Trong nước

Nhà khoa học nói gì trước băn khoăn "được cả thép lẫn cá"?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cùng GS Mai Trọng Nhuận khẳng định với Góc nhìn thẳng, nếu Bộ, Chính phủ triển khai các giải pháp quyết liệt, Việt Nam vẫn sẽ được cả thép và cá.

Chương trình bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Làm thế nào được cả thép và cá?"do báo điện tử VietnamNet tổ chức, phát trực tiếp và tương tại tại chuyên mục Góc nhìn thẳng đã diễn ra vào chiều qua, 24/8.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và GS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về sự cố ô nhiễm biển miền Trung đã trao đổi trực tiếp, trả lời bạn đọc nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ sau hội thảo công bố hiện trạng biển miền Trung mới đây.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng trân trọng giới thiệu bạn đọc trích đoạn chương trình này. Video đầy đủ chương trình xin xem thêm tại đây.

Mời bạn đọc theo dõi tại clip sau:


Nhà báo Phạm Huyền:Tôi nhớ cách đây 2 tháng, nhiều chuyên gia và nhà khoa học lên tiếng nói rằng, phải 50 năm trở lên, môi trường sinh thái biển miền Trung mới có thể trở lại hiện trang trước khi có sự cố xả thải gây ô nhiễm của Formosa. Thế nhưng tại hội thảo vừa qua, kết quả công bố cho thấy đã có cá nhỏ xuất hiện, người dân đã tắm được. Vậy những thông tin này có mẫu thuẫn, khác biết nhau không? Chúng ta cần hiểu mức độ an toàn, mức độ sạch ở vùng biển này như thế nào?

GS Mai Trọng Nhuận: Thứ nhất, hai thông tin đó không hề mâu thuẫn gì với nhau cả.

Môi trường biển đang bắt đầu hồi phục, chứ chưa phải phục hồi xong. Tốc độ phục hồi sinh thái biển còn tùy thuộc vào nhiều thứ và tuỳ thuộc vào các dặng san hô, tùy thuộc vào mức độ bị tác động của chất thải. Bởi có những nơi bị hủy diệt tới 90% và bị những mảng bám của kéo sắt còn dày, rất lớn thì những chỗ đó cần phải có thời gian rất dài mới có thể phục hồi hoàn toàn được. Nhưng những chỗ bị tác động ít hơn, hoặc có thuận lợi của môi trường biển thì nó lại có thể phục hồi nhanh hơn.

Như vậy, việc hôm nay hồi phục và hồi phục hoàn toàn là rất khác nhau. Để có thể nói bao nhiêu năm nữa cho quá trình này thì cần nghiên cứu định lượng trong nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường sắp tới.

An toàn ở đây là an toàn hệ sinh thái biển, an toàn đối với biển đánh bắt, sử dụng thuỷ hải sản. Thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường là cực kỳ quan trọng, là dữ liệu nền cho việc đánh giá chu trình hay mức độ tích lũy độc tố theo chuỗi thức ăn để chúng ta có thể đánh giá dự báo độc tố tích lũy thế nào và đến bao giờ chúng ta mới có thể ăn hải sản được.

Đời sống ngư dân bị đảo lộn khi cá chết hàng loại bởi Formosa xả thải chất độc (ảnh: theo Vneconomy)

Trên cơ sở đó chúng ta mới có thể đánh giá được sự an toàn đối với từng loại sinh vật. Nhưng tôi xin khẳng định, kết quả nghiên của Bộ Tài nguyên và Môi trường là tin cậy cho việc tắm biển an toàn, hoạt động thể thao ở dưới nước là an toàn. Bản thân những nhà khoa học họ đã tắm biển, hôm nay vẫn trở về bình thường thì đó là dấu hiệu để chúng ta có thể khẳng định rằng là an toàn.

Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông Tùng, ông có thể cho biết thêm, vòng đời của san hô hay các sinh vật biển mất bao lâu để được như trước kia?

Ông Hoàng Dương Tùng: Theo các nhà khoa học, mỗi năm rạn san hô trung bình phát triển thêm 2 - 3 cm. Theo tôi, chúng ta sẽ mất thời gian khá dài để các rạn san hô có thể phát triển tới chiều dài 30- 40cm như trước đây. GS Nhuận đã giải thích, các rạn san hô đã bắt đầu có dấu hiệu khôi phục, không còn dấu hiệu chết chóc nữa và đã có mầm sống, san hô bắt đầu nhú. Nhưng để nói đến bao giờ như trước, được 30-40 cm sẽ cần rất nhiều thời gian.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường có nói, miền Trung sản xuất được cả thép cả cá. Người dân đang thực sự băn khoăn về điều này? Xin ông có thể phân tích cụ thể hơn?

Ông Hoàng Dương Tùng: Vừa qua, chúng ta đã thấy ở đâu đó, một số địa phương, một số ngành nghề có hiện tượng hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Cá và thép ở đây là bài toán phát triển bền vững. Bài học Formosa một lần nữa khẳng định, chúng ta không được hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Trong buổi họp trực tuyến sáng nay về môi trường, Thủ tướng đã nhắc lại điều này. Chúng tôi thấy đây là thông điệp rất đúng.

Chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ môi trường của họ, sao cho vừa sản xuất, vừa phát triển kinh tế nhưng không được gây ô nhiễm. Những nơi nào, loại hình nào gây ô nhiễm hoặc có khả năng gây ô nhiễm cao, chúng ta cần cương quyết từ chối. Chúng tôi được biết, vừa rồi có nhiều địa phương cũng đã từ chối các dự án đầu tư lớn nhưng có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao và đã được thủ tướng khen ngợi trong buổi họp sáng nay.

GS Mai Trọng Nhuận: Tôi nghĩ thêm, ngoài việc quản lý nhà nước rất nghiêm ngặt như anh Tùng vừa nói thì một phần quan trọng nữa, bản thân các doanh nghiệp phải nâng cao tính trách nhiệm xã hội, phải nâng cao trách nhiệm của mình đối với những vùng mà, những đất nước mà mình đến vì cái đó là đạo đức của người kinh doanh. Cần phải đảm bảo môi trường tuyệt đối an toàn cho chính xí nghiệp của mình, cho những người dân xung quanh đó. Còn nếu không, chúng ta phải đánh đổi rất nhiều.

Tôi ví dụ, như Formosa hiện nay, họ đánh mất uy tín trên toàn cầu, cái giá họ trả là rất lớn. Thứ 2, người dân ở đó họ khốn khổ như thế nào. Thứ 3, tôi nghĩ rất quan trọng để đảm bảo vừa có thép, vừa có cả cá đó là sự giám sát của cộng đồng như Hiến pháp có nói người dân có quyền giám sát Nhà nước và giám sát doanh nghiệp. Do đó, chúng ta cần nâng cao vai trò của người dân trong việc giám sát, đặc biệt là trong việc giám sát khâu xả thải.

Nhà báo Phạm Huyền: Bạn đọc Thanh Loan có gửi một câu hỏi tới Fanpage Vietnamnet rằng: "Thưa Phó Tổng cục trưởng Tùng và GS Nhuận, rõ ràng Formosa sẽ còn là vấn đề rất lâu dài, khi sự cố cá chết chưa kịp lắng, lại tiếp tục phát sinh các sự cố mới về chất thải rắn hay chất thải nguy hại.

Rõ ràng, lời của ông Chu Xuân Phàm ngày này không hề sai: chọn gang thép hay chọn tôm cá, và có lẽ ai cũng hiểu rằng đây là quy luật đánh đổi tự nhiên. Song, vấn đề ở đây không phải là con tôm, con cá, mà còn là vấn đề về hệ sinh thái biển và còn rất nhiều thứ nữa chúng ta có thể hoặc không thể gọi tên.

Vậy các nhà chuyên môn và các nhà quản lý đã có những giải pháp gì trong ngắn hạn và dài hạn để ngăn chặn Formosa nói riêng cũng như các doanh nghiệp FDI nói chung và các doanh nghiệp trong nước cố tình lách luật?

Vâng, câu hỏi này xin dành cho nhà quản lý, mời ông Hoàng Dương Tùng chia sẻ ý kiến ạ?

Ông Hoàng Dương Tùng: Qua vụ Formosa vừa rồi, chúng ta đã thấy một loạt vấn đề phải đương đầu, từ hệ thống pháp luật cần phải chỉnh sửa, bổ sung như thế nào để lấp các kẽ hở. Hiện nay đã có rất nhiều văn bản pháp luật được bổ sung cũng như các biện pháp kỹ thuật, ví dụ như các hệ thống quan trắc tự động theo dõi 24/24 để chúng ta sát sao các thông số trước khi xả thải ra môi trường.

Sắp tới đây, chính phủ, Bộ TNMT sẽ triển khai kiểm tra lại các cơ sở, nguồn gây ô nhiễm lớn, các nguồn thải cả trong không khí, nước và rác xả thải, đồng thời phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ ngành, các địa phương. Sáng nay, như Thủ tướng đã nhấn mạnh, trách nhiệm bảo vệ môi trường sẽ được giao cho người đứng đầu các địa phương. Như vậy, sự phối hợp giữa các bộ ngành, các địa phương từ trên xuống dưới với việc ứng dụng các công nghệ, nâng cao công tác quản lý để thực hiện được chiến lược phát triển bền vững của chúng ta.

Nhà báo Phạm Huyền: Ở câu hỏi của bạn đọc này, có thể thấy nổi lên vấn đề, dù quy định, chế tài đã rõ và các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã làm hết sức mình thì vẫn còn thói quen xấu của một bộ phận các doanh nghiệp vẫn lách luật, tìm mọi cách vì lợi nhuận sẵn sàng hủy hoại môi trường. Thưa GS Nhuận, ông có tin về hiệu lực quản lý của nhà nước trước tình trạng các doanh nghiệp như hiện nay hay không?

GS Mai Trọng Nhuận: Tôi nghĩ, hệ thống quy phạm pháp luật của chúng ta là đủ hết rồi, qua sự cố chúng ta cần phải chú ý hơn đến tổng lượng chất thải chứ không phải chỉ hàm lượng độc tố trong nước thải trong tiêu chuẩn đạt hay không đạt.

Hàm lượng thì nhỏ nhưng tổng lượng phát thải cần chú ý và giới hạn tổng lượng phát thải trong một ngày đêm bao nhiêu để dưới mức độ hồi phục được, sự chịu đựng của sinh thái biển.

Câu hỏi rất hay là liệu hiệu lực quản lý của Nhà nước chúng ta có đáp ứng được không thì tôi nghĩ, có 2 khía cạnh.

Ngoài áp dụng các biện pháp chế tài theo luật pháp thì cần phải có sự tham gia của cộng đồng khoa học, là đối tượng khách quan cho cả 2 phía, cả nhà quản lý và nhà doanh nghiệp. Họ có thể kiến nghị các giải pháp cho cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các biện pháp dừng hay là phạt, thậm chí là khởi tố nếu các doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Tôi tin 4 tháng vừa qua, Bộ Tài nguyên và môi trường đã áp dụng đồng bộ rất quyết liệt các giải pháp từ cơ sở khoa học thì có thể yên tâm, chúng ta có thể yên tâm sẽ vừa có thép và vừa có cả cá.

Ông Hoàng Dương Tùng: Tôi cũng xin bổ sung là, như GS Nhuận đã nói, chúng ta phải kiểm soát cả tổng lượng. Hiện nay Luật Bảo vệ môi trường cũng đã nêu, không chỉ quản lý môi trường bằng nồng độ mà còn tính đến cả khả năng chịu tải, chẳng hạn như khả năng chịu tải của dòng sông, không khí, biển, ...

Tiến tới, chúng ta sẽ tính toán quota xả thải để đảm bảo lưu vực sông đó không bị ô nhiễm. Hiện có nhiều công cụ khác nhau và đây là vấn đề mới đối với Việt Nam nên chúng ta cần thêm thời gian nghiên cứu. Song luật đã nêu ra và hy vọng rằng, trong 1 - 2 năm tới, chúng ta sẽ đưa ra các công cụ như vậy để quản lý tốt hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn các khách mời!

Thực hiện: Phạm Huyền- Thanh Bình- Văn Hùng- Hoàng Long

Clip: Đức Yên, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Xuân Quý, Thuý Hồng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok