Hơn 1 tháng qua, kể từ khi các cháu biết điểm thi THPT Quốc gia 2018, tôi được dự đến 7 cuộc liên hoan chia tay đi du học. Điều đáng nói, số các cháu có lực học giỏi hay gia đình khá giả, có điều kiện kinh tế tốt để cho con đi du học chỉ có 2-3 cháu, số còn lại đa phần tìm đến du học như một cách “chạy chốn" giáo dục đại học trong nước. Cha mẹ các cháu phải chắt bóp, tính toán kỹ lưỡng, dù phải vay mượn cũng cố gắng cho con đi học ở nước ngoài. Việc tìm học bổng chỉ là để “đỡ phần nào" chi phí, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu chứ không phải là yếu tố quyết định.
Có người bán cả mảnh đất vốn là tài sản anh chị định cho con sau này lấy vợ hoặc để con làm lưng vốn khi có việc cần. Họ bảo, khi trước cha mẹ đâu có cần cho mình nhà đất mà vẫn mua được nhà, được đất. Mình chỉ cần ăn học đến nơi, đến chốn, có nghề nghiệp, công việc tốt thì phấn đấu mua nhà đất chỉ là chuyện thời gian. Chính vì thế, giờ không cần của để dành mà đầu tư cho con đi học, sau này kiếm được việc làm tươm tất thì chẳng phải lo.
Ảnh minh họa |
Lên mạng xã hội vào những ngày này, tràn lan những chia sẻ của các gia đình liên hoan hoặc đưa tiễn các con đi du học nước ngoài. Việc đỗ các trường đại học hàng đầu trong nước không được hân hoan chào đón, chia sẻ rầm rộ bằng việc đi du học.
Trong trả lời chất vấn trước Quốc hội hồi tháng 6/2018, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết: Mỗi năm người Việt chi khoảng 3-4 tỷ USD cho học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Đây là số tiền rất lớn.
Làn sóng du học gia tăng điều đó chứng tỏ đời sống kinh tế của người Việt đã khấm khá hơn trước. Nhưng có một điều đáng buồn là giáo dục đại học của chúng ta đã bỏ lọt một số lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng và chất lượng cao, số khách hàng có điều kiện kinh tế ở mức khá, giàu, rơi vào tay các nhà làm giáo dục nước ngoài. Có người tặc lưỡi bảo rằng, các cháu ra nước ngoài học tập thì sau này sẽ về phục vụ quê hương, đất nước. Nhưng thật sự là khó. Khi du học, nhiều em đã tính đến con đường định cư ở nước ngoài. Hoặc nếu các em có tài thật sự thì đất nước tiếp nhận các em du học sẽ tìm mọi cách để đãi ngộ, giữ chân các em. Hoặc có những em muốn về và đã về quê hương làm việc nhưng một thời gian sau không chịu nổi môi trường làm việc trong nước nên lại tìm cách ra đi. Đáng buồn ở chỗ, có những em được cha mẹ đầu tư cho ăn học đến thạc sĩ ở nước ngoài, không muốn về nước, ở lại cũng không xin được việc nên lại đi làm những công việc giản đơn, chỉ với mục đích được định cư ở nước ngoài, rất lãng phí.
Hiện nay, nhiều trường đại học uy tín đã mở các lớp đào tạo cử nhân tiên tiến hoặc liên kết với các trường đại học của nước ngoài để đào tạo trong nước. Thế nhưng, nhiều người cũng chưa thật tin tưởng vào chất lượng đào tạo, cho rằng, việc giảng dạy vẫn có sự tham gia của giảng viên người Việt thì chắc “chất lượng cũng sẽ Việt Nam".
Vì sao ngày càng nhiều người Việt muốn con đi du học đến vậy? Câu trả lời nằm ở chính những người làm công tác giáo dục. Từ công tác đào tạo đến thi cử, tuyển sinh... cho đến khi ra trường tham gia vào các kỳ tuyển dụng... đều rất có vấn đề, gây mất niềm tin sâu sắc. Cho nên, việc gia tăng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài không đồng nghĩa với việc nguồn nhân lực sau này sẽ được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi có ai trả lời được, có bao nhiêu du học sinh sẵn sàng về nước làm việc?/.
Tác giả: Vũ Hạnh
Nguồn tin: Báo VOV