, người dân chuyển nhượng đất cho họ làm, nhân rộng diện tích, người dân địa phương thấy hiệu quả nên làm theo” - ông Tòng cho hay.

Mới đây, ngày 5.9.2016, UBND tỉnh Khánh Hòa ra thông báo kết luận của UBND tỉnh tại buổi làm việc với xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 (vào ngày 23.8).

Kết luận dẫn ý kiến của ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: “Đối với phát triển cây tỏi, UBND xã Vạn Hưng và UBND huyện Vạn Ninh lập đề án phát triển cây tỏi tại xã, phối hợp với Sở NNPTNT để được lập đề án”.
Ông Thiên còn giao Sở TNMT hướng dẫn việc chuyển đổi diện tích đất, rừng sản xuất kém hiệu quả sang đất sản xuất nông nghiệp khác.

Ngày 20.9, PV Lao Động liên lạc với ông Lê Tấn Bản - GĐ Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa hẹn làm việc về vấn đề người dân trồng tỏi tự phát tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh. Tuy nhiên, thay vì cầu thị, ông này nóng nảy “dạy bảo” PV: “Tôi đâu phải lúc nào cũng rảnh trả lời. Chuyện tỏi đang phát triển là thời sự. Câu chuyện tỏi bây giờ dân làm được giá, thu nhập cao lắm đấy, đầu ra tốt. Tôi đang làm chiến lược phát triển thêm. Ông là báo chí, ông viết lách cho chất lượng... Tôi nói ông hôm nay tôi chỉnh ông đó” (!).

Tỏi Lý Sơn bị giả, nhái ngày càng nhiều

Chính vì tỏi Lý Sơn chính hiệu không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nên thương hiệu đã bị người bán lợi dụng để bán được tỏi. Tại TP. Quảng Ngãi, người mua tỏi Lý Sơn luôn rơi vào thế “hoa mắt” khi không phân biệt được đâu là tỏi Lý Sơn thật, thậm chí ngay cả người địa phương cũng không thể nào phân biệt được đâu là tỏi Lý Sơn thật - giả.

Bà Võ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi) - cho biết, tỏi Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể (độc quyền chỉ có ở Lý Sơn) do Cục Sở hữu trí tuệ cấp năm 2007 và được triển khai thực hiện vào năm 2009.

Sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể, đến nay tỏi Lý Sơn đã có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy việc phát triển kinh tế bền vững, tăng thu nhập cho người dân…

Việc xây dựng, đăng ký bảo hộ, phát triển một thương hiệu nông sản cũng phải tính đến lợi ích kinh tế của nông dân, của địa phương, của quốc gia. Tỏi Lý Sơn có nhiều điểm đặc trưng so với các đặc sản cùng loại đó trên cả nước. Theo bà Nga, đặc trưng này phải cân, đo, đong, đếm, phân tích khoa học ra được chứ không phải ngon và lạ mà được bảo hộ. Ngoài ra các đặc trưng của tỏi Lý Sơn này còn phải phụ thuộc vào địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng mà không có nơi nào đáp ứng được.

Những địa danh, đặc sản được bảo hộ về thương hiệu đều là những nông sản có giá trị, tiềm lực về kinh tế. “Hiện nay tỏi Lý Sơn được người dân Lý Sơn trồng khoảng trên 300ha, tạo tiềm lực kinh tế cao, nên khả năng bị mạo danh, bị làm giả, bị nhái ngày càng nhiều. Cũng vì điều này mà nông dân và địa phương mới quyết tâm xây dựng thương hiệu, làm hồ sơ để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý” - bà Nga chia sẻ thêm.

Tác giả bài viết: Nhiệt Băng - Trần Hoa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok