Trong nước

Nguyên thứ trưởng: Bàn về đặc khu không nên quá cầu toàn

An toàn rất quan trọng nhưng an toàn quá dẫn đến chậm là không được. Không nên cầu toàn nữa, đã tính toán kĩ rồi thì hãy mạnh dạn đưa ra để thực hiện - GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp chia sẻ về việc thành lập 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

“Đầu tàu” kéo nền kinh tế

Theo ông, việc xây dựng 3 đặc khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong sẽ mang lại lợi ích gì cho quốc gia?

Đặc khu Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong rất có tiềm năng về biển, du lịch, công nghệ… Tuy nhiên, tiềm năng đó đặt trong cơ chế cũ khó có thể phát triển vượt bậc, có chăng chỉ nhanh hơn các địa phương khác một chút. Vì vậy, nếu chúng ta tạo ra cơ chế hoàn toàn mới, với nhiều ưu trội về thể chế sẽ thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài mà cả trong nước.

Khi 3 đặc khu này tạo ra sự đột phá thì sau này sẽ trở thành động lực rất lớn để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế đi lên. Thậm chí, nhiều người còn hy vọng nó trở thành “đầu tàu” kéo nền kinh tế tiến lên nhanh hơn.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định các đặc khu này sẽ thành công nếu được trao cho một “thể chế vượt trội”. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần “lót ổ” chính sách mới có thể thu hút “đại bàng”,” phượng hoàng” đến làm tổ vì các quốc gia tiên tiến trên thế giới đã xây dựng thành công mô hình đặc khu từ nhiều chục năm nay rồi. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Yêu cầu lớn khi ban hành luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là phải tạo ra cơ chế vượt trội. Nếu đặc biệt mà không có thể chế vượt trội, không khác với hệ thống hiện tại, không thuận lợi hơn, đột phá hơn thì không gọi là đặc biệt nữa.

Rất nhiều điểm đặc biệt mà dự thảo luật đã đưa ra, nhất là về thẩm quyền của bộ máy ở đặc khu. Theo tính toán, Chủ tịch UBND đặc khu có đến 128 quyền hạn, tập trung quyền lực để đề cao trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó cũng có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ để người đứng đầu không lạm quyền.

Với việc tập trung quyền như vậy, thủ tục hành chính sẽ đỡ vòng vo, đơn giản, gọn nhẹ hơn, chi phí cũng thấp hơn.

GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp

Trong dự thảo luật, những cơ chế ưu đãi về kinh tế tương đối rõ nét và đủ sức hấp dẫn. Tuy nhiên vượt trội về tư pháp, tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào hệ thống tư pháp còn ở mức độ khiêm tốn. Ngoài tạo ra ưu thế, ưu đãi, tăng tính hấp dẫn để nhà đầu tư vào, cần phải tính đến an toàn, có thiết chế để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nói tóm lại, hấp dẫn và an toàn chính là điều nhà đầu tư mong đợi nhất khi đầu tư vào các đặc khu này.

Cần giải pháp “sốc” ở 3 đặc khu kinh tế

Vậy theo ông, khung thể chế hiện nay trong dự thảo luật liệu đã đủ sức cạnh tranh và đảm bảo tính vượt trội hay chưa?

Ba đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được kỳ vọng sẽ đem lại những đột phá mới trong phát triển kinh tế nhờ hàng loạt ưu đãi vượt trội được quy định trong dự thảo luật. Phải kể đến các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước... Với thể chế kinh tế đó, tôi thấy rất tốt, vượt trội hơn hẳn so với toàn quốc và rõ ràng các nhà đầu tư sẽ thấy hấp dẫn.

Ngoài ra, các nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng như thể chế hành chính hiện đại, ổn định, cơ chế, chính sách ưu đãi cạnh tranh ở mức cao nên khả năng thu hồi vốn nhanh.

Có ĐBQH cho rằng, chúng ta đã bàn thảo quá nhiều về việc xây dựng đặc khu, nên hãy mạnh dạn thí điểm xây dựng 3 đặc khu để tạo hiệu ứng lan tỏa vùng và làm hình mẫu cải cách tiến bộ cho các địa phương khác. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Rất đúng! Nếu cứ đưa ra thảo luận mãi mà không ban hành, đã chậm rồi còn chậm hơn nữa là thiệt cho dân, cho nước. Ở đây, chúng ta muốn tạo động lực mới mà chỉ ở 3 đặc khu là Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong thì nếu có sai sót, thậm chí sai lầm vẫn có thể khắc phục được.

Chúng ta chọn đổi mới từng bước vững chắc trên phạm vi toàn quốc. Giờ chúng ta vừa muốn vững chắc, vừa nhanh thì nên chọn một số nơi để tạo đột phá. Ưu tiên những giải pháp “sốc” ở 3 đặc khu. Nếu chỉ đạo quyết liệt, tạo “sốc” một cách mạnh mẽ và đảm bảo được thì đã làm được ở một vùng, sau này sẽ làm rộng hơn.

Tôi xin nhắc lại, an toàn rất quan trọng nhưng an toàn quá dẫn đến chậm là không được. Không nên cầu toàn nữa, đã tính toán kĩ rồi thì mạnh dạn đưa ra để thực hiện.

Tác giả: Thành Nam

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok