Kinh tế

Nhà 100 tỷ đóng thuế gần 6 triệu: Dân giàu giấu tiền vào nhà đất

Một căn nhà 100m2 ở đường Đồng Khởi, quận 1, có giá thị trường lên đến trên 1 tỷ đồng/m2 nhưng thực tế mức thuế mà người sử dụng đất ở phải nộp hàng năm chỉ 5,82 triệu.

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, đã quy định các loại đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở tại đô thị, là đối tượng chịu thuế; áp dụng thuế suất 0,03% trên bảng giá đất, đối với diện tích đất ở trong hạn mức; áp dụng thuế suất 0,07% đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức; và áp dụng thuế suất 0,15% đối với phần diện tích đất ở vượt trên 3 lần hạn mức.

Giá đất tính thuế được tính theo bảng giá đất của thành phố lại chỉ bằng khoảng 30-40% giá đất thực tế trên thị trường, nên mức thuế phải nộp rất thấp dẫn đến nguồn thu ngân sách cũng rất thấp, chỉ chiếm 0,03% GDP và 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước.

Đơn cử, căn nhà 100 m2 ở đường Đồng Khởi, quận 1, có giá 194 triệu đồng/m2 theo bảng giá đất (trong lúc giá thị trường lên đến trên 1 tỷ đồng/m2), giá tính thuế là 194 triệu x 100m2 = 19,4 tỷ đồng, mức thuế mà người sử dụng đất ở phải nộp hàng năm là: 19,4 tỷ x 0,03% = 5,82 triệu đồng/năm. Ở nước ta đến nay vẫn chưa đánh thuế tài sản nhà ở.

Nhà trăm tỷ nhưng mức đóng thuế rất thấp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thuế tài sản là loại thuế được ra đời rất sớm. Nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt là thu từ thuế sử dụng đất, đóng góp chủ yếu vào ngân sách nhà nước các địa phương.

Nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó, Canada là 4%, Mỹ trong khoảng từ 1 đến 3%. Nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% tại các nước đang phát triển và 0,68% tại các nước đang chuyển đổi.

Đây là loại thuế trực thu, có khả năng huy động tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì thuế đánh vào những tài sản cụ thể, trước hết là nhà và đất. Xu thế cải cách thuế tài sản trong thời gian gần đây tại một số nước như Canada, Úc, Malaysia,... theo hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, và mở rộng đối tượng thu thuế tài sản.

Đánh thuế tài sản đối với nhà, đất để tạo nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định, dài hạn, bền vững. Tại tiểu bang California, có nơi thu thuế tài sản nhà đất là 1,21%/năm thì trong khoảng 82 năm sẽ thu thuế được 100% giá trị tài sản nhà đất, và cứ tiếp tục nguồn thu thuế ổn định này.

Theo nhận định của các chuyên gia, đánh thuế đối với người có nhiều nhà, đất (từ nhà thứ 2 trở đi) để phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản; tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu thật tiếp cận nhà ở. Trường hợp xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản sốt "bong bóng", cần xem xét đánh thuế cao đối với việc chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua (có thể tính trong năm đầu tiên) để phòng chống đầu cơ, giúp ổn định thị trường bất động sản.

Kiến nghị đánh thuế tài sản

Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% đối với nhà chung cư; khoảng trên dưới 30% đối với nhà phố; khoảng trên dưới 50% đối với nhà biệt thự. Do vậy, nếu ban hành Luật thuế tài sản mà không sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất thì sẽ không hợp lý.

Hiệp hội đề nghị thay đổi cách tính tiền sử dụng đất hiện nay, cần chuyển đổi thành sắc thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất.

Kiến nghị thu thuế nhà thứ hai

Hiệp hội kiến nghị, không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn; trước mắt không thu thuế này đối với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Không thu thuế này đối với các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77m2.

Trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất bậc thang tùy theo số lượng và giá trị tài sản.

Trường hợp xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản sốt "bong bóng", đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thẩm quyền ban hành thuế suất chống đầu cơ, đánh thuế cao đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua (có thể tính thời gian trong năm đầu tiên) để giúp ổn định nhanh thị trường bất động sản.

Về lộ trình ban hành Luật Thuế tài sản, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính vẫn thực hiện lộ trình ban hành Luật này trước năm 2020 như đã dự kiến trước đây.

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị ban hành sắc thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thay thế chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất hiện nay, để đảm bảo tính đồng bộ và sự thống nhất của pháp luật, hoàn thành nhanh việc cấp "sổ đỏ" cho các bất động sản nhà, đất.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia, trong đó có cơ sở dữ liệu nhà, đất quốc gia, liên thông các ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được cập nhật theo thời gian thực; đặc biệt, cần phải hoàn thành thật nhanh, thật chuẩn xác việc cấp thẻ căn cước công dân, xác định mã số định danh cá nhân, để biết rõ người đang sở hữu nhà ở, sử dụng đất ở.

Tác giả: Nam Hải

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: giấu tiền , Dân giàu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok