Cuộc sống

Người Việt ăn uống 'chung đụng' dễ nhiễm khuẩn gây ung thư dạ dày

Thói quen ăn uống "chung đụng" như chấm chung một chén mắm, uống chung ly rượu hay gắp chung đôi đũa... của người Việt khiến vi khuẩn HP dễ lây lan gây viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nhiễm HP (Helicobacter Pylori) là một trong các nhiễm khuẩn thường gặp ở người. Theo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Tiêu hóa thế giới năm 2010, tỷ lệ nhiễm HP trung bình toàn cầu là 50%. Ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, tỷ lệ nhiễm ở người trưởng thành lên đến 70%. Đến 90% bệnh nhân viêm dạ dày có sự hiện diện của khuẩn HP. Tỷ lệ này ở nhóm loét dạ dày - tá tràng là 75 đến 85%, từ 80 đến 95% bệnh nhân bị biến chứng thủng do loét dạ dày - tá tràng.

Tại Việt Nam tỷ lệ viêm loét dạ dày - tá tràng ngày càng gia tăng, đứng đầu trong các bệnh đường tiêu hóa. Thủ phạm chính gây bệnh là HP, vi khuẩn này cũng được xếp vào nhóm đầu gây ung thư dạ dày. Hiện nay, ung thư dạ dày đứng hàng thứ hai trong 10 loại ung thư nguy hiểm thường gặp nhất ở nước ta.

Các nghiên cứu y khoa chỉ ra vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền sang người lành chủ yếu thông qua đường ăn uống, nước bọt, phân, dịch tiêu hóa... Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HP trong cộng đồng nước ta cao là do thói quen ăn uống “chung đụng”, chấm chung một chén, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác, nhấp môi chung một ly khi uống rượu. Đây là con đường để HP xâm nhập vào cơ thể nhanh nhất. Bên cạnh đó, sở thích ăn uống ở hàng quán vỉa hè kém vệ sinh càng làm tăng nguy cơ nhiễm HP và cả viêm gan siêu vi A.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tập thói quen giữ vệ sinh cá nhân, tránh ăn chung đụng. Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm. Nếu món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc muỗng sạch và quy ước là dùng chung. Khi gắp đồ ăn, tránh để đũa chạm vào những phần thực phẩm còn lại, gắp nhanh và dứt khoát, không khua khoắng. Không nên dùng chung ly uống nước hoặc rượu để đảm bảo vệ sinh cho mình và người khác. Tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, không liếm nước bọt khi đếm tiền, lật giấy. Hạn chế ăn uống ở hàng quán, vỉa hè...

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo bệnh nhân điều trị HP không đúng phác đồ hoặc không chữa trị có thể dẫn đến biến chứng ung thư dạ dày. Thống kê cho thấy 80% người nhiễm HP gây ra viêm dạ dày mạn tính không triệu chứng, từ 15 đến 20% bị viêm teo dạ dày mạn tính hay chuyển sản ruột, viêm loét dạ dày, tá tràng, chỉ dưới 1% diễn tiến thành ung thư. Điều này phụ thuộc vào cơ địa từng bệnh nhân, độc tính của vi khuẩn và chế độ ăn uống. Ăn mặn, dùng nhiều đồ lên men, muối chua, thịt hun khói làm cho thực phẩm bị biến chất, gặp vi khuẩn HP sẽ dễ phát sinh ung thư hơn. Chính vì vậy, khẩu phần ăn cho người bị nhiễm HP cần tránh đồ chua cay, mặn, nên dùng củ nghệ có tính chất bảo vệ chống ung thư và làm lành những tổn thương trong viêm loét bao tử.

Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh phác đồ triệt tiêu khuẩn HP ở các bệnh nhân bị viêm, loét dạ dày tá tràng là rất cần thiết nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và ung thư dạ dày. Phương pháp xác định sự hiện diện của HP tùy theo từng đối tượng: Người trẻ bị đau dạ dày thì không cần thiết phải nội soi ngay mà có thể dùng những biện pháp đơn giản như thử máu, kiểm tra hơi thở. Người lớn tuổi bị đau dạ dày nhiều và lâu ngày cần tầm soát bằng nội soi.

Phát hiện bệnh nhân dương tính với HP, bác sĩ cần xây dựng phác đồ điều trị tập trung. Vi khuẩn này sống trong dạ dày, thích nghi với môi trường tốt nên nếu chỉ uống kháng sinh rất khó phát huy tác dụng. Hơn nữa thuốc uống gặp môi trường axít trong dạ dày sẽ bị hủy và giảm tác dụng. Chính vì vậy, phác đồ diệt HP ít nhất phải phối hợp hai loại kháng sinh và thêm thuốc giảm tiết axít mạnh (ức chế bơm proton) giúp kháng sinh phát huy tác dụng tốt nhất.

Tác giả bài viết: Trần Ngoan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok