Giới trẻ

Nguy hiểm tiềm ẩn từ trào lưu mua răng khểnh giả tự lắp

Thời gian gần đây rộ lên trào lưu mua răng khểnh giả trên mạng về tự gắn thu hút nhiều người trẻ tuổi. Tuy nhiên, các bác sĩ nha khoa cảnh báo việc làm này gây nhiều nguy hại cho sức khỏe răng miệng.

Với nhiều người, việc có được một hàm răng đều tăm tắp luôn là một niềm mong ước. Tuy nhiên, vẫn có một số người khác lại mong muốn có một chiếc răng khểnh để nụ cười duyên dáng hơn. Chính vì vậy, những chiếc răng khểnh giả ra đời và trở thành trào lưu.

Chỉ cần một thao tác tìm kiếm từ khóa răng khểnh giả trên mạng xã hội, bạn có thể thấy rất nhiều nơi bán sản phẩm làm đẹp này với giá khá “mềm”, từ 85.000-120.000 đồng/chiếc. Chỉ với một cú kích chuột, người mua có thể tha hồ lựa chọn loại răng, kích cỡ và được giao tới tận nhà.

Trang mạng rao bán răng khểnh giả.

Theo lời giới thiệu của một trang mua bán online, loại răng khểnh giả này có nhiều kích cỡ để mọi người lựa chọn cho phù hợp với hàm răng của bản thân, chúng được làm từ nhựa mintame cao cấp ngà vàng giống răng thật. Một bộ đầy đủ có răng và keo gắn kèm dụng cụ, dùng được cho cả nam và nữ. Loại răng này có thể sử dụng được nhiều lần, thời gian sử dụng tùy ý theo khách hàng.

Không những thế, loại keo gắn răng được quảng cáo là an toàn, răng gắn không đau đớn. Loại này còn được khẳng định rằng nếu lỡ nuốt phải cũng không sao.

Sau khi mua về, các bạn trẻ dễ dàng dùng "keo dán răng" để gắn chiếc răng ấy vào hàm thật của mình. Đây là một trong những cách làm đẹp mới của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng việc sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng đang tiềm tàng rất nhiều hiểm họa đối với sức khỏe.

Các loại răng khểnh giả được chào bán trên mạng.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Vũ Trung – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bác sĩ Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, chia sẻ trên báo Sức Khỏe Đời Sống, việc tự ý gắn răng giả để tạo răng khểnh như vậy gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng, rất dễ gây ra tình trạng viêm lợi, viêm nha chu, viêm quanh răng do các thức ăn mảng bám tích tụ lại. Từ đó, gây ra hôi miệng khó chịu, sâu răng hoặc nặng nề hơn có thể gặp phải biến chứng gây phá hủy tổ chức cứng của răng.

Chia sẻ trên báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Đặng Chí Hiền, Viện Hóa học TP Hồ Chí Minh cho rằng các sản phẩm răng, nguyên liệu keo gắn răng giả đang được rao bán trên mạng đều không có nhãn mác, thành phần. Vì vậy, không ai có thể đảm bảo rằng chúng không có chứa các độc tố kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen có hại cho răng lợi và hệ tiêu hóa khi đi qua đường miệng vào trong cơ thể.

BSCK II. Nguyễn Vũ Trung khuyến cáo, nếu người dân có nhu cầu muốn gắn răng giả, gắn răng sứ thẩm mỹ… thì cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt để thực hiện để đảm bảo sức khỏe răng miệng.

Tác giả: Thảo Nguyên

Nguồn tin: Báo Kiến thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok