Giáo dục

Nguyên chánh văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo Nghệ An nói gì?

Sau khi Báo NNVN đăng bài “Chuyện lạ ở Nghệ An: Làm việc ở thị trấn, hưởng lương khu vực rẻo cao biên giới”, ông Phạm Huy Đức, một giáo viên lâu năm, từng giữ chức CVP Sở GD- ĐT Nghệ An, đã có nhiều chia sẻ.

Chuyện lạ ở Nghệ An: Làm việc ở thị trấn, hưởng lương khu vực rẻo cao biên giới

Ông Phạm Huy Đức


Ông Đức cho biết: “Điều tôi băn khoăn nhất là việc bố trí đội ngũ công chức cho các Phòng GD- ĐT. Theo bài báo thì hầu hết cán bộ làm chuyên môn tại các Phòng GD- ĐT đều là cán bộ biệt phái. Vậy là đội ngũ này hiện không ổn định thì không thể tạo nên sức mạnh được. Điều thứ hai, các huyện làm theo kiểu “lách luật” nhiều quá! Cấp huyện, cơ quan quản lý giáo dục mà làm như thế thì không thể là tấm gương sáng để các nhà trường và đội ngũ cán bộ, giáo viên soi vào được”.

Ông Đức thẳng thắn: “Trước đây, khi nhà giáo được điều về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục họ đều rất thiệt thòi – bị cắt các khoản phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp… Để giảm bớt khó khăn ban đầu cho họ, năm 2011, Thủ tướng cho phép bảo lưu 2 chế độ trên 36 tháng, căn cứ theo Quyết định số 42/2011/QĐ-TTg ngày 05/8/2011”.

Riêng ở Nghệ An, việc biệt phái giáo viên về Phòng GD- ĐT còn phải căn cứ theo Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 “về việc biên chế Phòng GD- ĐT” của UBND tỉnh Nghệ An. Theo đó, mỗi phòng cho phép biên chế 9 công chức và từ 4 đến 8 viên chức biệt phái”.

Chính vì vậy, khi thấy báo phản ánh tình trạng “biệt phái” ngược ở Nghệ An, ông Đức cho rằng, việc một số huyện biệt phái giáo viên về Phòng GD- ĐT là không đúng, nói rõ ra là người ta đã “lách luật” để không ít cá nhân được hưởng chế độ cao hơn quy định.

Một người đã công tác ở phòng nhiều năm, giờ điều người ta xuống trường (nơi được hưởng chế độ cao) vài ba tháng, sau đó lại điều họ trở lại phòng, nếu công tâm, công bằng thì không ai làm như vậy cả. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về UBND cấp huyện.

Theo tôi, việc biệt phái chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời. Về lâu dài, phải bố trí đủ định biên công chức cho các Phòng GD- ĐT, có như vậy, đội ngũ cán bộ các Phòng GD- ĐT mới ổn định, mới tạo được sức mạnh.

Mặt khác, việc lách luật bằng chế độ biệt phái ngược như báo nêu mà không chuyển họ sang ngạch công chức thì sau thời hạn 36 tháng họ sẽ rất thiệt thòi về quyền lợi. Đến lúc đó do không phải công chức nên họ không thể được hưởng 25% phụ cấp công chức.

Ngày 19/8 UBND tỉnh đã có Công văn số 6029/UBND-VX giao kiểm tra vấn đề báo nêu, gửi Giám đốc Sở Nội vụ Sở GD- ĐT, UBND các huyện Con Cuông, Kỳ Sơn, Quế Phong yêu cầu kiểm tra vấn đề báo nêu, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm, báo cáo UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT- TT trước ngày 15/9/2016.

Tác giả bài viết: Võ Văn Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok