Khách thăm quan Di tích (Ảnh Nguyễn Đức Trung) |
Vùng đất này xưa thuộc thôn Phụ Khánh là một thôn chuyên làm các loại ấm đất, siêu đất và các loại hỏa lò bằng đất (nung và để mộc), đem bán khắp kinh kỳ, nên địa danh này có tên là làng Hỏa Lò. Khi Pháp chiếm Hà Nội, chúng chuyển dân làng đi nơi khác, dỡ bỏ chùa Lưu Ly, chùa Bích Thư và chùa Bích Họa để lấy đất xây tòa án và nhà tù. Do ở trên đất thôn Hỏa Lò nên nhà tù được người dân gọi là “Nhà tù Hỏa Lò”.
Toàn cảnh nhà tù Hỏa Lò 1896 – 1954 (Ảnh:Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa lò) |
Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 và lấy tên là “Nhà tù Trung ương”. Vị trí mặt bằng của nhà tù nằm trọn trên mảnh đất hình thang thuộc thôn Phụ Khánh. Đối diện với nhà tù về phía đông là tòa án, phía tây nam giáp phố Thợ Nhuộm, phía tây giáp phố Richaud (ngày nay là phố Quán Sứ), phía bắc giáp với đường Rollandes (nay là phố Hai Bà Trưng). Từ một làng nghề thủ công làm đồ gốm có tiếng, thực dân Pháp đã biến mảnh đất Hỏa Lò thành nơi giam giữ, đày ải về thể xác, tinh thần của hàng ngàn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Nhiều đồng chí sau này giữ cương vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam cũng từng bị thực dân Pháp giam giữ tại đây.
Phòng giam (Ảnh: Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò) |
Sống trong nhà tù thực dân, với chế độ giam giữ hà khắc, sinh hoạt kham khổ nhưng các chiến sỹ yêu nước, cách mạng vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành trường học và là nơi phổ biến lý luận cách mạng. Nhiều người đã mưu trí vượt ngục trở về với nhân dân, với tổ chức, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước.
Tháng 10/1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, Nhà nước Việt Nam đã quản lý và tạm thời sử dụng Nhà tù Hỏa Lò để giam giữ những người vi phạm pháp luật. Từ ngày 05/8/1964 đến ngày 29/3/1973, Nhà tù Hỏa Lò còn được dùng để tạm giam một phần trong số phi công Mỹ bị bắn rơi và bị bắt khi ném bom bắn phá miền Bắc - Việt Nam.
Năm 1993, để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa của Thủ đô, Nhà nước Việt Nam quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của Nhà tù Hỏa Lò. Một phần phía Đông Nam còn lại được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo và được xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1997.
Phòng trưng bày (Ảnh:Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò) |
Tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, hiện đang trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật quý phản ánh cuộc sống của tù chính trị Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp, cuộc sống của tù binh phi công Mỹ khi bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò và Đài Tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng đã anh dũng hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò vì nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của Thủ đô, nơi thu hút đông khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
Tác giả: Đồng Hoa
Nguồn tin: Báo điện tử Petrotimes