Số hóa

Nhà mạng đua cước 4G, cuộc chơi mới của các đại gia viễn thông

Manh mún vài năm qua nhưng đầu năm 2018, xu hướng dịch chuyển thanh toán về cước data (dữ liệu) thay cho cước thoại và SMS rõ nét hơn. Đây được xem là xu hướng trên toàn cầu và doanh thu chính của nhà mạng sẽ đến từ dịch vụ dữ liệu thay vì dịch vụ thoại như trước đây.

Cuộc đua bắt đầu

Đến thời điểm này, 3 nhà viễn thông lớn nhất Việt Nam đã công bố tăng dung lượng 4G lên gấp nhiều lần cho người dùng nhưng giá không đổi. Động thái này sẽ mở ra một cuộc đua về dịch vụ 4G nóng bỏng trong thời gian tới.

Mở màn là Viettel, ngay đầu tháng 5 năm nay, nhà mạng này đã tuyên bố tăng gấp 5 lần dung lượng 4G cho người dùng và không tăng giá. Cụ thể, các gói cước từ 70.000 đến 200.000 đồng vẫn giữ nguyên nhưng dung lượng tăng từ 600 MB lên 3 GB hoặc 3 GB lên đến 15 GB.

Đến cuối tháng 6, VinaPhone và MobiFone đồng loạt gây "sốc" khi tuyên bố tăng gấp 6 lần gói dung lượng 4G và tất nhiên giá không đổi.

Phía VinaPhone cho biết, gói cước bao gồm MAX70 đến MAX200 sẽ tăng gấp 6 lần dung lượng, từ 600 MB lên đến 3,8 GB/tháng và giá không đổi, bắt đầu từ 70.000 đồng.

MobiFone cũng tương tự, áp dụng cho hầu hết các gói cước, tăng gấp 6 lần, từ 600 MB lên 3,8 GB và giá không đổi.

MobiFone cũng cho biết tất cả các thuê bao di động trả trước, trả sau của nhà mạng này khi đăng ký mới hoặc gia hạn thành công gói cước data cơ bản bất kỳ đều sẽ được hưởng chính sách mới nêu trên.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng các phương thức liên lạc truyền thống đang giảm mạnh trong thời gian thì việc chuyển đổi là điều cần thiết, bắt kịp xu hướng. Theo một đại diện nhà mạng lớn, thực tế hiện nay hàng loạt phương thức liên lạc mới như các ứng dụng OTT, mạng xã hội… Đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng thu hút đông đảo người dùng, thì việc kết nối Internet mọi lúc, mọi nơi lại càng trở nên cần thiết. Do đó, để tạo lợi thế cạnh tranh, các nhà mạng sẽ liên tục thay đổi công nghệ để mang lợi ích đến khách hàng.

Giá chưa là quyết định chính!

Tuy nhiên, bài toán đau đầu nhất vẫn là tốc độ dữ liệu và sự ổn định. Theo vị đại diện trên, cuộc đua dịch vụ 4G không còn là bài toán giá cước, gói cước nhiều dung lượng mà còn phụ thuộc rất lớn vào chất lượng dịch vụ, tốc độ đường truyền để giữ chân khách hàng.

Điều này khá rõ nét khi dịch vụ 4G bắt đầu triển khai ở Việt Nam, các nhà mạng tung ra gói cước gây sự bất ngờ lớn. Khi so với thế giới, gói cước của các nhà mạng Việt Nam thuộc dạng top rẻ nhất.

Dựa trên thống kê từ Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), giá cước trung bình 4G của Việt Nam là 1,75 USD/GB, chỉ cao hơn Pháp và Ấn Độ với lần lượt là 0,4 và 1,05 USD/GB. Trong khi đó, khi so với quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan và Singapore gói cước 4G của Việt Nam rẻ hơn khá nhiều. Giá cước trung bình của Thái Lan và Singapore lần lượt là 5,4 USD/GB và 10 USD/GB.

Mặc dù được đánh giá là rẻ và dễ tiếp cậ nhưng thống kê cũng chỉ ra điều mà người dùng mong mỏi đó là chất lượng dịch vụ cũng như tốc độ truyền tải mà các nhà mạng mang đến.

Quay trở lại câu chuyện 3G của những năm trước. Mặc dù gói cước 3G của các nhà mạng luôn hấp dẫn trong khu vực nhưng tốc độ kết nối lại thuộc dạng bét bảng.

Báo cáo di động của công ty cung cấp các dịch vụ viễn thông Ericssion, Singapore đã vượt qua Úc, Thái Lan để trở thành nước cung cấp mạng di động nhanh nhất hiện nay trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam đứng cuối danh sách trong số 9 nước được khảo sát về chất lượng mạng dữ liệu di động.

Theo Ericssion, tốc độ 3G ở Việt Nam đang thấp nhất khu vực, chỉ đạt 160 kb/giây, thua xa các nước Philipine, Bangladesh, Myanmar.

Do đó, từ câu chuyện của 3G, các nhà mạng cần có những chính sách phù hợp hơn với 4G, nâng cao tốc độ đường truyền cũng như đảm bảo kết nối cho người dân đúng như cam kết đã công bố.

Tác giả: Gia Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: gói cước 4g , 4G , cuộc đua , nhà mạng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok