Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn 5 triệu tỷ đồng
Ngày 8/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015-2020, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cơ quan này được nhiều ví như “siêu ủy ban" khi quản lý khối lượng vốn lên đến 5 triệu tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp Nhà nước.
Trước đó, ngày 3/2, Chính phủ đã ban hành nghị quyết thành lập Ủy ban này.
Bộ Xây dựng có thêm thứ trưởng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Sinh giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Xây dựng vào ngày 6/2. Ông Nguyễn Văn Sinh sinh năm 1968 tại Hà Nội, là kỹ sư hóa silicat và có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Ông Sinh từng đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera thuộc Bộ Xây dựng. Sau đó, ông về Bộ Xây dựng làm Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Ngoài ông Sinh, hiện nay Bộ Xây dựng có 4 thứ trưởng khác.
Lãnh đạo mới tại nhiều cơ quan |
Vụ trưởng làm chủ tịch Tập đoàn Hóa chất
Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã thống nhất giới thiệu ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, để thực hiện quy trình điều động và báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Cường giữ chức Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ từ ngày 20/11/2014. Ông Cường thay thế cho vị trí của ông Nguyễn Anh Dũng bị kỷ luật mất chức.
'Ghế nóng' tổng giám đốc SeABank đổi chủ
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa có thông báo về việc thay đổi thành viên Ban Tổng giám đốc ngân hàng trong năm 2018. Theo đó, kể từ ngày 8/2, ông Nguyễn Cảnh Vinh sẽ thôi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc tại SeABank, thay vào đó, ông Lê Văn Tần sẽ trở lại vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành hoạt động của SeABank thay thế cho ông Vinh.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Cảnh Vinh cũng mới chỉ được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc nhà băng này từ cuối tháng 9/2017. Khi ông Vinh lên làm Tổng giám đốc, ông Lê Văn Tần cũng đã được thôi đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc phụ trách hoạt động của ngân hàng.
Sếp ngân hàng thay đổi |
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng mất 1,1 tỷ USD
Thị trường chứng khoán Việt tiếp tục chứng kiến đà giảm mạnh của chỉ số VN-Index và một loạt cổ phiếu lớn. Cổ phiếu VIC của Vingroup tiếp tục giảm 3,3%, giao dịch với giá 76.400 đồng/cổ phiếu. Đà giảm này khiến khối tài sản trên sàn chứng khoán Việt của ông Vượng mất thêm gần 2.100 tỷ đồng.
Theo cập nhật mới nhất từ Tạp chí Forbes, tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng, đã giảm xuống còn 4,5 tỷ USD, xếp thứ 468 trong danh sách những người giàu nhất trên thế giới.
Ông chủ TGDĐ: Tôi đã quên Trần Anh
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, cho hay mình đã quên cái tên Điện máy Trần Anh rồi vì thương hiệu này không phải quá lớn để phát triển thêm.
Ông Tài cũng chia sẻ không mở thêm bất cứ cửa hàng Trần Anh mới nào nữa. Công ty mua Trần Anh không phải vì thương hiệu để bành trướng mà vì các ưu điểm vốn có. Các cửa hàng của Trần Anh cũng đã hòa nhập vào chuỗi Điện máy Xanh, được quản trị theo hệ thống của Điện Máy Xanh.
Ông Nguyễn Đức Tài |
“Đến nay, tôi nghĩ mình đã quên Trần Anh rồi. Bản chất của nó cũng chỉ là 34 cửa hàng trong hệ thống của TGDĐ chứ không phải là điều gì đó ghê gớm. Như vậy sẽ không có cửa hàng nào mang tên Trần Anh được mở thêm, mà các cửa hàng hiện hữu của Trần Anh sẽ phải chuyển mình thành TGDĐ về mọi mặt”, ông Tài cho biết.
Lý Quí Trung: Tôi rất giỏi trong việc đóng cửa nhà hàng
Doanh nhân Lý Quý Trung về Phở 24 chia sẻ: Trong nghề kinh doanh nhà hàng, tôi rất giỏi trong đóng cửa. Tôi không nhớ là đóng cửa bao nhiêu nhà hàng nữa (cười). Trong hai nhà hàng tôi mở ở Úc, tôi mới đóng một cái.
“Mở cửa hàng thì dễ nhưng đóng mới khó vì nhiều trở ngại, chẳng hạn như cảm giác thấy quê, ngại ngùng,... Làm nhà hàng lỗ mà kéo dài cả 5 năm, 10 năm mới là điều đáng lo ngại. Không có lời rồi cũng đóng. Mà lỗ kéo dài thì hại não lắm. Chi phí mất đi chính là chi phí cơ hội. Do những cửa hàng không hiệu quả đó đeo người founder khiến những cơ hội khác bị hạn chế”, doanh nhân ngoài 50 tuổi chia sẻ.
Doanh nhân Lý Quí Trung khẳng định, ngừng cuộc chơi, đóng cửa nhà hàng là một nghệ thuật. Làm kinh doanh phải có đủ bản lĩnh để đóng cửa nếu lỗ. Đóng sớm 6 tháng thì đỡ lỗ 6 tháng và cơ hội mới lại mở ra.
Ảnh Zing |
Vợ chồng 'vua' cà phê kéo nhau ra tòa
Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp giữa các thành viên Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Phó Tổng giám đốc) với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Tổng giám đốc, cũng là chồng bà Thảo).
Vụ việc tranh chấp của vợ chồng “vua" cà phê Việt Nam kéo dài hơn 3 năm qua gây sự ý của dư luận. Cũng trong thời gian này, tòa án đang thụ lý xem xét vụ ly hôn của hai vợ chồng bà Thảo, ông Vũ. Cả hai vợ chồng đều đang sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7.
Huỳnh Thị Huyền Như nhận mình là “siêu lừa”
Đây là giai đoạn hai của vụ án “siêu lừa” Huyền Như chiếm đoạt hàng ngàn tỷ được TAND Tối cao tại TP.HCM hủy một phần bản án trước đó trong đại án lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng để điều tra hành vi có hay không tội Tham ô tài sản của Huyền Như đối với 1.085 tỷ đồng của 5 công ty.
Khoảng 3 năm điều tra lại vụ án, quan điểm của cơ quan công tố tối cao vẫn xác định, Huyền Như và đồng phạm phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong vụ án Huyền Thị Huyền Như, cho thấy để huy động được số tiền gửi lớn, ngoài việc chi tiền cho chủ sở hữu nguồn tiền thì người môi giới cũng được chi phần trăm cho số tiền gửi. Số tiền gửi càng lớn, tiền môi giới nhận được càng “khủng”.
Huyền như tiếp tục hầu tòa (ảnh:Zing) |
Bắt cóc nữ đại gia giữa phố
Ngày 8/2, Viện KSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Trần Văn Miên về các tội bắt, giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Phương Nam (sinh năm 1971, ngụ quận 4) và Lê Thị Thảo nhiều lần vay tiền qua lại với nhau. Tính đến năm 2010, bà Nam còn nợ bà Thảo 4,5 tỷ đồng với lãi suất từ 9%-15%/năm. Thảo nhiều lần đòi nhưng bà Nam không trả.
Thông qua mối quan hệ xã hội, Thảo đã nhờ Miên và Nguyễn Anh Đức đòi tiền bà Nam giúp. Trưa 12/10/2010, khi bà Nam được anh Lê Hoàng Thanh (nhân viên của bà Nam) chở bằng xe máy lưu thông trên đường thì Miên áp sát yêu cầu bà Nam lên ô tô của Thảo đã đợi sẵn. Bà Nam được đưa vào một nhà nghỉ ở quận 12 sau đó được chuyển đến một căn nhà gỗ gần hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) giam lỏng.
Tác giả: Bảo Anh (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo VietNamNet