"Chẳng phải là Xuân Diệu, anh cũng biết làm thơ vì trong đầu anh toàn là thương với nhớ. Em có yêu bản thân mình không? Nếu có làm tình địch với anh nhé. Nhà em có, sao em không ở mà đi chuyển hộ khẩu vào trái tim anh? Nhà em có bán rượu không, mà nói chuyện với em sao anh say quá. Dừng lại nhanh, cười thêm cái nữa là tim anh đứt phanh"… Đó là một đoạn trong lời bài hát nhạc rap "Người âm phủ" của Osad, dễ dàng chinh phục người nghe trẻ tuổi vì độ "thả thính" được cho là đáng yêu và rất thực tế của ca từ. Thậm chí, những phần lời này còn trở thành viral (câu nói phổ biến) trong giới trẻ hiện nay, được đánh giá là một trong những hiện tượng gây chú ý đối với khán giả yêu nhạc thời gian qua.
Sự thắng thế của rap
Nếu mùa hè trước, nhạc tropical trở thành "món ăn" thịnh hành khắp thế giới trong đó có Việt Nam thì năm nay, nhạc rap đang chiếm thế thượng phong ở thị trường âm nhạc thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhiều ca khúc theo phong cách rap đang trở thành bài hát được giới trẻ quan tâm thời gian gần đây.
Rapper Karik tạo ấn tượng với ca khúc "Người lạ ơi" |
Ra đời chưa lâu nhưng ca khúc "Người âm phủ" đã tạo được những hiệu ứng rất lớn với nhiều bản cover (hát lại) của nhiều gương mặt có lượng người hâm mộ đông đảo. MV (music video) "Người âm phủ" đạt gần 61 triệu view (lượt người xem nghe), dù của giọng ca underground, con số đáng mơ ước của những ngôi sao thuộc dòng mainstream (ca sĩ đại chúng). Ngay cả những phiên bản cover của nó cũng đạt lượt view "khủng". Sau 5 ngày, bản cover "Người âm phủ" phiên bản MC Khánh Vy đạt 2 triệu lượt nghe xem cùng 150.000 bình luận.
Cùng với ấn tượng mà bộ phim truyền hình "Thập tam muội" đang có, ca khúc chủ đề cùng tên trong phim với phần thể hiện của Huỳnh James và Pjnboy (cũng là tác giả) đang đứng đầu nhiều bảng xếp hạng âm nhạc hiện nay. Không chỉ được chia sẻ rộng rãi trên nhiều phương tiện mạng xã hội (stream), ca khúc này còn được nhiều khán giả chọn làm quà tặng trên đài phát thanh, chứng tỏ độ bao phủ rộng rãi của nó hiện nay.
Đình đám nhất là ca khúc "Người lạ ơi", hiện tượng V-pop, nhờ giai điệu bắt tai, đoạn rap dán nhãn "made in Karik" quen thuộc cùng giọng ca tân binh Orange. Thành tích mà "Người lạ ơi" sở hữu là ngay từ khi mới ra mắt đã xô đổ mọi kỷ lục xác lập trước đó của làng nhạc Việt: 20 triệu lượt nghe xem sau 5 ngày ra mắt, 50 triệu lượt sau 13 ngày, giữ vững vị trí đầu trên bảng xếp hạng Trending YouTube (ca khúc được yêu thích nhất trên YouTube) và 100 triệu lượt nghe xem chỉ sau 39 ngày ra mắt. Với thành tích này, "Người lạ ơi" chính thức trở thành sản phẩm âm nhạc lập kỷ lục chạm tới mốc 50 và 100 triệu lượt xem nhanh nhất V-pop từ trước đến nay.
Sự thắng thế của rap trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp lẫn tác giả underground đang đi tìm cơ hội tiến thân trên thị trường âm nhạc. Minh chứng là hàng loạt ca khúc rap ra đời và điều đáng kinh ngạc là rap Việt cũng "đánh bật" vị trí nhiều bản pop ballad đậm chất ngôn tình của V-pop. Trong đó, nhiều bản rap đặc biệt chinh phục khán giả bởi độ đáng yêu, nhiều viral trở thành phổ biến trong giới trẻ, như: "Thương nhiều hơn nói" của Đạt G, B-Ray; "Cô gái M52" của Huy; "Ý em sao", "Phía sau em" của Kay Trần; "Trả tim cho anh" của Thái Vũ (BlackBi); "Yêu đương" của Osad; "Mình cưới nhau đi" của Huỳnh James; "Mình từng yêu như thế" của Karik, Orange; "Thương" của Karik, Uyên Pím "Xin" Đạt G, Masew, B-Ray…
Rap gây chú ý đến mức nhiều giọng ca dòng mainstream không bỏ lỡ cơ hội để làm mới hình ảnh bản thân hay ít nhất là kỳ vọng tạo nên những ấn tượng mang tính xu hướng trong hành trình chinh phục khán giả. Chí Thiện có "Quan trọng là thần thái" thì Khổng Tú Quỳnh cũng ra mắt "Sẽ không ngốc nữa" (Stop being stupid). Đen giới thiệu "Đưa nhau đi trốn", "Người khác lạ" khá thú vị. Hoàng Raper ra mắt "Thần thái" đúng xu hướng giới trẻ. Hoàng Touliver cũng vào cuộc với "They said" và Masew có "Ở trong thành phố"…
"Đó là điều tồi tệ"?
Rap lên ngôi, góp công đưa một số tác giả, giọng ca dòng underground lên mainstream như Đen, Karik… Chỉ sau 1 đêm khi "Người âm phủ" thành hiện tượng, Osad (tên thật là Mai Quang Nam, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) có lượt người theo dõi trên trang mạng cá nhân lên hơn 50.000 người. Sau "Người âm phủ", Nam tiếp tục được chú ý với "Yêu đương" và mới đây nhất là góp mặt trong MV "Những kẻ dại khờ" cùng Hà Anh và Đinh Mạnh Ninh. Việc hợp tác cùng 2 đàn anh đánh dấu sự chuyển hướng của Osad từ một hiện tượng mạng sang ca sĩ gần gũi hơn với khán giả đại chúng. Bài hát mang giai điệu dễ thương, vui vẻ, với phần lời được thực hiện bởi Đinh Mạnh Ninh và đoạn rap do Osad viết, vẫn với ca từ ngôn tình kiểu "thả thính" tương tự "Người âm phủ". Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng phần rap trong "Những kẻ dại khờ" nổi bật hơn cả lời bài hát của Đinh Mạnh Ninh.
Tuy tạo ồn ào là thế nhưng sự thật vẫn có nhiều ý kiến nhận xét trái chiều xoay quanh ca khúc "Người âm phủ". Nhiều ý kiến chưa hài lòng về cách đặt tiêu đề ca khúc này lẫn khả năng rap của Osad, đều quá tầm thường, dù độ lan tỏa của bài hát còn hơn nhiều ca khúc của các giọng ca ngôi sao. "Khi nghe tin ca khúc "Người âm phủ" thành ca khúc ăn khách, tôi thật sự hoang mang về thị hiếu của công chúng nghe nhạc hiện nay. Những câu hát như nói, giai điệu khúc thức lộn xộn không khoa học, chẳng chạm đến trái tim người nghe nhưng không hiểu sao trở thành hiện tượng? Âm nhạc đang giống như những tiểu phẩm hài, gây chú ý bằng vài điều vô nghĩa nhưng vẫn hút khách. Đó là điều tồi tệ!" - một người trong giới chuyên môn bày tỏ.
Nếu ở thị trường âm nhạc thế giới, rap là một nhánh rẽ có lượng khán giả đông đảo không thua kém các thể loại âm nhạc khác bởi tư duy tự do, đường phố thì ở V-pop, đặc thù văn hóa bản địa, không mấy hào hứng với văn hóa rap - chất đường phố. Được mệnh danh là "hoàng tử rap" nhưng Karik chỉ thực sự tạo dấu ấn với vài ba ca khúc, cụ thể là "Người lạ ơi" bởi hàng trăm bản rap trước đó của anh khá dung tục và mang sắc màu bi quan. Đó không phải là tinh thần của âm nhạc - vốn muốn mang đến cho người nghe những thông điệp lạc quan, vui tươi, lại càng không phải là thứ được dung túng ở đời sống âm nhạc Việt khi mà văn hóa Á Đông luôn hướng đến những giá trị tinh tế, ý nhị và tinh thần sẻ chia, đồng cảm. "Điều đó không có nghĩa nhạc Việt che giấu những hiện thực trần trụi nhưng những mảng màu tối của cuộc sống cũng cần được lột tả bằng những xúc cảm yêu thương, bằng ngôn từ thi vị đủ để lay động lòng người" - nhạc sĩ - ca sĩ Anh Tuấn (thành viên nhóm MTV) nói.
Chính sự khác biệt lớn này trong văn hóa Việt và phương Tây khiến cho rap Việt - ở định dạng học theo mô thức phát triển của rap phương Tây - không có đất sống.
Hưng phấn nhất thời "Vài ca khúc rap nổi lên chỉ là món ăn lạ, tạo sự hưng phấn nhất thời cho người nghe. Với V-pop, tình ca vẫn dẫn đầu trong âm nhạc" - nhạc sĩ Dương Khắc Linh khẳng định. Đúc kết từ chứng kiến bao phen thăng trầm của nhạc Việt, giới chuyên môn như nhạc sĩ Đức Trí, Phương Uyên, Hồ Hoài Anh, Hoài An, Quốc Bảo… đều thừa nhận rằng có phát triển thế nào thì âm nhạc chất chứa tình cảm vẫn là thứ khán giả tìm kiếm. |
Tác giả: Thùy Trang
Nguồn tin: Báo Người lao động