Không phải vắt sữa bò, anh ta là người hùng
Đến Việt Nam năm 2005 và thi đấu trong màu áo Thanh Hoá, Wandwasin Rodgers đánh dấu sự thành công của mình khi đóng góp 8 bàn thắng ở mùa giải 2006. Đó cũng là mùa giải mà Thanh Hoá thăng hạng V.League trong niềm hân hoan của cả tỉnh. Đã rất rất lâu rồi bóng đá nơi đây mới như sống lại, nhất là sau mùa giải thăng hạng hụt đầy cay đắng năm 2003.
Trong kí ức của người viết khi đó, trình độ của giải hạng Nhất không cao, cầu thủ ngoại được chọn theo yếu tố "khoẻ là ưu tiên số 1". Wandwasin Rodgers đầy sức mạnh, thắng trong mọi cuộc đấu tay đôi. Nhưng chàng tiền đạo người Kenya lại xử lý bóng hơi vụng về, cũng có thể nói là chưa hiểu nhiều về bóng đá.
HLV Trần Văn Phúc từng có ý định trả Rodgers về "nơi sản xuất", nhưng anh có những ưu điểm khiến ông thầy khó tính phải suy nghĩ. Anh không phải cầu thủ chuyên nghiệp như lời quảng cáo, bù lại anh làm việc như một cái máy. Sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của HLV đề ra, anh nỗ lực tập luyện gấp đôi so với người bình thường.
Hợp đồng được kí kết với mức lương 1.500 USD/tháng, một con số không cao nhưng phù hợp với tài chính của "nhà nghèo" Halida Thanh Hoá. Với Rodgers, sau này anh tiết lộ rằng 1.500 USD và chỉ việc đá bóng đã là giấc mơ của chàng trai sinh năm 1981.
Ở quê nhà Kenya, mỗi ngày Nguyễn Rodgers (tên sau khi nhập tịch) dành phần lớn thời gian trên nông trường sữa bò. Công việc theo mô tả của anh là đầy vất vả, lương tháng chừng 300 USD nhưng lần nào cũng bị cắt xén. Anh chẳng hề giấu diếm gì quá khứ của mình, Rodgers nói rằng anh sẽ cố gắng để được kí hợp đồng bằng đúng năng lực đá bóng cuả mình.
Sự tận tuỵ được ghi nhận
Thanh Hoá là một trong những đội bóng may mắn sở hữu nhiều ngoại binh ở đẳng cấp cao của bóng đá Việt Nam. So với những Ceh, Omar, Patyio, Abass,...Rodgers không thể bằng về chuyên môn. Nhưng sự tận tuỵ của anh với đội bóng đã thay đổi cuộc đời mình là điều không phải bàn cãi. Khi không cạnh tranh được ở vị trí sở trường, Rodgers chấp nhận đá tiền vệ phòng ngự để tận dụng sức khoẻ của mình.
Các đời chủ tịch của đội bóng xứ Thanh đều cố gắng gia hạn hợp đồng với Rodgers bởi họ yêu quý sự tận tuỵ của anh. Khi đã có được tiền bạc và cuộc sống trong mơ, Rodgers vẫn vậy. Anh vẫn thường xuyên là người cuối cùng rời khỏi sân tập, anh vẫn chạy "ầm ầm" ở tuổi "băm". Anh không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những đồng tiền của mình.
Nhưng quả thật, để đi tìm sự trọn vẹn trong bóng đá là điều không hề đơn giản. Nguyễn Rodgers được nhập tịch, tiền lương vẫn tăng, thi đấu vẫn tốt. Nhưng, khi mọi thứ tưởng chừng như viên mãn và Rodgers có thể thi đấu thêm 2-3 năm cho đội bóng xứ Thanh thì chấn thương ập đến. Anh bị đứt dây chằng đầu gối, tập luyện "như điên" để trở lại rồi...tiếp tục đứt dây chằng.
Thanh Hoá vẫn cố gắng đưa ra một bản hợp đồng coi như tri ân Rodgers nhưng anh từ chối để gia nhập Đồng Nai. Sau đó là Cần Thơ và giải nghệ trong màu áo B.Bình Dương. Một đoạn kết không thành công nhưng cũng là phù hợp với Rodgers ở tuổi 35.
Giờ đây, cuộc sống của chàng tiền đạo cần mẫn ngày nào đã hạnh phúc tại quê nhà Kenya. Nhưng trong những trang kí ức huy hoàng của bóng đá Thanh Hoá, Rodgers xứng đáng được nhắc đến với những hình ảnh đẹp nhất về một tấm gương cho sự chăm chỉ.
Tác giả: Thế Sơn
Nguồn tin: Báo Thể thao TPHCM