Kinh tế

Nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá việc mua đứt Oceanbank

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang trong giai đoạn 2 của quá trình đánh giá toàn diện Oceanbank. Nhà đầu tư rất nghiêm túc trong việc mua lại ngân hàng này với hình thức 100% vốn nước ngoài.

Ngân hàng Oceanbank

Đang trong giai đoạn 2 việc đánh giá toàn diện Oceanbank

Chia sẻ của ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tại buổi họp báo Diễn đàn M&A Việt Nam 2017.

Ông Thọ cho biết, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang trong giai đoạn 2 của việc đánh giá toàn diện Oceanbank. Tuy nhiên, theo ông, việc mua lại một ngân hàng không đơn giản vì tài sản, công nợ ngân hàng rất đa dạng. Ngân hàng cũng có nhiều tài sản chuyên sâu như hoạt động tín dụng, hoạt động bảo lãnh, thanh toán và mạng lưới ngân hàng trải dài trên toàn quốc với nhiều chi nhánh.

"Nhà đầu tư nước ngoài này rất nghiêm túc và quan tâm đến mua lại ngân hàng Oceanbank dưới hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài", Vụ trưởng Bùi Huy Thọ chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Thọ cho biết, cả 3 ngân hàng mua lại bắt buộc, ngoài Oceanbank, 2 ngân hàng còn lại (VNCB và PGbank) hiện giờ có nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề bước đầu tham gia tái cơ cấu mua lại ngân hàng này. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đồng ý cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận với các ngân hàng để có được thông tin bước đầu đánh giá và có được những quyết định các bước tiếp theo.

Vụ trưởng cũng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào việc tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng, ngân hàng yếu kém.

Diễn biết hoạt động ngân hàng vẫn tích cực

Ngoài ra vị đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ xung quanh quan điểm lo ngại những tín hiệu không tích cực trong hoạt động M&A lĩnh vực ngân hàng khu CBA bán đi chi nhánh của mình cho VIB và HSBC thoái vốn khỏi Techcombank.

Theo ông Thọ, hoạt động trên không phản ánh hiện tượng tiêu cực trong hoạt động ngân hàng.

Vụ trưởng Bùi Hữu Thọ lý giải, thương vụ VIB mua lại chi nhánh ngân hàng ngoại Commonwealth Bank of Australia (CBA) do chủ trương đóng cửa chi nhánh để tập trung vào quan hệ cổ đông chiến lược với VIB của CBA. Ngược lại, HSBC đang là ngân hàng có 100% vốn nước ngoài vì vậy không có nhù cầu cổ đông chiến lược tại Techcombank nữa.

"Điều này phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm đầu mối ngân hàng, tăng quy mô và hiệu quả động của cổ đông chiến lược", ông Thọ khẳng định.

Ông Thọ chia sẻ thêm, lần này VIB mua lại chi nhánh CBA nhưng không mua lại vốn, chỉ mua lại tài sản công nợ. CBA muốn dùng toàn bộ vốn điều lệ tại ngân hàng này để tăng vốn góp tại VIB nhưng bị giới hạn bởi điều kiện room ngoại tại ngân hàng này (vì VIB là ngân hàng bình thường, cổ đông chiến lược chỉ được phép giữ lượng vốn nhất định là 20% dù CBA rất tha thiết tăng vốn góp vào VIB).

Ngoài ra ông Thọ cũng cho biết, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu vừa được thông qua cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc M&A trong lĩnh vực ngân hàng. Bởi các nhà đầu tư nước ngoài cũng có thêm các điều kiện để xử lý các khoản nợ xấu ngân hàng theo quy định của Nghị quyết.

Tác giả: Nam Anh

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok