Giáo dục

Nhà nước bù hàng trăm tỷ đồng vào các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội

Ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước.

Ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo trông chờ vào sự bao cấp của nhà nước.

Thông tin này được vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết trong buổi giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội chiều 9/8, thông tin về lộ trình tăng học phí đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 2.

Ông Quang thông tin, mức thu học phí năm 2015 – 2016 của từng đơn vị thấp hơn mức trần Nghị định 86/2015 của Chính phủ. Các đơn vị phải sử dụng 40% tổng số thu học phí để cải cách tiền lương, chỉ còn 60% sử dụng chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập, điều này gây ra nhiều hạn chế trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, năm học 2015-2016 chỉ thu được 287,518 tỷ đồng (chiếm 6,7% tổng chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp). Ngân sách nhà nước cấp chi theo định mức khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.

Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông tin về lộ trình tăng học phí tại Thàng ủy Hà Nội chiều 9/8. ảnh: Ngọc Quang.


Đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, mức thu cũng thấp hơn nhiều so với Nghị định 86 của Chính phủ.

Theo đó, ngân sách cấp chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đào tạo tại Hà Nội năm 2015 – 2016 xấp xỉ 223 tỷ đồng; trong khi đó tổng số thu học phí chỉ đạt được khoảng 81,6 tỷ đồng (số chẵn) – tức là chỉ chiếm 26,8% tổng chi phí đào tạo (bao gồm chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp).

Như vậy, ngân sách nhà nước đang bù hơn 100 tỷ đồng mỗi năm cho nhóm các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại Hà Nội. Trong khi đó, chất lượng đào tạo của các trường công lập nói chung vẫn đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Theo ông Quang, do học phí duy trì ở mức thấp dẫn đến các cơ sở giáo dục không đủ nguồn tài chính để bù đắp chi phí đào tạo, tái đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo.

“Hầu hết các cơ sở giáo dục đều trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, chưa thực sự quyết liệt trong triển khai lộ trình chuyển đổi sang mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính theo quy định của Trung ương”, ông Quang cho hay.

Xuất phát từ thực tế trên, Hà Nội triển khai thu học phí 2016 – 2017 tăng so với năm học trước.

Cụ thể mức thu đối với mầm non và phổ thông công lập áp dụng ở 3 mức tăng khác nhau: Vùng thành thị thu 80.000đ/học sinh/tháng (tăng 20.000 đồng/tháng); Vùng nông thôn thu 40.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 10.000 đồng/tháng); Vùng miền núi thu 10.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 2.000 đồng/tháng).

Đối với khu vực thành thị, lộ trình học phí sẽ tiếp thục tăng ở những năm sau đó. Đến năm 2017 – 2018 tăng lên 110.000 đồng/học sinh/tháng và lên mức 300.000 đồng/học sinh/tháng năm học 2020 – 2021.

Đối với 26 cơ sở đào tạo giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công lập, Hà Nội không thực hiện thu học phí đối với Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây và Trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo – Nhà trẻ Hà Nội, với chuyên ngành đào tạo sư phạm.

Ông Lê Ngọc Quang cho biết, học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của người học.

Các đơn vị sẽ có lộ trình tăng mức học phí khác nhau, cụ thể là năm học 2016-2017 đến năm học 2019-2020, một số trường cùng chuyên ngành, cùng loại hình đào tạo sẽ có mức thu học phí khác nhau.

Năm học 2020 – 2021 tất cả các chuyên ngành, cùng loại hình đào tạo sẽ có mức thu học phí bằng nhau, áp dụng theo mức trần Nghị định 86/2015 của Chính phủ.

Trước băn khoăn liệu lần tăng học phí này ở các trường công lập có khiến cho các trường tư thục, dân lập tăng học phí cao hơn và trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình?

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, khối các trường tư thục, dân lập sẽ phải chủ động trong vấn đề thu học phí phù hợp với chất lượng đào tạo từng trường.

Đây là vấn đề không đáng lo ngại, vì nếu trường nào tăng học phí lên cao nhưng chất lượng không tương xứng thì phụ huynh có quyền lựa chọn trường khác.

Tác giả bài viết: Ngọc Quang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok