Trước những quan ngại về dòng người tị nạn của Ý, nguyên thủ của 28 quốc gia đã nhất trí thay đổi chế độ hỗ trợ và thêm vào một điều khoản nói rằng các nước EU có trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn trên tinh thần tình nguyện. Điều này sẽ cho phép Ý và Hy Lạp có quyền đồng ý hoặc từ chối thiết lập trại tị nạn trên lãnh thổ hai quốc gia này.
Nguyên thủ các nước EU trong hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra. Vấn đề người tị nạn đã được các bên thảo luận trong nhiều tiếng đồng hồ trước khi có tuyên bố cuối cùng. |
“Theo luật pháp quốc tế, các nước phải cùng nhau có trách nhiệm hỗ trợ những người cần được cứu giúp tại các trung tâm được thiết lập ở các quốc gia thành viên trên tinh thần tình nguyện, đồng thời thực hiện các thủ tục cần thiết để phân biệt giữa những người tị nạn trái phép phải trở về nước và những người cần sự bảo vệ của cộng đồng quốc tế”, tuyên bố chung của hội nghị Hội đồng Châu Âu cho biết.
Nguyên thủ các nước cũng kêu gọi “các quốc gia thành viên phải đảm bảo kiểm soát hiệu quả đường biên giới của mình với sự hỗ trợ về tài chính và vật chất của EU”, đồng thời nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc đưa người tị nạn trở về nước”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dành phần lớn ngày 28/6 để thảo luận với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte nhằm tìm kiếm bước đi tiếp theo cho EU. “Sự đoàn kết giữa các nước Châu Âu đã giành chiến thắng”, ông nói. “Châu Âu sẽ phải chấp nhận sống chung với sức ép của cuộc khủng hoảng di dân trong một thời gian dài. Chúng ta phải đứng vững trước thách thức này và bảo vệ chân giá trị của mình”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã có chính sách mở cửa cho người tị nạn đã khiến cho tình trạng người từ bên ngoài ồ ạt tràn vào Châu Âu, đã lên tiếng ủng hộ kết quả cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh, song bà nói rằng hiện vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
“Nhìn chung, sau một quá trình thảo luận căng thẳng về những đề tài cấp thiết nhất đối với Liên minh Châu Âu, việc chúng ta thống nhất một thỏa thuận chung là một tín hiệu tốt”, bà Merkel nói. “Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể xóa bỏ những bất đồng quan điểm”.
Hội nghị kết thúc vào lúc 4 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương) ngày 29/6 cũng bao gồm một thỏa thuận nhằm tăng cường an ninh biên giới và đẩy nhanh các thủ tục xem xét quyền tạm trú cho những người tị nạn và trục xuất những người không thỏa mãn những tiêu chí đề ra. Ngoài ra, việc phân bổ người tị nạn ra các nước thành viên trong EU khi nước tiếp nhận đã gặp số lượng người tị nạn quá lớn, điều mà Ý mong muốn, cũng đã được các nước thống nhất.
Trước đó, ông Conte đã từ chối chấp nhận tuyên bố chung của EU nếu nó không nêu ra vấn đề khủng hoảng người tị nạn. Ý, một trong những quốc gia gặp khó khăn trong việc quản lý dòng người di dân ồ ạt, đã yêu cầu các nước EU chia sẻ gánh nặng với mình.
Tác giả: Anh Tuấn
Nguồn tin: Báo Infonet