Đây cũng là tình trạng chung của hàng trăm hộ kinh doanh giết mổ gia súc gia cầm trên địa bàn huyện Yên Thành hiện nay. Theo thống kê trên địa bàn huyện có hơn 200 điểm giết mổ gia súc gia cầm do cá nhân hoặc hộ gia đình lập ra và hoạt động hoàn toàn tự phát và được thực hiện ngay trong khu vực sinh hoạt của gia đình. Các hộ này tự mua gia súc từ các nơi về giết mổ rồi bán thịt tại các chợ, điểm tập trung đông dân cư hoặc dọc các tuyến đường. Theo đó trung bình một ngày có khoảng trên 200 con lợn và trâu bò được làm thịt ngoài lò mổ, lượng thịt này được đưa thẳng ra thị trường không hề qua khâu kiểm dịch. Và người tiêu dùng thì thấy tiện thì mua chứ không kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.
Trước đây, trên địa bàn huyện có 17 lò mổ gia súc tập trung, nhưng hơn 1 năm trở lại đây 2 lò mổ tập trung ở xã Trung Thành và Xuân Thành do hết thời gian sử dụng đất và hoạt động không hiệu quả nên giải thể, gây khó khăn về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cho một số địa phương lân cận.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, phòng nông nghiệp, trạm thú y huyện và các ban ngành kiên quan đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy trình giết mổ gia súc, gia cầm an toàn cho các hộ làm nghề trên địa bàn huyện, đặc biệt là các hộ quy mô nhỏ lẻ, đề nghị các hộ này ký cam kết về thực hiện quy trình giết mổ gia súc và đầu tư cơ sở vật chất tối thiểu cho hoạt động này. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn hạn chế, số cơ sở đăng ký kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm thường xuyên với cơ quan thú y trên toàn huyện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bà Đào Thị Điểm- chuyên viên phòng nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết:
“UBND huyện đã giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ các hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc gia cầm, việc giết mổ động vật để kinh doanh phải được thực hiện ở các điểm giết mổ đảm bảo đủ tiêu chuẩn, được cán bộ thú y kiểm soát trước trong và sau khi bày bán ở chợ, giao cho lực lượng công an tăng cường tuần tra kiểm soát với các đối tượng hành nghề kinh doanh, các tổ chức hành nghề giết mổ phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật để đảm bảo vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng, tuyệt đối không để giết mổ tại gia...”
Trong khi các cơ quan chức năng của huyện Yên Thành chưa có biện pháp khắc phục khả quan trong khâu giết mổ gia súc, thì mỗi ngày trên địa bàn hàng chục tấn thịt không đảm bảo vệ sinh từ các cơ sở giết mổ gia súc tự phát vẫn được đưa ra thị trường. Đây là tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng./.