Từ tháng 6, người Hong Kong đã biểu tình phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi về Trung Quốc đại lục. Mặc dù chính quyền đặc khu đã tuyên bố rút hẳn dự luật, tuy nhiên, người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường nhằm đưa thêm nhiều yêu cầu khác dẫn tới sự đảo lộn trong cuộc sống thường nhật, kinh tế, chính trị, xã hội của hòn đảo trong 3 tháng qua.
Trong bối cảnh đó, BBC dẫn thống kê từ các công ty làm việc trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho thấy có một sự tăng trưởng nhanh số lượng người Hong Kong quan tâm tới chương trình thị thực theo mô hình đầu tư ra nước ngoài.
Đây là mô hình tồn tại trên khắp thế giới, nổi bật là ở châu Âu và vùng Caribe. Thông thường, các quốc gia sẽ yêu cầu người nộp đơn phải mua bất động sản, trái phiếu chính phủ hay đầu tư một khoản nhất định để đổi lấy thị thực. Nó thường được gọi là “thị thực vàng”.
Khoản đầu tư là khác nhau theo quy định của từng nước, dao dộng từ mức thấp nhất 100.000 USD (tại Antigua & Barbuda) cho tới 2,2 triệu USD dưới dạng đầu tư bất động sản ở Đảo Síp.
Công ty tư vấn nhập cư John Hu trụ sở tại Hong Kong đã chứng kiến doanh số của họ tăng gấp 4 lần cũng như nhu cầu về “thị thực vàng” của người địa phương cũng tăng mạnh kể từ tháng 6. Người sáng lập John Hu cho rằng tình hình bất ổn tại Hong Kong thời gian qua giống như một phần động lực cho sự tăng trưởng nói trên và những người đầu tư vào “thị thực vàng” coi như là họ bỏ tiền để mua sự bảo đảm cho tương lai.
Công ty trên đã thực hiện 30 đơn xin “thị thực vàng” cho những người muốn tới Ireland từ tháng 6, mô hình đòi khỏi khoản đầu tư 550.000 tới hơn 1 triệu USD.
Một công ty tư vấn nhập cư khác Arton Capital cho biết các yêu cầu tư vấn ở Hong Kong cho chương trình “thị thực vàng” tại công ty này tăng gấp đôi kể từ trước khi biểu tình diễn ra.
“Bồ Đào Nha là điểm đến hấp dẫn với người Hong Kong vì giá bất động sản khá phải chăng trong khi giá đất và nhà ở hòn đảo cao chót vót”, ông Philippe May, trưởng bộ phận châu Á Thái Bình Dương tại Arton Capital, nói.
Tuy nhiên, Paddy Blewer, giám đốc quan hệ công chúng của công ty tư vấn Henley & Partners nói rằng tình trạng trên xảy ra không chỉ vì vấn đề nội bộ của Hong Kong có xu hướng diễn biến phức tạp.
Nhiều khách hàng chỉ đơn giản là muốn xin thị thực hoặc thường trú nhân ở các quốc gia khác để gia tăng cơ hội du lịch, đầu tư ở một nước thứ 3 hoặc để du học.
“Họ muốn đầu tư vào nơi mà họ muốn, sống ở quốc gia họ thích. Họ muốn con cái họ học đại học ở nước ngoài để tiếp cận với phần còn lại của thế giới”, ông Blewer lý giải.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí